Các nước Trung và Đông Âu ngày càng không hài lòng với kết quả kinh tế mà sáng kiến “17+1” mang lại, theo báo cáo mới công bố của tổ chức nghiên cứu Quan sát viên Trung Quốc tại Trung và Đông Âu (CHOICE).
Báo cáo chỉ ra rằng thâm hụt thương mại giữa 17 nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc tăng mạnh kể từ năm 2012 - thời điểm “17+1” bắt đầu hoạt động. Mức thâm hụt tính đến năm 2018 là 75 tỉ USD.
Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc rất ít, lại chỉ tập trung ở Hungary, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Slovakia khiến số quốc gia còn lại thất vọng.
CHOICE công bố báo cáo trên sau khi hội nghị thượng đỉnh “17+1” bị hoãn vì dịch COVID-19. Ivana Karaskova - một trong những tác giả viết báo cáo - dẫn nguồn thạo tin tại Cộng hòa Czech tiết lộ thời gian tổ chức lại cuộc họp vẫn chưa rõ. Nguồn tin ngoại giao của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) còn cho biết Đại sứ quán 17 nước Trung và Đông Âu tại Bắc Kinh giữa tháng 3 đã nhận thông báo hoãn họp, các bên vẫn chưa bàn bạc chọn thời gian mới.
Dự kiến tổ chức vào ngày 15.4 tới, hội nghị thượng đỉnh “17+1” chìm trong tranh cãi khi Tổng thống CH Czech Milos Zeman từ chối góp mặt. Ông chỉ trích đối tác châu Á không giữ cam kết đầu tư mạnh mẽ nên cử Phó Thủ tướng Jan Hamacek sang dự cho “đúng mức độ hợp tác”.
Báo cáo của CHOICE kêu gọi các nước Trung và Đông Âu thống nhất yêu cầu trước lúc gặp mặt làm việc với Trung Quốc để đạt lợi ích kinh tế tốt nhất, ngoài ra nên tận dụng sáng kiến “17+1” đòi hỏi một số vấn đề nhạy cảm như mở cửa thị trường cho doanh nghiệp lục địa già hơn nữa, chống lại ảnh hưởng chính trị từ Trung Quốc bằng cách tự tài trợ cho những chương trình trao đổi văn hóa thay vì phụ thuộc đơn vị như Viện Khổng tử, tạo điều kiện cho giám sát hoạt động của cá nhân/tổ chức Trung Quốc tại đất nước mình.
Cẩm Bình (theo SCMP)