Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015.

VCCI, VINASA đồng loạt kiến nghị bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự

Trí Lâm | 10/08/2016, 14:28

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bỏ Điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015.

Bất hợp lý!

VCCI phân tích, Điều 292 tác động rất lớn đến việc kinh doanh các dịch vụ trên mạng tại Việt Nam hiện nay, bởi điều luật này đã hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, ví dụ như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép. Thực tế, điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các startup.

Cụ thể, với các startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phương pháp kinh doanh thường là làm ra sản phẩm thử nghiệm và nghiên cứu phản hồi của người dùng. Sau khi có được phản hồi tích cực, nhà sáng lập mới bắt đầu tính đến việc đầu tư sâu hơn nhằm thương mại hóa.

"Việc yêu cầu sản phẩm phải đăng ký/cấp phép chính là việc làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, từ đó cản trở đáng kể ngành này. Nếu chi phí gia nhập thị trường tăng cao thì số lượng các sản phẩm được làm ra sẽ giảm mạnh. Không ai bỏ tiền đi đăng ký, xin phép cho một sản phẩm mà có thể sẽ phải vứt bỏ hoàn toàn trong vài tuần tới", VCCI nêu rõ.

Cùng với kiến nghị bãi bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015, VCCI cũng đã chính thức có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung thêm hai tội danh mới. Đó là các hành vi vi phạm quy định về sở giao dịch hàng hóa (trừ chứng khoán) và hành vi kinh doanh đa cấp bất chính. Tội danh này sẽ bao gồm cả hành vi kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng.

Không chỉ VCCI kiến nghị, Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam - VINASA cũng vừa gửi kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đề nghịbãi bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015.

Vinasa cũng nêu rõ 9 điểm vi phạm, mâu thuẫn và bất hợp lý của Điều 292 gồm: hình sự hóa hoạt động kinh doanh trái phép, đồng thời với hình sự hóa hoạt động kinh doanh trên mạng; vi phạm quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp 2013 qui định; trái với đường lối, chủ trương phát triển kinh tế được thể hiện trong Hiến pháp 2013, điều 51, khoản 3; đi ngược lại với quan điểm chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT.

Vinasa cho rằng Điều 292 ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của không chỉ ngành CNTT mà còn của tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước; không phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển trong thời đại số.

Theo đó, việc hình sự hoá hoạt động kinh doanh trên mạng đã đi ngược lại với chủ trương không hình sự hoá quan hệ kinh tế của Chính phủ trong Nghị quyết số 35 mới ban hành. Việc này cũng vi phạm quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013.

Hàng loạt hệ lụy

Vinasa cho rằng Điều 292 sẽ đưa đến hàng loạt hệ lụy khác như: ảnh hưởng xấu đến hình ảnh môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ CNTT; làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế so với các quốc gia khác trong khu vực; có nguy cơ gây bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập trong cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP.

Cùng với đó là gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ CNTT nói riêng và nhiều ngành nghề, lĩnh vực hiện đang thuộc diện kinh doanh có điều kiện nói chung.

Theo Vinasa, hậu quả tiếp theo là tăng nguy cơ dẫn đến chảy máu chất xám, thất thu thuế khi các doanh nghiệp công nghệ đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam bỏ ra nước ngoài thành lập doanh nghiệp. Mặt khác lại tăng thêm lý do và động cơ để các doanh nghiệp nước ngoài duy trì và phát triển mô hình cung cấp dịch vụ qua mạng internet xuyên biên giới vào Việt Nam mà không đăng ký hoạt động chính thức tại Việt Nam để tránh thuế và tránh phải xin phép, tránh trách nhiệm hình sự.

Quy định tại Điều 292 của BLHS, theo nhận định của VINASA, cũng đối xử bất công đối với doanh nhân, doanh nghiệp, những người làm ăn chân chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội, làm giàu cho đất nước nhưng lại dễ dàng bị quy kết thành tội phạm chỉ vì những lỗi vi phạm về thủ tục hành chính, làm thui chột tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp; và đặc biệt là điều luật này sẽ tạo tiền đề cho cơ chế xin cho nặng nề trong việc cấp giấy phép và đẻ ra các loại giấy phép con trong các ngành kinh tế và các tiêu cực khác như khả năng lạm dụng qui định của luật để sách nhiễu doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ – Văn phòng luật Lê Nguyễn cho biết, Điều 292 Bộ luật Hình sự cần sớm được sửa đổi cho phù hợp hơn hoặc thậm chí có thể bãi bỏ theo đa số các kiến nghị hiện nay, trong đó có cộng đồng startup.

Lý giải điều này, ông Vũ cho hay, với Điều 292 này, hình bóng, tàn dư của tội kinh doanh trái phép vẫn còn hiện diện. Điều 292 chính là “hình thái mới” của tội kinh doanh trái phép với phạm vi điều chỉnh hẹp hơn, chỉ tập trung vào một số dịch vụ trên môi trường mạng máy tính, mạng viễn thông chứ không còn quy định kinh doanh trái phép chung chung như trước đây.

Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng điều luật này vô tình làm cho giấy phép trở nên cực kỳ quan trọng, Giấy phép không còn là một điều kiện kinh doanh đơn thuần hay vi phạm hành chính mà nó trở thành yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Trong thời gian luật có hiệu lực và chưa được chỉnh sửa cho phù hợp thì các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn để hiểu và áp dụng thống nhất Điều luật, tránh những tranh cãi và xử lý “oan, sai” đối với người cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng máy tính, mạng viễn thông” – anh Vũ nói.

Luật sư Vũ cũng cho biết, hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng cần phải phù hợp với tình hình thực tế, theo nguyên tắc có lợi cho đối tượng bị điều chỉnh, không “giá cố” hoặc “dựng thêm” rào cản pháp lý cho hoạt động kinh doanh nói chung và Startup nói riêng.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI, VINASA đồng loạt kiến nghị bỏ Điều 292 Bộ luật Hình sự