Ông Đoàn Tiến Cường, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Ialy bị nhân viên “tố” ký giấy xác nhận thanh lý nội bộ lô hàng sắt, máy biến áp 220W... với giá 1,2 tỉ đồng cho cấp dưới, biến hàng tỉ đồng máy móc thiết bị của nhà nước thành hàng phế liệu. Sự việc bại lộ, cơ quan công an vào cuộc, vị phó giám đốc lại “chối” không ký giấy và nhận tiền.

Rắc rối vụ “biến” thiết bị bạc tỉ của nhà nước thành phế liệu

Một Thế Giới | 12/10/2015, 16:08

Ông Đoàn Tiến Cường, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Ialy bị nhân viên “tố” ký giấy xác nhận thanh lý nội bộ lô hàng sắt, máy biến áp 220W... với giá 1,2 tỉ đồng cho cấp dưới, biến hàng tỉ đồng máy móc thiết bị của nhà nước thành hàng phế liệu. Sự việc bại lộ, cơ quan công an vào cuộc, vị phó giám đốc lại “chối” không ký giấy và nhận tiền.

Theo đơn tố cáo của ông Trịnh Xuân Sơn, nhân viên Phòng Thanh tra - Bảo vệ - Pháp chế: tháng 10.2014, tại nhà máy thủy điện Sê San 3 thuộc Công ty Thủy điện Ialy, ông Đoàn Tiến Cường, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Ialy “bật mí” cho ông Sơn biết công ty sắp thanh lý lô hàng sắt và máy biến áp phế thải trị giá 1,2 tỉ đồng. Nghĩ là mua rồi bán lại sẽ có lời nên ông Sơn đồng ý mua.

Sau khi thương lượng, ông Sơn đưa trước ông Cường 400 triệu đồng. Sau đó ông đưa tiếp cho ông Cường 800 triệu đồng còn lại tại phòng làm việc của ông Cường. Nhận tiền xong, ông Cường ký một giấy xác nhận với nội dung: “Ông Trịnh Xuân Sơn được Công ty thanh lý nội bộ lô hàng sắt, máy biến áp 220...”.

Sau khi có giấy xác nhận là chủ sở hữu lô hàng trên, ông Sơn dẫn ông T. (ngụ TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) vào công ty để xem lô hàng sắt, máy biến áp 220W... Tháng 11.2014, ông T. đồng ý mua lô hàng trên với giá 2 tỉ đồng và đặt cọc cho ông Sơn 800 triệu đồng. Đến ngày giao lô hàng cho ông T. thì lãnh đạo Công ty Thủy điện Ialy ngăn cản.

Nghi ngờ ông Cường “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của mình, ông Sơn gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng, đồng thời trả lại 800 triệu đồng cho ông T. để ông này không khiếu kiện.

Rac roi vu “bien” thiet bi bac ti cua nha nuoc thanh phe lieu-hinh-anh-1
Đơn của ông Trịnh Xuân Sơn tố cáo ông Đoàn Tiến Cường 

Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Sơn, đại diện Công ty Thủy điện Ialy cũng gửi đơn đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Gia Lai yêu cầu đơn vị này làm rõ việc ông Sơn sử dụng giấy tờ liên quan đến chữ ký, con dấu của công ty để thực hiện “hành vi lừa đảo”, “vu khống” ông Cường.

Trình bày với phóng viên, ông Sơn khẳng định mình có đầy đủ chứng cứ để chứng minh ông Cường lừa đảo chiếm đoạt tiền tỉ của mình, và đang ủy quyền cho luật sư củng cố hồ sơ để đưa vụ việc ra tòa giải quyết. Ông Sơn cũng cho rằng cơ quan công an (PC46) qua điều tra xác minh và đưa ra kết luận chưa đúng với bản chất vụ việc. “Tôi cho rằng công an kinh tế không làm rõ việc ông Cường lừa lấy của tôi 1,2 tỉ đồng. Tôi đã gửi đơn kiến nghị đến Công an tỉnh Gia Lai, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai, Tập đoàn Điện lực Việt Nam… để làm rõ vụ việc, nhưng hơn 3 tháng qua các đơn vị trên “nín lặng”, không phản hồi cho tôi biết đã tiếp nhận đơn và đưa ra hướng xử lý ông Cường”, ông Sơn bức xúc.   

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Đoàn Tiến Cường phủ nhận việc ký giấy thanh lý hàng và nhận 1,2 tỉ đồng của ông Sơn. “Ban đầu tôi rất ngỡ ngàng khi ông Sơn đưa giấy xác nhận về lô hàng trên, bởi tôi không nhớ có ký hay không, không nhớ ký vào thời gian nào" - ông Cường nói và cho biết thêm "nét chữ trong giấy xác nhận về việc thanh lý lô hàng trên không phải là chữ của tôi".
Rac roi vu “bien” thiet bi bac ti cua nha nuoc thanh phe lieu-hinh-anh-2
 
Ông Cường khẳng định mình không lừa nhân viên để chiếm tiền tỉ
Trước đó, qua xác minh vụ việc, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) tỉnh Gia Lai kết luận: “Ông Đoàn Tiến Cường là người ký giấy xác nhận nói trên nhưng do thiếu kiểm tra trong quá trình ký ban hành văn bản nên xảy ra việc ông Sơn sử dụng giấy xác nhận để có hành vi ký hợp đồng mua bán trái phép tài sản của Công ty Thủy điện Ialy với ông T. Ông Sơn đã khắc phục trả lại toàn bộ số tiền trên cho ông T. nên việc mua bán nói trên chưa gây ra hậu quả. Do đó, cơ quan CSĐT không có đủ cơ sở xác định ông Cường thông đồng cùng với ông Sơn để thực hiện  việc mua bán nói trên. Cơ quan điều tra đề nghị Công ty Thủy điện Ialy thu hồi lại giấy xác nhận và tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc ký ban hành các văn bản cũng như việc quản lý con dấu của công ty”.

Ông Sơn cho rằng chính chữ ký “oan nghiệt” của ông Cường trên tờ giấy xác nhận kia đã gây thiệt hại kinh tế đối với cá nhân ông. Nếu vụ việc thành công trót lọt nó đã biến hàng tỉ đồng máy móc thiết bị của nhà nước thành hàng phế liệu.

Trả lời vấn đề này, ông Tạ Văn Luận – Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy cho biết: Nếu ông Cường nhận tiền thì phải trả lại tiền cho người ta, còn nếu xác minh ông Cường không liên quan đến vụ việc thì phải trả lại danh dự cho ông Cường. Tôi không muốn ai bị thiệt thòi trong việc này”.

Cũng theo ông Luận, Công ty Thủy điện Ialy yêu cầu ông Cường viết giải trình, và đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc ký ban hành văn bản cũng như việc quản lý con dấu của công ty.

Vinh Nguyễn

>> Trung ương biểu quyết lần 1 danh sách nhân sự khóa 12
>> Ghi nhớ tuyệt mật của Nixon: Ném bom Việt Nam năm 1972 là “vô tích sự“
>> Khi Kiatisak hiểu các cầu thủ Việt Nam rất thích... nhậu!
>> Thông tin nóng về thiệt hại vụ cháy tại khu đô thị Xa La
>> Cô giáo xăm chân bị học sinh mách lên Ban giám hiệu: tôi mê truyện chưởng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rắc rối vụ “biến” thiết bị bạc tỉ của nhà nước thành phế liệu