Sách giáo khoa miền Nam trước 1975 trong phần lịch sử coi nhà Triệu như triều đại chính thống. Nhưng điều này cũng vấp phải sự phản đối từ giới sử học miền Nam khi ấy.

Quan điểm đa chiều về Triệu Đà tại miền Nam trước 1975

01/06/2019, 14:59

Sách giáo khoa miền Nam trước 1975 trong phần lịch sử coi nhà Triệu như triều đại chính thống. Nhưng điều này cũng vấp phải sự phản đối từ giới sử học miền Nam khi ấy.

Tượng Triệu Đà

Triệu Đà, cách nhìn qua các thời kỳ: Nỏ thần trao tay giặc?

Ngàn năm đô hộ giặc Tàu: Góc nhìn về Triệu Đà, lịch sử cũng... chia phe

Triệu Đà và cuộc bút chiến giữa hai học giả Phan Khôi-Trần Trọng Kim

Trong các phần trước, chúng ta nói về tranh cãi quan điểm liên quan đến nhà Triệu và Triệu Đà. Tuy nhiên, đó chỉ là quan điểm cá nhân của giới học giả. Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm về sách giáo khoa (SGK) ở miền Nam trước 1975 nhìn nhận ra sao về nhà Triệu.

Trong cuốn Việt sử lớp ba (tương đương lớp 3 hiện giờ) do một số giáo viên soạn thảo được nhà xuất bản Việt Hương in năm 1952 đã kể về giai đoạn Triệu Đà trong bài học Nhì về gương ái quốc Lữ Gia.

Sách viết đoạn 1:

Triệu Đà chiếm được nước Nam lập ra nhà Triệu. Lúc đó nhà Hán làm vua bên Tàu. Tới đời Triệu Ai Vương (112 trước Tây lịch), vua thứ tư nhà Triệu, triều chánh suy đồi, nhà hán nhân cơ hội, sai sứ là Thiếu Quý sang dụ Ai Vương cùng mẹ là Cụ thị về hàng. Sứ thần khinh nước ta nhỏ bé nên có thái độ ngạo mạn.

Từ đoạn này chúng ta có thể thấy người soạn sách đã dùng từ "nước ta" khi kể về nhà Triệu.

Đoạn 3 viết:

Khi nhà Hán hay tin liền phái Phục ba tướng quân là Lộ Bác Đức sang đánh lấy Nam Việt. Vì quân cô thế yếu, Lữ Gia tử trận. Từ đấy, nước ta bị đô hộ và nhà Hán đổi lại Giao chỉ bộ một lệ thuộc của nước Tàu.

Từ đoạn này có thể thấy người soạn sách đã xác định nhà Triệu là triều đại của nước ta và sau khi nhà Triệu mất mới tính là thời kì bị đô hộ.

Đoạn 4 viết về Bài học lịch sử còn thể hiện rõ hơn quan điểm của người soạn sách SGK:

Nước nào cũng có bước hưng vong, song hết lòng trung vì nước, hy sinh thân mình để cứu với dân tộc khỏi vòng nô lệ như ông Lữ Gia thật là đáng cho ta kính phục. Tuy đại sự không thành, nhưng ông cũng đã nêu cao một tấm gương yêu nước đầu tiên của người Việt Nam vậy. Nhờ theo gương đó mà dân tộc ta, mặc dầu quan nhiều cơn lao khổ vẫn tồn tại được tới ngày nay.

Sau 1954 thì quan điểm về Triệu Đà cũng không thay đổi trong SGK dạy sử ở miền Nam. Trong cuốn Quốc sử lớp tư (tương đương với lớp 2 hiện giờ) của 2 soạn giả Phạm Văn Trọng và Huỳnh Văn Đồ do Bộ giáo dục quốc gia xuất bản năm 1963 thì học sinh đã được học về lịch sử nước ta thời kỳ đầu. Cuốn này không nói trực tiếp về Triệu Đà nhưng ở chương 4 phần Danh nhân lịch sử có kể về Lữ Gia với tựa đề: Tổ quốc là trên hết.

Ngay tranh đầu thì sách đã khẳng định: Sứ nhà Hán bên Tàu dâng thư dụ vua Triệu Ai vương nước ta về hàng nhà Hán. Như vậy, cuốn SGK sử đầu tiên cho học sinh thời kỳ này đã xác quyết nhà Triệu là triều đại của nước ta đối lập với nhà Hán bên Tàu.

