Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms gần như sẵn sàng giới thiệu nguyên mẫu kính thực tế tăng cường (AR) mới nhất và ông có vẻ rất hào hứng.
Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, đã giới thiệu về chiếc kính full holographic (toàn ảnh 3D) sắp ra mắt của công ty trong cuộc phỏng vấn với YouTuber Kane Sutter (còn được gọi là Kallaway).
Full holographic là kính có khả năng hiển thị hình ảnh 3D một cách toàn diện và chân thực. Công nghệ này cho phép người dùng nhìn thấy và tương tác với các hình ảnh 3D nổi bật trong không gian thực tế, như thể chúng đang tồn tại thực sự trước mắt họ. Kính full holographic được kỳ vọng sẽ tạo ra trải nghiệm AR mạnh mẽ hơn, nơi các hình ảnh số hóa hòa quyện vào thế giới thực một cách liền mạch và sống động.
Meta Platforms có thể sẽ trình diễn phiên bản đầu tiên kính AR "thực sự", dự án được gọi nội bộ là Orion, vào mùa thu trong hội nghị Connect hàng năm của công ty, trang Insider đưa tin.
Những chiếc kính này dự kiến sẽ không có sẵn để mua trong một thời gian nữa, nhưng việc khoe công nghệ tiên tiến có thể tạo ra sự hứng thú xung quanh khoản đầu tư liên tục của Meta Platforms vào lĩnh vực này.
Mark Zuckerberg nói: “Chúng tôi đang tập trung vào việc xây dựng phiên bản tiêu dùng đầy đủ của kính AR này thay vì bán nguyên mẫu".
Ông tiết lộ rằng nguyên mẫu "không sở hữu kiểu dáng đẹp nhất" và có thể sẽ có khung dày hơn để phù hợp với công nghệ AR. Tuy nhiên, ông đảm bảo với người tiêu dùng rằng đó là "chiếc kính không thể nhầm lẫn" chứ không phải headset (thiết bị âm thanh gồm tai nghe và micro tích hợp hoặc kết hợp với nhau) như Meta Quest hay Vision Pro của Apple.
Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta Platforms và người đứng đầu bộ phận Reality Labs của công ty, cho biết năm ngoái rằng kính AR sắp ra mắt có thể là “công nghệ tiên tiến nhất trên hành tinh trong lĩnh vực này”.
Mark Zuckerberg cho biết vì nhu cầu về Meta Ray-Bans (gồm camera và AI tích hợp nhưng không có màn hình) vượt quá mong đợi, nên công ty tập trung vào việc tích hợp nhiều công nghệ AR nhất có thể trong khi vẫn duy trì hình thức tốt nhất cho kính hiện đại.
"Trước đây, tôi nghĩ rằng chúng tôi cần các full hologram để chứng tỏ sự hiện diện. Thế nhưng, AI đã có những bước nhảy vọt lớn đến mức tôi nghĩ ngay cả thứ gì đó là một sản phẩm đơn giản hơn cũng sẽ sớm hấp dẫn hơn", Giám đốc điều hành Meta Platforms nói.
Meta Platforms đã rót hàng tỉ USD vào Reality Labs trong nhiều năm qua. Bộ phận này chịu trách nhiệm cho các nỗ lực xây dựng các sản phẩm tiên tiến, gồm cả các thiết bị đeo VR (thực tế ảo) và AR, cũng như phần mềm metaverse làm nền tảng cho chúng.
Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng sẽ phải mất nhiều năm để các sản phẩm này bắt đầu mang lại lợi nhuận đáng kể.
Đối thủ Meta Platforms là Apple gần đây đã tái khởi động nỗ lực phát triển kính AR. Đây sẽ là những chiếc kính nhẹ mà người dùng có thể dễ dàng đeo cả ngày và từ lâu đã được coi là “chén thánh” (mục tiêu rất được mong đợi) trong ngành công nghệ.
Dù ngày dự kiến ra mắt kính AR vào khoảng năm 2027 đã được bàn tán, nhưng không ai trong nội bộ Apple tin rằng nó sẽ sẵn sàng vài năm tới.
Câu hỏi lớn là liệu Apple có sẵn sàng đầu tư hàng trăm triệu USD hàng năm để phát triển các công nghệ mới cho headset và kính ở tương lai hay không, với rất ít triển vọng thu được lợi nhuận trong thời gian ngắn.
