Nghị quyết của Quốc hội xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là bước đi cần thiết để Việt Nam tham gia vào "sân chơi lớn" của thế giới.

Sẽ có Nghị quyết của Quốc hội xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

Tuyết Nhung | 24/08/2023, 13:43

Nghị quyết của Quốc hội xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là bước đi cần thiết để Việt Nam tham gia vào "sân chơi lớn" của thế giới.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp (DN) và Chính phủ để họ tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đó là yêu cầu cơ bản được Bộ Tài chính đề cập tại Dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Cụ thể, ngày 24.8, theo Tổng cục Thuế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, một số nước, đặc biệt là các nước mới nổi và đang phát triển (trong đó có Việt Nam) tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu dựa trên các ưu đãi về thuế, phí, thậm chí còn "cạnh tranh xuống đáy".

dn-fdi.jpg
Các quốc gia đã và đang thực hiện hạ thuế suất thuế TNDN để thu hút và giữ chân nhà đầu tư - Ảnh: IT

Trong bối cảnh thể chế và thực thi thuế chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chính sách ưu đãi thuế tại các quốc gia đã tạo cơ hội cho các DN, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, với nhiều ưu thế về vốn và kinh nghiệm, tận dụng các kẽ hở quản lý để trốn thuế thông qua những hành vi gây xói mòn cơ sở tính thuế hoặc chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.  Từ đó, thông qua các công cụ như các tài sản vô hình hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia để tránh nghĩa vụ thuế bằng các hoạt động chuyển lợi nhuận, chuyển giá...

Những hoạt động trên đã gây xói mòn nghiêm trọng nguồn thu ngân sách của các quốc gia, dẫn đến việc nhiều nước trên thế giới đơn phương áp dụng các loại thuế khác nhau, phát sinh bất đồng, tranh chấp giữa các nước.

Cụ thể, các quốc gia đã và đang thực hiện hạ thuế suất thuế TNDN để thu hút và giữ chân nhà đầu tư. Đối tượng hưởng lợi là các tập đoàn đa quốc gia, mặc dù có lợi nhuận cao, nhưng phải nộp thuế TNDN rất thấp, thậm chí không bị đánh thuế.

Trước tình hình đó, việc Việt Nam xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024 (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT) được các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính khẳng định là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa DN và Chính phủ để DN tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc chủ động tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.

Bởi thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế để tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hạn chế tình trạng đua xuống đáy về ưu đãi thuế của các nước tiếp nhận đầu tư; giảm thiểu các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá... của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện Việt Nam đã thu hút FDI từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á, cụ thể: Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Việt Nam là quốc gia nhập khẩu vốn FDI. Trong đó, ngành thuế đã triển khai khảo sát khu vực DN có vốn FDI số thu ngân sách Nhà nước.

Thống kê trong 3 năm, từ năm 2020 - 2022, số thu thuế TNDN từ khu vực DN FDI trên tổng số thu thuế TNDN chiếm 18 - 21% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực DN FDI chiếm khoảng 7,5 - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa. Số thu thuế TNDN từ khu vực DN FDI chiếm khoảng 39 - 41% tổng số thu thuế TNDN.

Bộ Tài chính cho biết, tại Dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một bước đi cần thiết để Việt Nam tham gia "sân chơi lớn" của thế giới góp phần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Quan điểm là Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các DN FDI nộp bổ sung thuế tại Việt Nam. Do thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng với một nhóm đối tượng nên cần tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các DN không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.

"Theo đó, Dự án Nghị quyết được xây dựng thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các DN không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bộ Tài chính cho biết, thuế tối thiểu toàn cầu có các quy định đánh thuế, gồm: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu; Quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn; Quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu và quy định khấu trừ tại nguồn tối thiểu. Đối chiếu với quy định của pháp luật về thuế TNDN tại Việt Nam, về bản chất thuế tối thiểu toàn cầu là thuế TNDN bổ sung đối với các trường hợp có mức thuế thực tế thấp hơn mức thuế tối thiểu do OECD đề xuất để áp dụng trên toàn cầu.

Bài liên quan
Thuế tối thiểu toàn cầu: Không còn ưu đãi thuế, Việt Nam có gì để giữ chân nhà đầu tư?
Khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hay nói cách khác nếu không còn ưu đãi về thuế thì sẽ thu hút và giữ chân các doanh nghiệp FDI bằng cách nào?

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẽ có Nghị quyết của Quốc hội xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu