Thời gian gần đây, khi rau củ trong nước bước vào giai đoạn ít hàng thì các mặt hàng có xuất xứ Trung Quốc lại tràn vào. Những mặt hàng có khả năng vận chuyển xa, ít hư hỏng như hành tây, khoai tây, cà rốt… được bày bán nhiều tại các chợ ở TP.HCM.
Theo ghi nhận của báo điện tử Một Thế Giới, tại một số chợ trên địa bàn TP.HCM, những ngày qua, giá nhiều loại rau củ trong nước tăng mạnh. Các mặt hàng nông sản này cũng bước vào giai đoạn ít hàng, thế nên đây là cơ hội để các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc bắt đầu tràn vào.
Những mặt hàng có khả năng vận chuyển xa, ít hư hỏng như hành tây, khoai tây, cà rốt, bông cải… được bày bán khá tràn lan. Giá các nông sản nàykhá cao, ngang ngửa với hàng trong nước.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, khoai tây Trung Quốc được bán với giá 23.000 đồng/kg. Hành tây Trung Quốc giá 19.000 đồng/kg; cà rốt là 20.000 đồng/kg.
Lý giải cho việc nhập hàng Trung Quốc giá cao về bán, chị Giang, tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết hành, tỏi, khoai tây, cà rốt… của Trung Quốc thường có giá cả ổn định, ít biến động theo thị trường. Chưa kể, các mặt hàng này đều có mẫu mã đẹp, hút người mua. Còn hàng Việt Nam thì lên xuống thất thường, mẫu mã không đẹp, không đồng đều nên kén khách.
“Rau củ Đà Lạt thì cũng chỉ được một mùa. Mùa khô, thời tiết tốt thì giá rẻ. Còn bây giờ vào mùa mưa, khó trồng thì giá lại cao quá nên ít người mua. Khoai tây, cà rốt thì hình dáng thất thường, khi tôi nhập về thì phải nhập ngang cả to lẫn nhỏ. Đến khi bán thì củ to người ta chọn mua hết, củ nhỏ thì cứ lăn la lăn lóc không bán được. Thành ra tôi phải bù tiền vào số củ nhỏ không bán được đó. Vì vậy, tôi nhập khoai Trung Quốc cho nó chắc, củ nào cũng đều nên không sợ khách kén”, chị Giang nói.
Đồng quan điểm với chị Giang, anh Quang - tiểu thương tại chợ Thị Nghè cho rằng mẫu mã hàng trong nước không đẹp nên buộc lòng họ phải nhập rau củ Trung Quốc về để bán cho dễ.“Tỏi, hành Trung Quốc to, dáng đẹp, còn bông cải nước mình nhỏ xíu. Hàng Trung Quốc củ đều nhau, lại được sấy khô sẵn nên để bán được lâu. Hàng Việt mình thì củ nhỏ mà tươi, nhanh hư hỏng nên dù có giá ngang nhau thì tôi vẫn nhập hàng Trung Quốc về bán”, anh Quang nói thêm.
Theo anh Quang, mặc dù bán cả 2 loại nông sản cùng lúc nhưng hàng Trung Quốc có ưu điểm mẫu mã đẹp, dễ bảo quản, giá cả ổn định nên vẫn được các nhà hàng, quán ăn mua với số lượng lớn. Còn hàng Việt chủ yếu chỉ được các gia đình mua nhỏ, lẻ với số lượng ít.
Đáng chú ý, mặc dù người tiêu dùng Việt Nam thời gian gần đây có tâm lý e ngại đối với hàng Trung Quốc, thế nhưng tại các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát gần các khu công nghiệp, nông thôn… người tiêu dùng vẫn tiêu thụ rau củ quả Trung Quốc bởi hình dáng bên ngoàiđẹp và bản thân người mua không thể phân biệt được.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi 351 triệu USD để nhập khẩu rau quả các loại (cùng kỳ năm 2015 là 519 triệu USD). Trong đó, có đến 80,7 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả từ Trung Quốc, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2015.
Với mặt hàng rau củ, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các loại hành, tỏi, khoai tây, bắp cải… Còn mặt hàng trái cây, Việt Nam thường nhập theo mùa.
Phan Diệu