Việc xây đảo nhân tạo, xây hải đăng và kéo pháo đến Trường Sa là những bước leo thang mới của Trung Quốc (TQ) nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Những bước leo thang này đụng chạm mạnh mẽ lợi ích của các nước khác trong khu vực và cả các nước ngoài khu vực có lợi ích chính đáng ở biển Đông như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc...

Quốc hội cần ra nghị quyết về Biển Đông, đáp ứng mong mỏi của cử tri

Một Thế Giới | 01/06/2015, 05:24

Việc xây đảo nhân tạo, xây hải đăng và kéo pháo đến Trường Sa là những bước leo thang mới của Trung Quốc (TQ) nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Những bước leo thang này đụng chạm mạnh mẽ lợi ích của các nước khác trong khu vực và cả các nước ngoài khu vực có lợi ích chính đáng ở biển Đông như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc...

Trung Quốc vi phạm những điều cam kết

Theo ông Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) - việc TQ đang riết ráo xây đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm và rạn san hô chiếm giữ trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn nhằm độc chiếm và biến biển Đông thành “ao nhà” của mình. “Hành vi của TQ cho thấy những gì mà dư luận thế giới và nhân dân Việt Nam nhận định từ nhiều năm qua về TQ là hoàn toàn chính xác. Đó là TQ quyết tâm độc chiếm biển Đông bằng mọi thủ đoạn, kể cả vũ lực, để biến khu vực này thành “vùng nước chủ quyền” của họ. TQ đã bất chấp luật pháp quốc tế, hiểm họa chiến tranh, coi thường lợi ích của nhân dân mình và các nước khác, thách thức trắng trợn cộng đồng quốc tế” - ông Nghĩa bày tỏ.
Bien Dong: Quoc hoi can len tieng!-hinh-anh-1
 
Ông Nghĩa khẳng định không có bất kỳ luật pháp nào thừa nhận hành vi nêu trên của TQ. Hành vi đó đã vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
“Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1974, rồi chiếm các đảo ở Trường Sa năm 1988 dù trước đó họ chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này. Những hành vi đó của TQ đều sử dụng bạo lực, gây đổ máu cho nhân dân nước khác, cho nên không bao giờ tạo ra được chủ quyền hợp pháp. Việc khai thác, xây dựng trên những vùng biển, đảo đó tất nhiên cũng là bất hợp pháp. Ngay cả khi coi những vùng biển, đảo đó đang có tranh chấp thì việc đơn phương thay đổi hiện trạng cũng vi phạm luật biển quốc tế và các thỏa thuận quốc tế mà TQ đã ký kết. Tóm lại, những việc làm của TQ vừa vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược mọi cam kết, thỏa thuận đa phương và song phương vừa chà đạp lên những lời lẽ tốt đẹp mà họ từng nói. Chẳng những Việt Nam mà đa số cộng đồng quốc tế đều phản đối và không thừa nhận tính hợp pháp của những bước đi nguy hiểm này” - ông nhận xét.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, cho rằng việc TQ xây các bãi cạn và đảo là có tính toán với nhiều mục đích khác nhau. Trong đó, họ muốn biến các bãi cạn thành đảo và muốn biến những khu vực không thích hợp cho con người ở thành nơi con người có thể ở được, thậm chí là nơi có thể tạo ra kinh tế riêng.
“Đấy là mục đích mở rộng phạm vi trong các vùng biển không thuộc quyền của TQ, chứng minh cho yêu sách “đường lưỡi bò” của họ là có cơ sở. Yêu sách của TQ đưa ra bị người ta phê phán rất nhiều. Vì thế, họ cố chứng minh với thế giới bằng nhiều cách, trong đó có một vấn đề pháp lý là tạo ra các bãi cạn và tạo ra các đảo. Cho nên, việc di dân ra, làm những công trình dân sự... cũng có thể là một trong những mục đích mà họ sẽ làm trong những bước đi tiếp theo. Nhưng đằng sau việc này nó còn có ý nghĩa về mặt chiến lược. Hiện nay, họ đang xây dựng các căn cứ quân sự như đường băng, hầm ngầm, cầu cạn... Trên cơ sở đó, họ sẽ khống chế các hoạt động trên biển, trong đó có vấn đề hàng hải, hàng không. Điều này mới khiến cho các nước trong khu vực cũng như thế giới lo ngại” - TS Trục phân tích.
Quốc hội cần ra một nghị quyết
TQ đang ráo riết đổ hàng chục tỉ USD nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông. Nhìn nhận về ứng phó của Việt Nam, ông Trương Trọng Nghĩa đánh giá: “Việt Nam đã chính thức phản đối những hành vi leo thang của TQ và khẳng định đó là những việc làm bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng nhân dân chưa được thông tin đầy đủ và cụ thể về những âm mưu, thủ đoạn mới của TQ. Cử tri cả nước có cảm giác phản ứng của Việt Nam chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của TQ. Tuy nhiên, tôi nghĩ chắc chắn lãnh đạo ta đã và đang có những biện pháp để chống lại có hiệu quả việc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông”.
Bien Dong: Quoc hoi can len tieng!-hinh-anh-2
 