Xét thấy Vision Products Group (VPG), bộ phận chịu trách nhiệm về kính thực tế hỗn hợp của Apple, có hàng nghìn nhân viên và vẫn tiếp tục tuyển dụng, Mark Gurman (nhà báo công nghệ nổi tiếng của hãng tin Bloomberg) có cảm giác rằng Apple sẵn sàng tiếp tục chi tiêu thêm vài năm nữa hoặc lâu hơn. Điều đó ít nhất sẽ cho phép Apple chứng minh liệu kính AR có khả thi hay không. Sản phẩm đó dường như có nhiều hứa hẹn nhất để cải thiện tính năng và có lẽ cuối cùng là thay thế iPhone.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với YouTuber Kane Sutter, Mark Zuckerberg nói rằng không thích những người nghĩ rằng họ đang tạo ra một "vị thần AI" toàn năng duy nhất dù đã đưa Meta Platforms vào cuộc đua AI.
"Tương lai sẽ không chỉ có một AI. Sẽ có rất nhiều AI với nhiều người khác nhau có thể tạo ra những thứ khác nhau", tỷ phú 40 tuổi người Mỹ nhấn mạnh.
Trong khi các hãng công nghệ khác đang tập trung vào một mô hình AI chính để phát triển, chẳng hạn như GPT của OpenAI hoặc Gemini của Google, Mark Zuckerberg cho biết Meta Platforms đang hướng tới việc tích hợp nhiều AI.
"Quan điểm tổng thể của chúng tôi rằng đây không phải là loại công nghệ mà chỉ nên có một. Người ta muốn tương tác với nhiều người và doanh nghiệp khác nhau, nên cần có nhiều AI khác nhau được tạo ra để phản ánh các sở thích khác nhau của mọi người", ông nói.
Nhân cơ hội được Kane Sutter phỏng vấn, Mark Zuckerberg một lần nữa tuyên bố ủng hộ các mô hình AI nguồn mở, nói rằng công nghệ này không nên bị "tích trữ" bởi một công ty nào đó muốn kiểm soát việc sử dụng nó hoặc xây dựng ra một sản phẩm trung tâm duy nhất.
Tỷ phú này thấy việc theo đuổi một AI toàn năng duy nhất là không hấp dẫn.
"Tôi cảm thấy khá khó chịu khi những người trong ngành công nghệ nói về việc xây dựng một AI thực sự duy nhất này. Họ gần như nghĩ rằng đang tạo ra vị thần hoặc gì đó tương tự", Mark Zuckerberg cho hay.
Ông dường như đề cập đến một số cuộc trò chuyện về việc đạt được AI tổng quát (AGI) - ý tưởng rằng cuối cùng AI sẽ vượt qua trí tuệ của chính loài người.
Với vài người, việc theo đuổi AI thậm chí có thể biến thành một dạng tôn giáo. Ví dụ, cựu kỹ sư Google - Anthony Levandowski đã thành lập nhà thờ Way of the Future (Con đường của tương lai) dành cho những người đang cố gắng xây dựng "kết nối tâm linh" với AI.
Thế nhưng, những bình luận của Mark Zuckerberg dường như nhắm vào các nhà nghiên cứu AI ví AGI như một vị thần.
"Chúng tôi đang tạo ra vị thần. Chúng tôi đang tạo ra những cỗ máy có ý thức", một nhân viên AI giấu tên nói với trang Vanity Fair vào tháng 9.2023.
Những người khác, chẳng hạn như Ilya Sutskever (đồng sáng lập và cựu Giám đốc khoa học OpenAI), không nói về "vị thần" mà đang theo đuổi một "siêu trí tuệ" duy nhất.
Arthur Mensch, Giám đốc điều hành công ty Mistral, đã bày tỏ lo ngại vào năm ngoái về sự quan tâm gần như sùng đạo của Thung lũng Silicon với AGI.
“Toàn bộ luận điệu về AGI là về việc tạo ra vị thần. Tôi là một người vô thần kiên định. Vì vậy, tôi không tin vào AGI”, Arthur Mensch cho biết.
Dù Meta Platforms cũng đang tham gia vào cuộc đua AI và cố gắng xây dựng các mô hình AI ngày càng mạnh mẽ, Mark Zuckerberg cho biết công ty mẹ Facebook hy vọng tạo ra bộ công cụ đa dạng để người dùng có thể xây dựng các hệ thống AI của riêng họ.
"Một số người đang nói rằng sẽ có một AI lớn thực sự duy nhất có thể làm mọi thứ. Tôi chỉ không nghĩ rằng đó là cách mọi thứ diễn ra", Mark Zuckerberg tuyên bố.