Kiểm toán Nhà nước đã xác định giá vốn nhà nước tăng thêm hơn 4.600 tỉ đồng tại 6 doanh nghiệp nhà nước là do sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định...
Vừa trở về sau chuyến đi khảo sát tại 9/12 dự án thua lỗ như Xơ sợi Đình Vũ, đạm DAP2 Hải Phòng, đạm Ninh Bình, Xăng dầu Dung Quất,... để có căn cứ xác thực nhằm xử lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 17.1 tiếp tục có buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN)để chuẩn bị cho cuộc họp lần hai của Chính phủ về công tác đổi mới, sắp xếp DNNN giai đoạn 2016-2020, diễn ra vào thứ Sáu (20.1) tới.
Thu về cho Nhà nước 4.625 tỉ đồng
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, chỉ ra rằng, có hai vấn đề khiến tiến trình cổ phần hoá (CPH) diễn ra chậm, đó là xác định giá trị tài sản DN và việc bán phần vốn Nhà nước.
Trong đó, việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề quan trọng là xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa: nên trả một lần hay từng năm, điều này cũng cần phải được bàn thảo để có phương hướng giải quyết.
Điều quan trọng, theo Phó Thủ tướng, là xem xét việc sắp xếp đất đai trước CPH, cam kết của chủ đầu tư về việc thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất. Có cho phép khi CPH, chủ đầu tư được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không - đây cũng là điều mà nhiều bên quan tâm.
Trên thực tế, kết quả kiểm toán định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị DN của 7 đơn vị trước CPH của KTNN (hiện đã kết thúc với 5 đơn vị, đang kiểm toán 2 đơn vị), chứng tỏ có sự thiếu chính xác, làm giảm giá trị của tài sản, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.
Đặc biệt, KTNN nêu rõ, những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, qua kiểm toán đã tăng thêm giá trị vốn nhà nước trên 4.625 tỉ đồng.
Cụ thể, Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su 440 tỉ đồng, Công ty mẹ Tổng công ty Lương thực Miền Nam 393 tỉ đồng, Công ty mẹ Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp 1.333 tỉ đồng, Công ty mẹ Tổng công ty Điện lực Dầu khí 2.050 tỉ đồng, Công ty TH Cáp Saigontourist SCTV 140 tỉ đồng, Công ty Truyền hình Cáp VN VTV Cab 267,7 tỉ đồng.
Nếu tổng hợp số liệu 2 DN điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị vốn nhà nước tại 6 DN trên còn lên đến gần 13.700 tỉ đồng.
Do vậy, KTNN đã kiến nghị sửa đổi một loạt bất cập về cách tính giá trị của đất khi CPH nhằm tránh thất thoát khi thoái vốn nhà nước, như tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước, xác định giá khởi điểm với phần vốn nhà nước trước khi niêm yết (Nghị định 91); chấm dứt cơ chế bán vốn 30:70 (Điều 14 Nghị định 151)...
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, khi xác định giá trị tài sản của các DN, nên cử người của KTNN cùng tham gia.
Hơn nữa, việc kiểm toán từ khâu lập dự án tốt hơn là kiểm tra khâu quyết toán, nhất là với các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia. Do vậy, vai trò của KTNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, không chỉ là hậu kiểm mà cả tiền kiểm. Cơ quan này cần sớm tham gia ngay từ khâu lập dự án đầu tư.
Chỉ giữ lại DN "ra tấm ra món"
Về việc bán vốn nhà nước, Phó Thủ tưởng khẳng định, nếu cần thiết sẽ bán hết các DN mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn, trường hợp nào vốn nhà nước 36% sẽ xin ý kiến Thủ tướng. Đối với các cảng biển, vừa rồi có nhiều ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng cho rằng chỉ cần giữ lại những cảng biển trọng yếu, “yết hầu” với 65% vốn nhà nước, còn cảng biển nội địa nhà nước cũng chỉ nắm giữ 51% vốn.
Tính đến nay, Phó Thủ tướng cho biết mới tiến hành bán được 8% vốn nhà nước, còn 92%, tất nhiên không phải cái gì cũng bán hết, nhưng chủ trương của Chính phủ là chỉ giữ lại doanh nghiệp thực sự hiệu quả, “ra tấm ra món” để xây dựng thành những DN, tập đoàn mạnh, dẫn dắt nền kinh tế.
Ngoài việc kiểm toán, đưa ra kiến nghị xử lý tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, KTNN cần chỉ rõ những yếu kém, đôn đốc các đơn vị thực hiện kết luận.
Cụ thể, với 12 dự án thua lỗ, KTNN đã từng chỉ ra nhiều hạn chế yếu kém nhưng chưa truy đến cùng đối tượng là các cá nhân, tổ chức, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc thừa nhận, đúng là việc đôn đốc thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán hiện phụ thuộc vào ý kiến của quan của đơn vị được kiểm toán. Cơ quan này kiến nghị cần có một Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán để hỗ trợ thực hiện.
Hơn nữa, việc truy cập vào phần mềm, dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán hiện còn khó khăn, có đến 99% là không phối hợp với KTNN.
Số liệu từ KTNN cho hay, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa được 499 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch (499/518 doanh nghiệp). Số vốn nhà nước tại các DN theo giá trị sổ sách dã được thoái là 26.222 tỉ đồng, thu về 36.537 tỉ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách.
Ngọc Hà/VienamNet