Sau đó, chuyện nêu gương sáng về Lữ Gia như sau

Mẹ vua là Cù thị vốn người Tàu khuyên dỗ Ai Vương dâng nước ta cho nhà Hán. Ai Vương định nghe theo lời mẹ.

Tể tướng Lữ Gia bèn sai người giết Cù thị và Ai vương rồi hạ sát luôn sứ nhà Hán.

Nhà Hán sai quân sang đánh nước ta. Lữ Gia phục binh chém được tướng giặc.

Sau, quân Hán lại rầm rộ kéo sang đánh chiếm nước ta. Lữ Gia thế yếu nhưng không chịu hàng chống cự cho đến chết.

Tiếp đến là cuốn quốc sử lớp nhì (tương đương lớp 4 hiện giờ) do Bộ văn hóa – giáo dục xuất bản năm 1965 cũng coi nhà Triệu là triều đại chính thống. Trong bài 4, sách viết riêng về Văn Lang thuộc nhà Triệu và ngay sau bài này mới đến phần lịch sử được gọi là thời đại Bắc thuộc. Trong mục 5 của bài giảng, sách viết:

Nhà Hán sai tướng Lỗ Bác Đức đem quân sang đánh chiếm thành Phiên ngung. Lữ Gia và Dương vương quân ít, chống cự không lại, bị bắt giết. Nhà Triệu mất nghiệp và từ đó nước ta bị nội thuộc nước Tàu (111 trước Tây lịch).

Tuy nhiên, không phải nhà sử học nào ở miền Nam trước 1975 cũng tán thành việc coi Triệu Đà là vua nước Nam. Phạm Văn Sơn (1915 - 1978) là một sử gia Việt Nam và là sĩ quan trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đặc biệt, ông là tác giả của cuốn Việt Nam cận đại sử yếu soạn theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục, lớp đệ nhị niên (tương đương lớp 11 hiện giờ) cấp trung học xuất bản năm 1952.

Ông đã thể hiện quan điểm của mình trong bộ Việt sử tân biên 7 tập được ông viết trong giai đoạn 1956-1972. Ngay trong chương 6 quyển 1, ông đã viết rõ nhà Triệu trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất và phân tích như sau:

Gần đây nhiều nhà học giả xét lại vấn đề này cho rằng Bắc thuộc lần thứ nhất phải kể từ khi Triệu Đà chiếm nước Âu-Lạc năm 207 trước TC. Chúng tôi tán thành ý-kiến này vì Triệu Đà là một tướng nhà Tần, dòng dõi người Trung Quốc xâm lăng nước ta để làm thuộc-địa thì việc Ngoại-thuộc phải kể từ khi Triệu Đà đặt chân vào lãnh thổ nước ta. Đồng thời ta phải bỏ nhà Triệu ra ngoài cuốn sử nước nhà mới hợp lý. Trái lại nếu kể Bắc thuộc thời đại bắt đầu từ nhà Hán lấy Đế quốc Nam Việt (111 trước TC) tức là đặt nhà Triệu vào một triều vua chính thống của dân tộc Việt Nam sao cho hợp lý.

Như vậy, từ lời của nhà sử học Phạm Văn Sơn thì có thể thấy là ở miền Nam trước 1975 dù nhà Triệu được đưa vào SGK như một triều đại chính thống thì đã có rất nhiều tranh cãi về nhân vật đặc biệt và triều đại đặc biệt này.

Truyện về Lữ Gia

Lữ Gia là Thái phó (sau được làm Thừa tướng) ba đời vua Triệu, từ Minh Vương (124 – 113 TCN), Ai Vương (112 TCN) tới Thuật Dương Vương (112 – 111 TCN).

Minh Vương Triệu Anh Tề đã có con lớn là Triệu Kiến Đức với một bà vợ người Việt, nhưng vì yêu Cù Hậu là người Hán nên lập con nhỏ của Cù Hậu là Triệu Hưng lên thay. Năm 113 TCN, Minh Vương chết, Hưng nối ngôi, tức là Triệu Ai Vương.

