Các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford đã kết luận rằng sao Hỏa không thích hợp là nơi để con người định cư, trong một nghiên cứu mới của họ.
Cụ thể, các nhà khoa học tại Oxford cho hay bề mặt sao Hỏa có tính hút nước rất cao và chất lỏng hỗ trợ cho sự sống này sẽ nhanh chóng bị hấp thụ vào sâu trong vỏ của hành tinh đỏ.
Nghiên cứu mới do Khoa Khoa học Trái đất của Đại học Oxford giúp chúng ta hiểu sâu hơn về những thay đổi tinh vi để một hành tinh có thể trở thành nơi hỗ trợ sự sống hay không.
Theo đó, khoảng 3 tỉ năm trước hành tinh đỏ vẫn được bao phủ bởi nước nhưng hiện tại lại là một hành tinh khô cằn. Nhưng tin vui là, theo nghiên cứu mới của Đại học Oxford thì nước trên sao Hỏa vẫn nằm trong hành tinh này và không mất đi đâu hết.
Tuy nhiên, lớp nước đang nằm ở tầng đất rất sâu bên trong vỏ của sao Hỏa, chính điều này khiến hành tinh đỏ trở thành một nơi không thích hợp để con người định cư.
Cụ thể, vì một sự thay đổi nhỏ trong cấu tạo hóa học của sao Hỏa mà những tảng đá trên hành tinh này chỉ có thể giữ được 25% lượng nước so với những "đồng nghiệp" của chúng trên Trái đất. Chính vì điều này làm cho nước trên sao Hỏa thay vì được giữ trên bề mặt của hành tinh thì lại chui sâu vào trong vỏ của mình.
Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford, nghiên cứu mới của họ cho thấy rằng những thay đổi nhỏ về thành phần hóa học cấu tạo nên các hành tinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì cuộc sống.
"Những ảnh hưởng này rất có ý nghĩa với chúng ta, đặc biệt là ở những hành tinh chưa được khám phá", tiến sĩ Jon Wade, người đứng đầu nghiên cứu nói trên tạp chí Nature.
Thiên Hà