Sau câu chuyện tòa nhà Bưu điện TP. HCM bị sơn lại là màu vàng chói của ngành bị vấp phải luồng phản ứng của dư luận cùng với giới chuyên môn thì nay đến lượt Nhà hát lớn Hà Nội cũng bị sơn lại theo màu sắc như vậy.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, KTS Đỗ Xuân Anh - Phó chủ tịch Hội KTS Hà Nội cho biết hiện nay ông cũng chỉ biết Nhà hát lớn Hà Nội đang được sơn lại màu mới chứ chưa biết cụ thể là màu sắc vàng chói hay là màu vàng nhạt như trước đây. Nhưng nếu vẫn là màu sơn như tòa nhà Bưu điện TP. HCM mà cách đây không lâu dư luận có phản đối thì đúng là màu sắc ở đây nhìn sẽ bị "chói mắt". Nhìn màu sắc thì cũng không thể nào toát lên được cái ý của những người muốn sơn lại. Và nói để người ta hình dung về những tòa nhà cổ thời Pháp thuộc thì nó cũng không giống lắm vì màu của thời Pháp thuộc là màu vàng nhạt, nhìn khá mát mắt và để phù hợp với các kiến trúc như cửa sổ hay khung ở xung quanh.
Màu sơn truyền thống của Nhà hát lớn Hà Nội mà người dân vẫn quen mắt
Cũng chung quan điểm với KTS Đỗ Xuân Anh, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho hay những tòa nhà cổ của Pháp thuộc chính là chất liệu vôi làm nên sự sang trọng cũng như cổ kính của tòa nhà. Khi sơn lại thì ban dự án nên chọn các loại sơn phù hợp chứ không nên chọn loại sơn sáng chói như hiện nay đang sơn.
Và màu sơn vàng chói của Nhà hát lớn Hà Nội hiện nay
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, hoa hậu Thu Thủy cho biết chị cũng phản đối màu sơn mà hiện nay Nhà hát lớn Hà Nội đang được sơn lại. Vì công trình Nhà hát lớn là công trình trọng điểm, nằm ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội đồng thời cũng là nơi thu hút khách du lịch tham quan mỗi khi đến Hà Nội. Nếu sơn lại màu sơn không phù hợp sẽ gây khó chịu cho du khách tham quan, ảnh hưởng tới những công trình mà người dân đang gìn giữ.
Trang cá nhân của Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy
Trước đó, tại TP. Hồ Chí Minh việc sơn lại Bưu điện TP.HCM cũng gây bức xúc trong dư luận và khi trả lời báo chí tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng các công trình kiến trúc ở TP.HCM và Hà Nội là những công trình di sản, đồng nghĩa với việc nó như tài sản của công chúng nên cần phải nghe theo tiếng nói của người dân, không thể tự ý làm. “Nếu có quá nhiều tiếng nói phản đối thì chính quyền nên nghe theo đa số. Sở Kiến trúc TP.HCM cũng cần có tiếng nói, nếu cần thiết nên tổ chức một cuộc họp để bàn bạc…”, tiến sĩ Liêm cho hay.
Minh Khuê