Bản tin dịch COVID-19 sáng 7.8 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.794 ca mắc COVID-19 tại TP.HCM và 16 tỉnh thành khác. Đến sáng nay đã có trên 8,5 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm chủng ở nước ta.

Sáng 7.8: Thêm 3.794 ca COVID-19, xem xét đưa thêm Remdesivir và một số thuốc vào điều trị COVID-19

PV (tổng hợp) | 07/08/2021, 05:49

Bản tin dịch COVID-19 sáng 7.8 của Bộ Y tế cho biết có thêm 3.794 ca mắc COVID-19 tại TP.HCM và 16 tỉnh thành khác. Đến sáng nay đã có trên 8,5 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm chủng ở nước ta.

Thông tin các ca mắc COVID-19 mới

Tính từ 18h30 ngày 6.8 đến 6h ngày 7.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tại TP.HCM (1.836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466), Tiền Giang (165), Long An (160); Bà Rịa - Vũng Tàu (100), Vĩnh Long (62), Phú Yên (31), Sơn La (20), Kiên Giang (17), Bình Định (17), Lâm Đồng (12), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (7), Hải Dương (3), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (2) trong đó có 933 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

- Tính đến sáng ngày 7.8, Việt Nam có 197.175 ca nhiễm trong đó có 2.338 ca nhập cảnh và 194.837 ca mắc trong nước.

- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 193.267 ca, trong đó có 59.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.

- Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 62.332 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 518 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Trong ngày 6.8, có thêm 451.256 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, đến hết ngày 6.8, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 8.528.267 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.664.944 liều, tiêm mũi 2 là 863.323 liều.

Liên quan đến vắc xin, Bộ Y tế vừa ban hành Công điện số 1155/CĐ-BYT ngày 6.8.2021 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; đến ngày 10.8.2021, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ; điều phối vaccine cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo.

Bộ Y tế cũng ban hành Công văn số 6363/BYT-DP ngày 6.8.2021 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan về việc khẩn trương tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 theo quyết định phân bổ vaccine từ đợt 8-13 của Bộ Y tế trước ngày 8.8.2021. Nếu sau ngày 8.8.2021, đơn vị không đến nhận vaccine thì Bộ Y tế sẽ điều chuyển vaccine cho đơn vị khác và xem xét việc phân bổ trong các đợt tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đề xuất của 4 hiệp hội: Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Dệt may Việt Nam (VITAS), Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) và Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - Theo VGP

Xem xét đưa thêm Remdesivir và các loại thuốc vào điều trị COVID-19

Chiều 6.8, tại Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến với các thành viên trên khắp cả nước về cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19.  

Theo SK&ĐS, tại cuộc họp các thành viên đã thảo luận về các thuốc điều trị hiện nay như thuốc điều trị rối loạn đông máu thêm loại đường uống; thuốc kháng virus; thuốc kháng thể đơn dòng, thuốc diệt ký sinh trùng; liệu pháp nằm sấp…. Trong đó có thuốc Remdesivir, là thuốc đã được cấp phép khẩn cấp tại Ấn Độ cho chỉ định điều trị COVID-19, cho bệnh nhân COVID nặng, thở máy/ECMO…

Trên cơ sở hướng dẫn chung của Bộ Y tế, các địa phương cũng phải phát huy tính chủ động, biện pháp nào điều trị tốt cho bệnh nhân COVID-19 cần phát huy nhằm giảm tử vong, giảm bệnh nhân chuyển nặng.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, thông qua nguồn tặng, viện trợ, thời gian qua Việt Nam cũng đã sử dụng Remdesivir để điều trị cho một số bệnh nhân COVID-19 tại một số cơ sở y tế.

Kết quả bước đầu cho thấy thuốc Redemsivir giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh. Tuy nhiên, các chuyên gia điều trị lưu ý, người dân tuyệt đối không săn lùng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc này. Việc chỉ định, liều lượng sử dụng thuốc Remdesivir phải do các bác sĩ tại các cơ sở điều trị ra y lệnh.

Phát huy mô hình Tổ y tế cộng đồng

Theo HCDC, chiều 6.8.2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và làm việc tại Trạm Y tế Phường Tân Kiểng Quận 7 (Quận 7, TP.HCM). Tại đây, ông đã động viên tinh thần của các nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện đang làm việc tại đây. Đồng thời ông cũng thăm hỏi về tình hình trang thiết bị và chống dịch tại trạm, đặc biệt là mô hình y tế cộng đồng đang được Trạm Tân Kiểng, Quận 7 áp dụng.

Hiện trên địa bàn Quận 7 có 10 phường có nhiều F0 đã tham gia mô hình y tế cộng đồng với hơn 100 cán bộ. Tổ y tế cộng đồng thành lập đã nhanh chóng góp phần hỗ trợ địa phương tư vấn, khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Tổ cũng kiêm nhiệm nhiệm vụ hướng dẫn các F0 không triệu chứng và F1 cách ly tại nhà.

Như vậy hiện tại, mỗi phường tham gia thành lập mô hình tổ y tế cộng đồng cử 5-7 cán bộ y tế, dược sĩ, chữ thập đỏ, phối hợp với 5 sinh viên y khoa tình nguyện đến từ trường Đại học Y Thái Bình, Đại học y tế Công cộng để lập thành một tổ y tế phụ trách cho mỗi phường. Thành viên tổ được tham gia lớp tập huấn 5 buổi về các kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, nhóm thầy thuốc trẻ cũng đồng hành gọi điện cho F0 để thăm khám từ xa.

Từ khi thành lập đến nay, Tổ y tế cộng đồng của Quận 7 đã tiếp nhận tổng cộng 5.232 cuộc gọi và sàng lọc 1.207 bệnh nhân, theo dõi và chăm sóc tại nhà 1.193, đồng thời ghép cặp và xử trí phối hợp với Y tế địa phương 14 trường hợp nhập viện. Ngoài ra, các Tổ Y tế cộng đồng của Quận 7 cũng đang quản lý 2.579 F0 và 1.841 F1 cách ly tại nhà. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
38 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 7.8: Thêm 3.794 ca COVID-19, xem xét đưa thêm Remdesivir và một số thuốc vào điều trị COVID-19