Trước kia, Thái hậu chưa lấy Minh Vương, đã từng thông dâm với An Quốc Thiếu Quý người Bá Lăng. Năm ấy nhà Hán thấy nước Nam Việt vua nhỏ nên sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Triệu Ai Vương và Thái hậu vào chầu, như đối với các chư hầu nhà Hán, lại sai Biện sĩ là Gián nghị đại phu Chung Quân tuyên dụ, Dũng sĩ là Ngụy Thần giúp việc, vệ úy Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả.

Triệu Hưng còn ít tuổi, Cù thái hậu là người Hán, Thiếu Quý đến, lại tư thông. Người trong nước biết, phần nhiều bất bình không theo Thái hậu. Thái hậu sợ, muốn dựa uy nhà Hán, nhiều lần khuyên Triệu Hưng và các quan xin nội phụ nhà Hán, bèn nhờ sứ nhà Hán dâng thư, xin theo như các chư hầu của nhà Hán, cứ ba năm một lần vào chầu, triệt bỏ cửa quan ở biên giới. Vua Hán bằng lòng, ban cho Triệu Ai Vương và Thừa tướng Lữ Gia ấn bằng bạc và các ấn nội sử, trung úy, thái phó, còn các chức khác được tự đặt lấy.

Cù thái hậu đã sửa soạn hành trang lễ vật quý giá để cùng Triệu Ai Vương vào chầu. Thừa tướng Lữ Gia tuổi cao chức trọng, người trong họ làm trưởng lại đến hơn 70 người, con trai đều lấy con gái vua đời trước, con gái đều gả cho con em vua và người tôn thất, cùng thông gia với Tần Vương Triệu Quang ở đất Thương Ngô. Trong nước Nam Việt, ông được lòng dân hơn cả vua. Lữ Gia nhiều lần dâng thư can Ai Vương nhưng Ai Vương không nghe.

Lữ Gia quyết định làm binh biến, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều muốn hại ông, nhưng thế chưa thể làm được. Thái hậu cũng sợ phe Lữ Gia khởi sự trước, muốn nhờ sứ giả nhà Hán trù mưu giết ông.

Cù thái hậu bèn đặt tiệc rượu mời sứ giả đến dự, các đại thần đều ngồi hầu rượu. Em Lữ Gia làm tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Tiệc rượu mới bắt đầu, Thái hậu bảo ông rằng:

"Nam Việt nội thuộc [Trung Quốc] là điều lợi cho nước, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện là tại sao?"

Ý Cù thái hậu muốn chọc tức sứ giả. Sứ giả còn đang hồ nghi, chần chừ chưa dám làm gì. Lữ Gia thấy tai mắt họ có vẻ khác thường, lập tức đứng dậy đi ra. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm ông nhưng Triệu Ai Vương ngăn lại.

Lữ Gia bèn ra chia lấy quân lính của em dẫn về nhà, cáo ốm không chịu gặp vua và sứ giả, ngầm cùng các đại thần chống đối. Triệu Ai Vương vốn nể uy tín của Lữ Gia nên không có ý giết ông. Lữ Gia biết thế nên đến mấy tháng không hành động gì. Thái hậu muốn một mình giết Lữ Gia nhưng sức không làm nổi.

Hán Vũ Đế nghe tin Lữ Gia không nghe mệnh, mà Triệu Hưng và Thái hậu thì cô lập, không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát không quyết đoán, lại thấy Hưng và Thái hậu đã nội phụ rồi, chỉ một mình Lữ Gia làm loạn, không đáng dấy quân, muốn sai Trang Sâm đem 2.000 người sang sứ. Sâm từ chối không nhận. Hán Vũ Đế bèn bãi chức Sâm. Tướng Tế Bắc cũ là Hàn Thiên Thu hăng hái xin đi. Hán Vũ Đế bèn sai Thiên Thu và em Cù thái hậu là Cù Lạc đem 2.000 người tiến vào đất Nam Việt.

Lữ Gia bèn hạ lệnh trong nước rằng:

"Vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem theo nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời".

Ông bèn cùng với em đem quân đánh, giết Triệu Ai Vương và Cù thái hậu, cùng tất cả sứ giả nhà Hán, rồi sai người đi báo cho Tần Vương Triệu Quang ở Thương Ngô và các quận ấp, lập con trưởng của Triệu Minh Vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua, tức là Triệu Thuật Dương Vương.

(còn tiếp)

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quan điểm đa chiều về Triệu Đà tại miền Nam trước 1975