Số hóa đã giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội để nắm lấy phần thắng.
Tập trung vào chất lượng sản phẩm
Trong Talkshow Nguy Cơ, ông Hoàng Tuấn Anh - CEO Vua Nệm chia sẻ: “Dù có là ai đi nữa, giấc ngủ sẽ giúp họ quyết định một năng lượng mới... Đây là cơ hội rất tốt khi mọi người đều quan tâm đến giấc ngủ”.
Tuy nhiên, hiện những mô hình kinh doanh nệm truyền thống tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản về chăm sóc khách hàng, khó để người mua có được những trải nghiệm mua sắm thành công.
Theo đó, việc tập trung vào việc trải nghiệm khách hàng chính là chiến lược Vua Nệm hướng đến. “Chính sách ngủ thử 100 ngày”, may đo theo yêu cầu… là những bước nỗ lực của Vua Nệm để mang lại giấc ngủ trọn vẹn cho khách hàng.
Ông Hoàng Tuấn Anh cho biết Vua Nệm nỗ lực đưa ra những chiến lược để “đo ni đóng giày” cho mỗi trải nghiệm, nhằm đưa đến những giấc ngủ hoàn hảo nhất cho khách hàng. Hệ thống máy được trang bị ở mỗi cửa hàng có thể đưa ra những thông số cho mỗi khách hàng khi nằm thử. Từ dữ liệu đó, Vua Nệm sẽ tư vấn những sản phẩm phù hợp cho người dùng.
Chia sẻ trong Talkshow The Next Power, theo ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, thời điểm năm 2014, tăng trưởng ngành bánh kẹo đã chậm lại bởi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe nên giảm bớt ăn bánh kẹo, đồng thời bánh kẹo cũng chỉ có tính chất thời vụ như dịp Trung thu và lễ Tết để phục vụ quà biếu.
“Không như trước đây, chúng ta làm ngành bánh kẹo nhiều khi là vài chục sản phẩm nhưng không phải sản phẩm nào cũng bán được… Sự thay đổi hiện giờ là chúng ta phải làm những sản phẩm có giá trị. Sản phẩm mang được cái giá trị là vừa chất lượng, vừa tiện lợi, có thể đi xa được”, ông Nguyên nói thêm.
Vị lãnh đạo đánh giá ngành thực phẩm muốn thành công thì quy mô phải lớn, tập trung vào những sản phẩm mang tính thiết yếu và có hệ thống phân phối rộng khắp, duy trì giá cả luôn luôn hơn lý. Việc này lý giải vì sao KIDO lựa chọn trở lại với bánh tươi hàng ngày để phục vụ người tiêu dùng, tận dụng mạng lưới 450.000 điểm bán khắp các tỉnh thành đã phát triển được qua thời kỳ kinh doanh mặt hàng thiếu yếu là dầu ăn.
Ông Nguyên cho rằng yếu tố duy nhất không thay đổi trong ngành thực phẩm là phải giữ được chất lượng sản phẩm, phục vụ sức khỏe, đóng góp nhiều giá trị sản phẩm cho người tiêu dùng có thể thưởng thức, chứ không chỉ có nắm bắt xu hướng để thành công.
Thuyết phục bằng công nghệ
Sau giai đoạn dịch COVID-19, số lượng người quan tâm về sức khỏe nói chung và giấc ngủ nói riêng tăng nhanh chóng. Theo đó, CEO Vua Nệm cũng chia sẻ về một trong những trọng tâm nền tảng Vua Nệm đang hướng đến là chuyển đổi số, và gần đây nhất là nền tảng CDP Customer Data Platform (Nền tảng dữ liệu khách hàng), hợp tác với Insider để thấu hiểu thị trường sâu hơn.
CEO Vua Nệm cho rằng “số hóa” đã giúp doanh nghiệp với mô hình Omni Channel (bán hàng đa kênh) có thêm nhiều cơ hội để nắm lấy phần thắng trên chặng đua bán lẻ.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, tập đoàn KIDO đã liên tục áp dụng công nghệ để cập nhật dữ liệu hàng ngày, phản ánh lại cho nhà sản xuất về sự tiếp nhận của phân khúc khách hàng, từ đó luôn thay đổi sản phẩm hoặc cung cấp ra thị trường những sản phẩm mới phù hợp thị hiếu. Thay vì trước đây chờ kiểm toán một hoặc hai quý mới nhìn lại hiệu quả hoạt động, nay bộ máy cần phải tiếp nhận và xử lý thông tin thay đổi hàng ngày, hàng tuần.
“Bộ máy ngày nay rất linh hoạt. Sự khác biệt với trước đây là trong một tuần nếu cảm thấy không được, mình phải thay đổi liền”, lãnh đạo KIDO chia sẻ tại The Next Power.
Cùng với đó, ông Nguyên cho rằng bản thân tư duy của người lãnh đạo phải luôn thay đổi, phải thể hiện bằng những công việc đúng, những quyết định đúng. “Nhưng thay đổi làm sao thuyết phục được? Mình phải thuyết phục bằng những công nghệ và số liệu”, lãnh đạo KIDO nhấn mạnh.
Tuyển người tài còn khó hơn gọi vốn
Tuy nhiên, thành công không chỉ dựa vào công nghệ. Startup AI về ngoại ngữ có 40 triệu người dùng - ELSA với chiến lược “đi lùi” để chinh phục 1,5 tỉ người học tiếng Anh toàn cầu là một minh chứng.
Bà Văn Đinh Hồng Vũ - Đồng sáng lập, CEO ELSA chia sẻ tại The Next Power: “ELSA được thành lập với tầm nhìn - xem thị trường toàn cầu là nền tảng, từ đó chỉnh sửa lại để thích ứng với thị trường Việt Nam. Để làm được điều này, ELSA chú trọng những bài học thành công, kinh nghiệm thất bại ở mỗi thị trường khác nhau để tương hỗ và đưa ra những bước đi chiến lược phù hợp ở từng quốc gia”.
Được gọi với cái tên “startup công nghệ giáo dục” nhưng bà Văn Đinh Hồng Vũ khẳng định công nghệ chỉ là công cụ, chứ không phải là yếu tố quyết định sự thành bại của ELSA. Nếu chỉ phụ thuộc vào việc cập nhật, thay đổi công nghệ, hành trình của doanh nghiệp sẽ đi vào lối mòn.
Đặc biệt, bà Hồng Vũ có nhắc tới nguồn nhân lực là điều ELSA luôn chú trọng. Bà Hồng Vũ nhấn mạnh: “Tuyển được ứng viên tài năng còn khó hơn đi gọi vốn. Được một người giỏi chấp nhận làm với mình là một may mắn”.
CEO ELSA cho biết với mô hình mở rộng ở nhiều quốc gia, những ứng viên có tầm nhìn toàn cầu sẽ dễ dàng thích nghi với nhiều nền văn hóa khác nhau, các múi giờ làm việc linh hoạt của ELSA. Ngoài ra, những người cùng hướng đến một sứ mệnh sẽ tạo ra sợi dây liên kết bền vững của một đội ngũ…