Cách đây 1 năm, TQ đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. “Sau khi nghe Chính phủ báo cáo, QH chỉ ra thông báo. Điều này làm cử tri cả nước chưa hài lòng. Cử tri cần QH có tiếng nói mạnh mẽ. Năm nay, TQ lại tiếp tục gia tăng các hành động xâm phạm chủ quyền nước ta. Việc làm của TQ là cố tình chà đạp, bất chấp lợi ích của Việt Nam và các nước khác, cực kỳ sai trái và nguy hiểm. Vì vậy, kỳ họp lần này, sau khi nghe Chính phủ thông báo cụ thể tình hình và kế hoạch ứng phó, QH cần bàn bạc và ra một nghị quyết cho nội bộ Việt Nam, thể hiện rõ thái độ của cơ quan quyền lực cao nhất của một quốc gia với yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước” - ông Nghĩa đề xuất.
Còn về đối ngoại, theo ông Nghĩa, QH cần có một tuyên bố chính thức với nội dung thích hợp gửi tới QH và nhân dân các nước về lập trường của Việt Nam. “Làm cho thế giới hiểu đúng mình, tin tưởng và ủng hộ mình là việc nên làm. QH Việt Nam cần có biện pháp làm cho nhân dân TQ hiểu đúng về lập trường chính nghĩa, hòa hiếu của nhân dân và QH Việt Nam” - ông Nghĩa nhận xét.
Bien Dong: Quoc hoi can len tieng
 
Đại biểu QH Lê Nam (Thanh Hóa) cũng tỏ ra rất lo lắng và bất an trước những động thái của TQ ở biển Đông gần đây. Theo ông, TQ đang muốn đóng những “cột mốc” bằng việc xây dựng các công trình đồ sộ, trường tồn trên biển Đông.
“Việc làm này là nghiêm trọng, nguy hiểm hơn cả lúc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vì rất có thể chúng ta đang mất đi những phần lãnh thổ thiêng liêng của mình. Hiện giờ, cử tri cả nước rất bức xúc và phẫn nộ trước hành vi sai trái, vi phạm chủ quyền Việt Nam của TQ. Do đó, QH cần phải thảo luận và có tiếng nói trước những hành vi này” - ông bày tỏ.
Theo TS Trần Công Trục, chúng ta có một số việc cần làm. “Trước hết là tăng cường công khai thông tin, phân tích rõ quan điểm của mình và việc làm sai trái của TQ. Phải có thái độ đấu tranh, lập trường, quan điểm rõ ràng vì ta là nước trực tiếp bị xâm hại thì phải có thái độ phản ứng rõ ràng, phát ngôn phải mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, QH phải lên tiếng trong vấn đề này để thể hiện quan điểm rõ ràng. Chúng ta không lên tiếng khi bị xâm hại thì làm sao mong được người khác lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho mình? Phải chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh về mặt pháp lý, kiên trì đàm phán, giải quyết bất đồng bằng hòa bình nhưng nếu họ càng ngày càng lấn tới thì phải sử dụng những biện pháp khác” - ông cương quyết.
Theo Đoàn Thư ký kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII, nội dung đặc biệt nhất trong tuần làm việc thứ 3, QH sẽ dành khoảng 1 giờ vào chiều 5-6 (16 giờ đến 17 giờ) để nghe báo cáo về tình hình biển Đông của Chính phủ.
Nguy hiểm hơn việc hạ đặt giàn khoan
So sánh với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào năm ngoái, TS Trần Công Trục cho rằng mức độ nguy hiểm của việc xây dựng bãi cạn, đảo đá ở Trường Sa còn lớn hơn.
“Đây mới là mục tiêu cao nhất mà TQ muốn đạt được. Việc kéo giàn khoan là nhắm vào vấn đề kinh tế với những ý nghĩa về mặt vị trí chiến lược, đắc địa, khai thác tài nguyên. Còn hiện nay, muốn khai thác kinh tế thì họ phải xây dựng các đơn vị dịch vụ hậu cần ở đó. Từ những căn cứ này, họ mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác. TQ ngày càng biến sự phi lý thành hợp lý, muốn xí phần vào những nơi không phải của mình” - ông bình luận.
Phải dựa vào dân
Từ lịch sử của đất nước, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng có 2 điều cần làm trong đối sách của Việt Nam: Trước hết, phải dựa vào nhân dân. Nếu biết trân quý lòng yêu nước của nhân dân, nuôi dưỡng sức dân, thực sự coi dân là gốc thì sẽ chiến thắng mọi thế lực ngoại bang xâm lược, dù hùng mạnh nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam phải tạo được sự ủng hộ của công luận thế giới và bạn bè trong sự nghiệp chống xâm lược.
“Liên minh để phá hoại hòa bình, chống phá các dân tộc khác là điều đại kỵ nhưng khi bị xâm lấn, bắt nạt mà không biết liên minh để tự vệ là điều tối kỵ vì đó là tự trói tay mình. Điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng đã cho các nước thành viên quyền liên minh với các nước khác để “tự vệ tập thể” khi bị tấn công vũ trang, cho đến khi Hội đồng Bảo an có biện pháp khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam sẽ cố gắng tối đa gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển Đông và trong khu vực, biết kiềm chế để tránh xung đột gây thiệt hại cho nhân dân 2 nước nhưng nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận đánh đổi chủ quyền, lợi ích quốc gia, không bao giờ cam chịu thân phận “đàn em” hay “chư hầu” của bất cứ thế lực nào để đánh đổi một nền hòa bình lệ thuộc” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Phan Anh - Thế Dũng (theo NLĐ)


Bài liên quan
Đêm nay miền Bắc lạnh, siêu bão Man-Yi đang tiến vào Biển Đông
Siêu bão Man-yi vẫn giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20 km/giờ và hướng vào vùng biển miền Trung. Biển động dữ dội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quốc hội cần ra nghị quyết về Biển Đông, đáp ứng mong mỏi của cử tri