Luật Xây dựng năm 2014 đã có hiệu lực nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn khiến các địa phương rất lúng túng khi áp dụng.

Quản xây dựng lỏng lẻo, nhiều cán bộ bị kỷ luật

Theo Pháp luật TP.HCM | 05/10/2016, 06:11

Luật Xây dựng năm 2014 đã có hiệu lực nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn khiến các địa phương rất lúng túng khi áp dụng.

“Trung bình mỗi tháng có 10 căn nhà xây dựng không phép là điều rất đáng ngạc nhiên. Địa phương ở đâu khi xảy ra sai phạm, tại sao người dân chỉ cần đổ xe gạch là lập tức lực lượng chức năng xuất hiện mà những trường hợp này không phát hiện ra ngay từ đầu?”. Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã đặt câu hỏi về tình trạng xây dựng không phép tại quận 12 trong buổi làm việc với quận này vào ngày 4.10.

Cán bộ quá tải

Báo cáo của UBND quận 12 cho biết từ đầu năm đến nay quận có 164 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó có 108 trường hợp xây dựng không phép. Hiện ở quận còn 69 trường hợp xây nhà không phép chưa được xử lý.

Theo Phòng Quản lý đô thị quận 12, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 26/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng, UBND TP đã ban hành Quyết định 58 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Việc thực hiện theo các quy định này đã phát sinh một số vấn đề bất cập.

Ông Võ Tấn Khoa, Phó phòng Quản lý đô thị quận 12, cho hay trước khi có các quy định trên, thanh tra xây dựng là lực lượng chủ lực để xử lý vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, sau thời điểm đó thì nửa số lượng thanh tra xây dựng chuyển về Sở Xây dựng và chỉ xử lý hành vi xây sai phép. Một nửa còn lại chuyển về đội trật tự đô thị, chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến trật tự vỉa hè, lòng lề đường, không tham gia công tác xử lý vi phạm xây dựng. Ở địa phương chỉ có cán bộ địa chính xử lý việc xây dựng không phép nhưng cán bộ địa chính ở mỗi phường chỉ có 3-4 người. Trình độ, năng lực cán bộ hạn chế, lại phải kiêm rất nhiều công việc khác nên dẫn đến quá tải.

Người dân đến nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng tại quận 12. Ảnh: VH

Vừa xử lý vừa run

Ông Khoa phân trần các cán bộ chuyển về Sở Xây dựng là lực lượng “ngon lành”, được đào tạo bài bản, trong khi cán bộ địa chính và cộng tác viên chủ yếu là trung cấp, không có kinh nghiệm xử lý vụ việc. Một số công trình lớn như chung cư khi xảy ra việc xây dựng không phép, cán bộ địa chính không đủ năng lực để xử lý dẫn đến việc xây vượt tầng như đã từng xảy ra tại quận 12 thời gian trước đó.

Ngoài ra, ông Khoa cũng cho biết hiện nay Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn nên địa phương rất lúng túng trong việc vận dụng pháp luật để xử lý.

“Chúng tôi đang phải áp dụng Nghị định 180/2007 để xử lý vi phạm trong khi nghị định này là hướng dẫn Luật Xây dựng 2003. Trong trường hợp người dân có khiếu nại, chúng tôi cũng không biết phải giải thích như thế nào. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn mới nên vẫn phải thực hiện, vừa làm vừa run” - ông Khoa nói.

Địa phương phải gánh trách nhiệm

Ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng việc phát hiện và xử lý công trình xây dựng không phép không thể không có trách nhiệm của địa phương. Vì việc nhỏ như đổ xe cát còn bị phát hiện thì không khó để phát hiện việc xây cả căn nhà không phép. Do đó, ông Danh đề nghị phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo địa phương.

UBND quận 12 cũng cho biết từ đầu năm đến nay, quận 12 đã xử nhiều cán bộ do quản lý địa bàn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng xây dựng không phép. Cụ thể là kỷ luật bằng hình thức khiển trách với chủ tịch, nguyên phó chủ tịch và hai công chức phường Tân Thới Hiệp, một công chức phường Hiệp Thành và phê bình, rút kinh nghiệm ba công chức tại phường Tân Hưng Thuận.

Dài cổ chờ phân loại biệt thự

Chiều 4.10, Ban Pháp chế HĐND TP.HCM cũng đã làm việc với UBND quận 3. Một trong những vấn đề có nhiều vướng mắc tại quận 3 là việc giải quyết cấp phép xây dựng cho nhà biệt thự.

Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, công trình biệt thự là nét đặc trưng kiến trúc ở quận. Tuy nhiên, hiện nay địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng.

Ông Bình cho hay hiện trạng biệt thự trên địa bàn quận 3 có rất nhiều dạng: vừa là biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, vừa có loại sở hữu tư nhân, loại vừa sở hữu tư nhân lẫn sở hữu nhà nước. Đối với biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, trước đây đã có tình trạng phân chia cho nhiều hộ sử dụng, có ranh và không gian không đồng nhất, phá vỡ hình thức sử dụng kiến trúc biệt thự…

Năm 1996, UBND TP có Thông báo số 46 về việc bảo tồn hình thức kiến trúc biệt thự, tầng cao, mật độ xây dựng, mảng xanh trong khuôn viên biệt thự với 108 danh mục. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc đánh giá và phân loại biệt thự chưa được tiến hành, khiến quận 3 rất lúng túng khi xử lý cấp giấy chủ quyền và cấp phép xây dựng.

Ông Bình cũng cho biết năm 2009, Bộ Xây dựng mới có Thông tư 38 hướng dẫn việc sử dụng, quản lý nhà biệt thự trong khu vực đô thị. Sau đó, TP cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan đánh giá và phân loại biệt thự nhưng đến nay việc này vẫn chưa xong. Quận 3 đề xuất các sở, ngành liên quan sớm hoàn thành việc đánh giá, phân loại, chốt danh sách cái nào nằm trong danh sách bảo tồn, cái nào nằm ngoài để có hướng xử lý.

“Những công trình nào thuộc bảo tồn thì TP bảo tồn, những công trình nào nằm ngoài danh mục bảo tồn thì kiến nghị phân cấp cho quận quản lý để giải quyết các quyền lợi của người dân có liên quan” - ông Bình nói.

Việt Hoa - Pháp luật TP.HCM
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản xây dựng lỏng lẻo, nhiều cán bộ bị kỷ luật