Bản tin 6h ngày 3.3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 3 ca mắc mới COVID-19 đều là người nhập cảnh đã được cách ly ngay tại Bình Dương và Kiên Giang

Sáng 3.3: Việt Nam thêm 3 ca mắc COVID-19, số người nhiễm bệnh trên thế giới tăng trở lại

SK&ĐS-TTXVN | 03/03/2021, 05:59

Bản tin 6h ngày 3.3 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 3 ca mắc mới COVID-19 đều là người nhập cảnh đã được cách ly ngay tại Bình Dương và Kiên Giang

Theo đó, BN2473 tại Bình Dương: là chuyên gia, quốc tịch Trung Quốc, từ Trung Quốc nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28.2 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 1.3 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Hai ca tại Kiên Giang (BN2474-2475): là công dân Việt Nam, từ nước ngoài nhập cảnh vào Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày 27.2 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 1.3 dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế TP. Hà Tiên.

Đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1561 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay: 868 ca.

Trong đó, riêng Hải Dương có 684 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. HCM (36 ca), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố đã qua 18 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM).

Hà Nội: 15 ngày không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng.

Hải Phòng: 08 ngày không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng.

      Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 59.081 người, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 540

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.424

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 45.117 người

Ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tỉnh Hải Dương trước tiên

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Ở những địa phương có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dài ngày như tỉnh Hải Dương sẽ được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, về kế hoạch tiêm vaccine, các cơ quan sẽ thực hiện ngay cho đối tượng ưu tiên và đối tượng miễn phí theo Nghị quyết của Chính phủ. Ngoài ra, ngành y tế thực hiện tiêm phòng tại các khu vực ưu tiên đang có dịch. Trong tỉnh, thành phố có dịch thì ưu tiên tiêm cho người ở trong vùng dịch.

“Đối chiếu theo quy định này, tới đây tỉnh Hải Dương sẽ được xét cấp vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng trước”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, ngày 24.2, lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của công ty AstraZeneca (Anh) đã về tới Việt Nam. Hiện tại Bộ Y tế giao Viện kiểm định vaccine của Bộ Y tế kiểm định lô vaccine này. Việc kiểm định cơ bản đã hoàn tất. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng trước khi tiến hành tiêm cho người dân, phía Việt Nam còn phải chờ cơ quan kiểm định khác của ngành y tế phía Hàn Quốc cũng cấp những kết quả cần thiết.

“Chúng tôi đang hối thúc phía Hàn Quốc để sớm có kết quả này. Khi có kết quả kiểm định thì sẽ tiêm ngay với các đối tượng được quy định”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định khi có đủ vaccine ngừa COVID-19, việc tiêm phòng sẽ mở rộng đến nhiều đối tượng hơn diện được ưu tiên tiêm trước.

Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đang tăng trở lại

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới trên toàn cầu đã tăng lần đầu tiên sau 7 tuần giảm liên tiếp. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng sự gia tăng các ca bệnh là "đáng thất vọng nhưng không ngạc nhiên”. Xu hướng gia tăng  diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ châu Phi và khu vực Tây Thái Bình Dương.

Người đứng đầu WHO một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này “là do nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, các biến thể tiếp tục lưu hành và  người dân thì mất cảnh giác”.

Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 - Maria Van Kerkhove  mô tả sự gia tăng này là “một lời cảnh báo nghiêm khắc cho tất cả chúng ta” và “Loại virus này sẽ bùng phát trở lại nếu chúng ta bỏ mặc nó - và chúng tôi không cho phép điều đó xảy ra ”.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, cho đến nay, có hơn 114 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có khoảng 2,5 triệu người đã tử vong, có  64,5 triệu người đã hồi phục.

Ông  Tedros cho rằng, còn quá sớm để các chính phủ trông chờ vào các chương trình tiêm chủng và từ bỏ các biện pháp khác để phòng chống căn bệnh này. “Nếu các quốc gia chỉ dựa vào vắc xin, thì họ đang mắc sai lầm. Các biện pháp y tế công cộng cơ bản vẫn là nền tảng của việc ứng phó với đại dịch ” ông Tedros nói.

Tuy nhiên, ông cho biết hiện việc tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế ở các nước nghèo đã được khuyến khích, bao gồm ở các nước Tây Phi như Ghana và Bờ Biển Ngà. Người đứng đầu WHO cũng chỉ trích các nước giàu tích trữ  vắc-xin, tác động tới những người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ trên toàn thế giới. Đến cuối tháng 5, 237 triệu liều vắc xin COVID-19 dự kiến sẽ sẵn sàng để phân phối ở 142 quốc gia nghèo hơn.

Chuyên gia phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan, cho biết cuộc chiến toàn cầu chống lại virus SARS-CoV-2 hiện đang ở trạng thái tốt hơn so với 10 tuần trước khi việc triển khai vắc-xin bắt đầu. Nhưng còn quá sớm để nói rằng dịch bệnh  đang trong tầm kiểm soát.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 8.200 ca tử vong mới và trên 335.282 ca nhiễm. Các nhà khoa học cảnh báo, biến thể SARS-CoV-2 xuất hiện ở Brazil có thể gây mất miễn dịch và tái nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 3.3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 115.257.659 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.558.309 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 90.980.335 người, 21.711.954 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 90.708 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (57.318 ca), Mỹ (44.329 ca) và Pháp (22.857 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.525 ca), tiếp theo là Mỹ (1.490 ca) và Mexico (437 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 29.358.983 triệu người, trong đó có 528.718 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 11.139.313 ca nhiễm, bao gồm 157.385 ca tử vong. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil là 257.361 trong tổng số 10.646.926 ca nhiễm.

Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 193 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 191 người và Slovenia 185 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 37,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 856.000 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 680.300 ca tử vong trong hơn 21,4 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 536.600 ca tử vong trong hơn 29,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 256.900 ca tử vong trong hơn 16,1 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 104.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 104.000 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 951 người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 3.3: Việt Nam thêm 3 ca mắc COVID-19, số người nhiễm bệnh trên thế giới tăng trở lại