Về quy định kỷ luật đối với cán bộ hưu, ĐB Trần Thị Hằng - Bắc Ninh cho rằng kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ hưu cũng vậy, nghe có vẻ vô lý nhưng làm rất có hiệu quả, dư luận đồng tình cao, có tác dụng răn đe, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, có tác động đến tâm lý của cán bộ, công chức.
Kỷ luật giáng chức: Giữ hay bỏ?
Thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, ĐB Tô Văn Tám -Kon Tum cho hay, theo báo cáo của Bộ Nội vụ tổng hợp của các địa phương chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.
“Dư luận đang nghi ngờ về tính chính xác của số liệu này. Cử tri còn nhớ Thủ tướng có lần nói rằng, khoảng 30% cán bộ, công chức ở tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Điều đó cho thấy công tác đánh giá cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể, các tiêu chí đánh giá còn nặng định tính nên chung chung, chưa định lượng được”, ông Tám nói.
Liên quan đến vấn đề kỷ luật đối với cán bộ, công chức, ông Tám cho biết, về hình thức kỷ luật giáng chức, Tờ trình của Chính phủ đã đưa ra 2 phương án nhưng các lý do đưa ra tính thuyết phục chưa cao, vì nếu vì lý do nể nang mà không áp dụng giáng chức thì đó là lỗi chủ quan của chủ thể có thẩm quyền.
“Nếu vì lý do là vị trí đã được xác định đủ thì trong cơ quan, đơn vị khi đã thực hiện các vị trí việc làm xong rồi thì kể cả các vị trí của chuyên viên cũng được xác định và bố trí đủ hết. Trong khi đó lại chưa thể cho thôi việc, bởi vì mới chỉ là giáng chức, chưa phải cho thôi việc. Do vậy, vẫn phải sử dụng người này vào làm việc mà vị trí kể cả chuyên viên cũng đã hết. Đề nghị nên giữ lại hình thức giáng chức là cần thiết”, ông Tám nêu.
Trong khi đó, nhiều đại biểu lại cho rằng việc quy định giáng chức là cần thiết vì thực tế, có những cán bộ sai phạm mức độ không quá nghiêm trọng, vẫn đủ trình độ để làm những công việc ở vị trí thấp hơn.
Theo ĐB Huỳnh Cao Nhất, kỷ luật giáng chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong xem xét kỷ luật đó là phải đảm bảo nghiêm minh và tính thuyết phục, tức là phải đảm bảo đúng người đúng tội, mức độ vi phạm tới đâu thì xử lý kỷ luật tới đó. Vì vậy, việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ.
ĐB Mong Văn Tình -Nghệ An đồng tình việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức. Theo đó, giáng chức là hạ xuống chức vụ, cấp bậc thấp hơn. Nếu bỏ hình thức kỷ luật giáng chức thì chỉ còn hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc. Đối với cán bộ, công chức vi phạm chưa đến mức cách chức, buộc thôi việc,nhưng nếu chỉ hạ bậc lương hay khiển trách, cảnh cáo thì quá nhẹ.
Trong khi đó, áp dụng hình thức giáng chức là phù hợp. Ví dụ, công chức giữ chức vụ trưởng phòng có vi phạm có thể giáng chức xuốngphó trưởng phòng, thay vì cách chức làm mất hết chức vụ của công chức, phủ nhận mọi nỗ lực phấn đầu của công chức đó trong suốt một quá trình dài. Trong khi đó, công chức đó chỉ vi phạm trong giai đoạn làm trưởng phòng.
“Việc áp dụng giáng chức là tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ, công chức tại vị trí việc làm đã gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để chính cán bộ, công chức đó có cơ hội sửa sai về những khuyết điểm của mình, tiếp tục phấn đấu vươn lên”, ông Tình nêu.
Xóa tư cách cán bộ về hưu sai phạm là chưaphù hợp
Về quy định kỷ luật đối với cán bộ hưu, ĐB Trần Thị Hằng - Bắc Ninh cho rằng kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ hưu cũng vậy, nghe có vẻ vô lý nhưng làm rất có hiệu quả, dư luận đồng tình cao, có tác dụng răn đe, ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, có tác động đến tâm lý của cán bộ, công chức.
“Tôi mạnh dạn đề nghị chúng ta không cần phải băn khoăn vấn đề có xử lý hay không xử lý. Tôi thấy vấn đề xóa tư cách chưa phù hợp lắm. Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này tôi đề nghị cân nhắc đến phạm vi đối tượng, quy định như dự thảo là quá rộng. Ở đây chỉ nhắm vào các đối tượng là các cấp lãnh đạo, xóa tư cách chức vụ là xóa đối với người có chức vụ rồi, còn đối với công chức thường thì không có gì để xóa”, bà Hằng nêu.
ĐB Mong Văn Tình - Nghệ An đề nghị cân nhắc luật hóa đối với hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu chỉ xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm thực chất chỉ là xóa cái danh còn thực tế là thời gian sai phạm cán bộ, công chức, viên chức đó đã từng giữ chức vụ, giữ cái danh, quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo như hệ số phụ cấp, thưởng và một số chế độ khác đã được hưởng có truy thu không?
Ngoài ra, theo ông Tình, việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm còn ảnh hưởng đến những quyết định, văn bản do cán bộ, công chức đó đã ký kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu luật hóa quy định này đồng nghĩa những giá trị pháp lý các văn bản quyết định do cán bộ, công chức, viên chức đó ký khi còn đương chức không còn hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để không thể sử dụng khái niệm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của Bộ luật Hình sự và không thể sử dụng khái niệm này trong Quy định 102 của Đảng về vấn đề xử lý cán bộ mà đây là xử lý hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, qua báo cáo về xử lý cán bộ hàng năm đến nay, Bộ Nội vụ chưa nhận được một hình thức nào xử lý giáng chức, chỉ có giáng cấp đối với lực lượng vũ trang. Do đó về vấn đề này qua khảo sát và theo đề nghị các đại biểu sẽ nghiên cứu thêm để đóng góp để bảo đảm tính khả thi cao về hình thức giáng chức.
Cũng theo ông Tân, về việc xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm trong thời gian còn đương chức khi đã nghỉ hưu, dự thảo lần này đưa ra một điều khoản riêng áp dụng cho các đối tượng khác, không ghi đó là viên chức. Tuy nhiên,qua ý kiến của đại biểu, cũng có ý kiến đồng tình với việc những sai phạm trong thời gian còn công tác thì chúng ta phải xử lý, cũng có đại biểu cho rằng phạm vi như vậy thì quá rộng, chỉ nên xử lý những người có chức vụ, quyền hạn thôi.
Luật quy định đối với cả viên chức nếu có vi phạm trong thời gian còn công tác khi nghỉ hưu vẫn xem xét, xử lý bình đẳng như nhau. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính pháp lý của các hình thức xử lý kỷ luật sau khi đã thôi làm nhiệm vụ, nghỉ hưu.
Lam Thanh