Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo Việt Nam 'nhảy vọt' sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Tuyết Nhung | 28/07/2023, 10:05

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng mạnh khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 35,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng khí hậu El Nino làm sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sụt giảm và động thái Ấn Độ lại cấm xuất khẩu khiến nguồn cung mặt hàng này trên toàn cầu chao đảo. Giá gạo trên thị trường thế giới cũng bắt đầu nhảy vọt và có xu hướng tăng mạnh.

gao-viet-nam-1.jpg

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 28.7 được giao dịch ở mức 558 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với phiên ngày 27.7 và tăng 25 USD/tấn so với ngày 19.7. Gạo 25% tấm cũng tăng 25 USD/tấn, từ mức 513 USD/tấn phiên 19.7 lên 538 USD/tấn phiên 28.7. Như vậy, gạo 5% tấm, 25% tấm xuất khẩu của nước ta tăng lần lượt 35,1% và 36,8% so với ngày này năm ngoái.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa (thóc) hạt dài được thu mua tại ruộng từ 6.650 - 6.750 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg so với tuần trước), lúa thường từ 6.800 - 6.850 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg).

An Giang là địa phương có sản lượng lúa lớn đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) với tổng sản lượng gần 4 triệu tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu khoảng 550.000 tấn gạo/năm. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường đã tạo điều kiện cho giá lúa hiện nay ở An Giang cao, dao động từ 6.700 - 6.900 đồng/kg. Đây là cơ hội để nông dân An Giang tăng giá trị từ cây lúa.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo thông tin giá gạo mấy ngày nay biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, trả giá cao hơn 10 - 20 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ, phải chờ thu mua lúa gạo vụ mới thì mới có hàng giao tiếp.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải tính đến kịch bản giá gạo năm 2008, khi đó có thời điểm lên tới hơn 1.000 USD/tấn. Năm nay, sản xuất lúa của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15.7, nước ta xuất khẩu gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về 2,39 tỉ USD. Giới chuyên gia dự báo 6 tháng cuối năm tiếp tục là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Ấn Độ hiện chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới, nên việc quốc gia này cấm xuất khẩu gạo (trừ gạo Basmati) cộng với bối cảnh El Nino tác động xấu đến sản xuất lúa, gạo toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua lương thực phục vụ tiêu dùng và tích trữ đồng thời kéo giá gạo tăng cao trong thời gian tới.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng thứ 3 thế giới nên sẽ chịu ảnh hưởng tích cực từ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội này cũng đặt ra bài toán cho Việt Nam về việc vừa đảm bảo nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 là cần ít nhất 4 triệu tấn gạo, nhưng vẫn phải cân đối đủ cho việc dự trữ và tiêu dùng trong nước.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Theo đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tận dụng thời cơ, cơ hội từ thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Mỹ, các quốc gia khu vực Bắc Mỹ...

Bài liên quan
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan, vươn lên dẫn đầu thế giới
Khoảng 1 tháng qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vươn lên dẫn đầu thế giới. Đây là thông tin phát ra từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá gạo Việt Nam 'nhảy vọt' sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo