Thời gian gần đây, cổ phiếu ngành gạo đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư khi ghi nhận đà bùng nổ liên tục.
Chính phủ Ấn Độ mới đây đã áp lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) trước tình trạng mưa gió kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng. Tiếp đó, Nga cũng cấm xuất khẩu gạo "tạm thời" nhằm ổn định thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu áp dụng với cả gạo thô và gạo đã qua chế biến, có hiệu lực đến ngày 31.12.2023. Trước bối cảnh này, gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác lớn.
Thị trường chứng khoán kết thúc một tuần giao dịch với sự sôi động của nhóm cổ phiếu ngành gạo khi chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm đầy thuyết phục sau 10 tháng giằng co.
Cổ phiếu ngành này đã thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư trước bối cảnh nhận được nhiều tin vui, cho một bức tranh xuất khẩu tươi sáng thời gian tới. Xu hướng thắt chặt nguồn cung do hiện tượng El Nino, Ấn Độ, Nga cấm xuất khẩu gạo.... là những yếu tố sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu cũng như cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành gạo trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28.7 vừa qua, cổ phiếu VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã tăng lên mức 14.600 đồng/cổ phiếu, duy trì 5 phiên liên tiếp tăng điểm, trong đó có 4 phiên phủ sắc tím. 14.600 đồng/cổ phiếu cũng là mức giá cao nhất của VSF kể từ khi Vinafood 2 niêm yết cổ phiếu lên sàn giao dịch UPCOM vào tháng 4.2018 đến nay.
Chỉ trong vòng một tuần, giá cổ phiếu VSF đã tăng hơn 82%. Mức tăng này đã đưa vốn hóa của Vinafood 2 lần đầu đạt mức 7.300 tỉ đồng, sau nhiều năm dao động quanh mức 4.000 tỉ đồng.
Theo đà tăng, cổ phiếu AGM của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang cũng ghi nhận 7 phiên tăng liên tiếp. Kết thúc tuần qua, cổ phiếu công ty đạt 8.510 đồng/cổ phiếu, tăng gần 40% trong một tuần giao dịch, bất chấp cổ phiếu đang nằm trong diện hạn chế giao dịch của HOSE.
Trong khi đó, các cổ phiếu ngành khác như: LTG, PAN, TAR... cũng ghi nhận giao dịch sôi động trong tuần qua. Có thể thấy, đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành gạo được duy trì kể từ trước theo sự hồi phục của thị trường.
Đánh giá về sự bứt phá của nhóm cổ phiếu gạo trong vài phiên gần đây, giới phân tích cho rằng diễn biến tích cực này chủ yếu đến từ kỳ vọng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới sẽ hưởng lợi lớn khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ gạo tẻ. Sau đó, Nga cũng cấm xuất khẩu càng tạo đà bứt phá cho ngành gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt trung bình 539 USD/tấn (trong 6 tháng đầu năm nay). Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Qua đó, tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán.
Giới chuyên gia nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt mức trung bình 600 USD/tấn, thậm chí lên đến 700 USD/tấn đối với các loại gạo chất lượng cao trong thời gian tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trên toàn cầu.
Đồng thời, các khách hàng mua gạo trước đây của Ấn Độ, Nga giờ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Việt Nam sẽ là thị trường được các khách hàng của Ấn Độ và Nga tìm đến để lấp khoảng trống thiếu về nguồn cung gạo.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4,27 triệu tấn, mang lại 2,3 tỉ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình biến động nguồn cung từ Ấn Độ, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có cơ hội lập kỷ lục mới, dự kiến xuất khẩu 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỉ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.