Bây giờ, có cảm giác như những người ngồi sau vô lăng ôtô là miếng “mồi ngon”, cần phải tìm mọi cách “khai thác”.

Sao ôtô cứ luôn bị ‘săm soi’?

11/07/2017, 21:09

Bây giờ, có cảm giác như những người ngồi sau vô lăng ôtô là miếng “mồi ngon”, cần phải tìm mọi cách “khai thác”.

Các hãng xe sẽ lo lắng vì khó được ngân hàng hỗ trợ bán hàng

Mấy năm trước, thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GT-VT, từng đưa ra đề xuất thu phí giao thông hàng năm đối với ôtô. Nhiều chủ xe ban đầu ngán ngẩm, vì mỗi năm phải đóng ít nhất gần 2 triệu/xe.

Thế nhưng ngay sau khi áp dụng, riêng ở miền Tây, trạm thu phí cầu Cần Thơ lập tức được dẹp bỏ - như lời hứa của Bộ trưởng, cánh chủ xe mừng rơn. Bởi đóng phí đường bộ cả năm, tính ra vẫn lợi hơn đóng từng lần một khi qua chiếc cầu này, nếu qua lại với tần suất dày.

Mừng chưa bao lâu, hàng loạt trạm thu phí mới mọc lên, cứ xe qua là nộp tiền. Đường cao tốc: thu, đường tránh Cai Lậy: cũng thu, về Sóc Trăng, Bạc Liêu… thu tất! Còn tiền phí giao thông đóng hàng năm, vẫn cứ đóng.

Tính ra bây giờ, với mức rẻ nhất dành cho ôtô 4 chỗ, thì đi từ Bạc Liêu lên TP.HCM theo quốc lộ 1A phải mất 165.000 đồng/chuyến (trạm Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cai Lậy và cao tốc Trung Lương - TP.HCM). Đi bao nhiêu lần đóng bấy nhiêu lần. Còn phí giao thông, hết hạn đi đăng kiểm thì bị “đè” ra thu tiếp 6 tháng hoặc 1 năm! Mỗi tháng 10 lượt đi - về, mất đứt 3,3 triệu đồng.

Đó là chỉ nói riêng tuyến quốc lộ 1A đi qua các tỉnh miền Tây, chứ nếu tính trong phạm vi cả nước, tức làm chuyến ôtô xuyên Việt, chắc… đếm tiền nộp phí không xuể!

Đi ôtô, thì hễ vi phạm Luật Giao thông, tiền nộp phạt phải cao hơn xe gắn máy. Phí trước bạ, biển số... cũng cao. Mua hàng hoặc ăn uống dọc đường, người bán thấy đi ôtô, đoán là dân sang, cũng tha hồ chặt chém…

Trăm nỗi khổ dồn cho người chủ xe ôtô, dù rằng, không phải ai cũng là đại gia. Có gia đình, gom góp tiền, vay thêm để mua chiếc ôtô, chỉ nghĩ để đi lại cho an toàn, giữ gìn mạng sống khi ngồi trong ôtô tốt hơn là đi xe gắn máy - quá mong manh khi chỉ “bấu víu” vào chiếc mũ bảo hiểm nhỏ bé.

Trước giờ, có ngân hàng hỗ trợ cho vay mua ôtô. Người mua xe chỉ phải trả một số, sau đó thế chấp giấy đăng ký xe để ngân hàng cho vay, và lấy giấy xác nhận thế chấp để đi đường, xuất trình cảnh sát giao thông. Tiền thì trả dần cho nhà băng hàng tháng…

Thế nhưng những ngày qua, nhiều người ít tiền nhưng muốn mua ôtô để đi lại cho an toàn, và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải… càng lo hơn, khi biết rằng, sắp tới khó mà vay ngân hàng để mua ôtô.

Bởi ngân hàng đang siết lại mảng cho vay này, khi không còn được giữ giấy đăng ký bản chính như trước đây - theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, nếu người lái ôtô tham gia giao thông mà không mang theo giấy đăng ký xe bản chính, thì cũng bị cảnh sát giao thông xử phạt. Bởi phía cảnh sát viện lý: Ngân hàng đã không còn giữ bản chính khi cho vay, thì đừng lấy lý do ngân hàng chỉ cấp xác nhận thế chấp mà mang ra trình nữa.

Trước mắt, như đã nói, những người ít tiền muốn tậu ôtô và chủ doanh nghiệp kinh doanh xe muốn phát triển đầu xe lo lắng. Nhưng lo nhất, là các hãng xe ôtô, bởi doanh số bán sẽ tụt giảm.

Và các ngân hàng cũng lo giảm doanh số cho vay, khi buộc phải siết mảng cho vay mua xe, khi cầm giấy bản chính còn rủi ro, nói chi giờ không cho giữ. Đã có trường hợp, khách vay thế chấp bằng tài sản hình thành sau khi vay - tức giấy đăng ký xe, trả góp chưa bao lâu, đã túng tiền mang xe đến tiệm cầm đồ thế chấp tiếp. Ngân hàng phát mệt!

Nói khách quan, quy định mới này cũng chỉ muốn mọi thứ chặt chẽ hơn, đảm bảo quy định về tài sản cho cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng những người ban hành chính sách dường như chưa đo lường và đánh giá về mặt xã hội và kinh tế? Trước hết, nó sẽ kềm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô, kinh doanh vận tải và giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Chúng ta chưa hề có đánh giá hay phân tích nào về tác hại của việc sử dụng giấy tờ thế chấp khi lái ôtô gây tổn hại đến an ninh, trật tự và an toàn giao thông như thế nào. Trong khi tác hại nếu không cho ngân hàng giữ bản đăng ký xe chính thức khi cho vay thì giám đốc nhà băng nào cũng rùng mình! Vậy ban hành quy định này vì lý do gì?

Phải chăng, chỉ để “canh” mà phạt, tạo thêm quyền lực hay tạo nguồn thu thông qua tăng tiền phạt những “đại gia” lái ôtô? Và để kềm hãm sự phát triển của các đầu xe ôtô trên cả nước?

Ai cũng biết, “văn minh” xe gắn máy, chúng ta đã phải chịu đựng những năm qua rất khổ sở, và đang hô hào tiến đến hiện đại, thay xe gắn máy bằng ôtô… Nhưng nói một đàng, làm một nẻo?

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sao ôtô cứ luôn bị ‘săm soi’?