Chính phủ và các công ty quốc phòng Hàn Quốc đang tích cực tăng doanh số bán khí tài quân sự ra nước ngoài. Nguồn thu sẽ được đổ vào việc phát triển các loại vũ khí hiện đại hơn.

Hàn Quốc đang tăng cường xuất khẩu vũ khí

Bảo Vĩnh | 04/08/2022, 17:47

Chính phủ và các công ty quốc phòng Hàn Quốc đang tích cực tăng doanh số bán khí tài quân sự ra nước ngoài. Nguồn thu sẽ được đổ vào việc phát triển các loại vũ khí hiện đại hơn.

Hàn Quốc mới đây đồng ý bán cho Ba Lan 980 xe tăng “Báo Đen” K2, 648 pháo tự hành “Thần Sấm” K9 và 48 tiêm kích FA-50 “Đại bàng Vàng”.

Hợp đồng vũ khí kỷ lục bù số xe tăng Ba Lan đã tặng Ukraine

Đây là một hợp đồng xuất khẩu khí tài quân sự lớn nhất lịch sử Hàn Quốc, và hai chính phủ ở Seoul và Warsaw đều hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh.

Hợp đồng được ký ngày 27.7, trị giá ước tính 20 ngàn tỉ won (15,3 tỉ USD) dù số liệu chính xác chưa được xác định vì các đàm phán đang diễn ra, về khả năng sản xuất xe tăng và pháo tự hành ở Ba Lan.

Hợp đồng được thực hiện theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, Hàn Quốc sẽ giao 180 xe tăng K2, 48 pháo tự hành K9 cho quân đội Ba Lan trong năm nay, nhằm giúp Ba Lan bù cho việc viện trợ 240 xe tăng cho Ukraine đối phó chiến dịch quân sự do Nga mở ở Ukraine từ ngày 24.2.

Ở giai đoạn 2, Ba Lan sẽ nhận thêm 800 xe tăng K2, đồng thời đặt mục tiêu sản xuất xe tăng trong nước từ năm 2026.

Một chiếc tăng K2 nặng 54 tấn, trang bị pháo nòng trơn 120mm, hệ thống nạp đạn tự động, một súng máy 7,62mm, một đại liên phòng không 12,7mm. Xe tăng này được lắp lớp giáp đặc biệt, có khả năng chống chịu các loại vũ khí chống tăng, hệ thống phòng thủ linh hoạt chống tên lửa và máy bay.

Hợp đồng còn gồm các giấy phép sản xuất xe tăng và pháo tự hành ở Ba Lan, trong khi công ty quốc phòng Hàn Quốc Korea Aerospace Industries hy vọng sẽ được lập một cơ sở bảo trì-sửa chữa ở Ba Lan.

Công ty này cũng có kế hoạch lập một trường đào tạo phi công lái tiêm kích FA-50, nhằm mục tiêu giới thiệu kiểu máy bay này cho nhiều khách hàng tiềm năng khác ở châu Âu.

Na Uy và Ai Cập cũng đang xét khả năng mua xe tăng K2 của Hàn Quốc. Trong khi đó, Estonia, Na Uy, Phần Lan, Úc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã mua pháo tự hành K9.

Chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 do công ty quốc phòng Hàn Quốc Korea Aerospace và hãng Lockheed Martin của Mỹ cùng phát triển. Dù không là chiến đấu cơ hạng nhẹ, máy bay có tốc độ tối đa 1.837km/giờ này có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, trinh sát và huấn luyện.

Tiêm kích FA-50 sẽ thay thế phi đội Mig của không quân Ba Lan do Nga đóng nên nay không thể tìm được phụ tùng thay thế, theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak. Ông cho biết chiếc FA-50 đầu tiên sẽ đến Ba Lan từ đầu năm 2023.

fa-50-korea.jpg
Chiến đấu cơ "Đại bàng Vàng" FA-50 - Ảnh : Korea Aerospaces Industries

Tại lễ ký hợp đồng, Phó Thủ tướng Blaszczak nói: “Chúng tôi muốn hòa bình nên chúng tôi phải chuẩn bị cho chiến tranh. Quân đội Ba Lan phải mạnh để một thế lực xâm lược không thể quyết định mở cuộc tấn công. Do Ba Lan đã hỗ trợ Ukraine, điều cần làm là lấp chỗ trống cho sức mạnh trên không và trên bộ. Hệ thống vũ khí Hàn Quốc là thích hợp nhất, xét về công nghệ, giá cả và thời gian đưa vào sử dụng”.

Ông Blaszczak nhấn mạnh hợp đồng này “chỉ là giai đoạn 1 trong cuộc hợp tác giữa hai quốc gia”.

“Chất lượng và khả năng cạnh tranh về chi phí của các công ty quốc phòng Hàn Quốc là ngoại hạng, và rõ ràng chính phủ Ba Lan đã công nhận điều đó”, theo Park Jung-won, một giáo sư khoa luật ở Đại học Dankook (Hàn Quốc).

Ông Park còn nói dù chính phủ Hàn Quốc chắc chắn chia sẻ những tổn thất với Ukraine, nhưng lại không thể trực tiếp hỗ trợ vũ khí sát thương cho Kyiv. Vì thế, cách hay nhất là Hàn Quốc bổ sung và nâng cấp kho vũ khí của một nước láng giềng đã giúp đỡ Ukraine.

Ông khẳng định: “Lĩnh vực quốc phòng có tầm quan trọng chiến lược cho kinh tế quốc gia, nên tôi chờ biết có thêm những hợp đồng tương tự khi lĩnh vực này có thể giúp tăng trưởng kinh tế”.

Ưu điểm vũ khí Hàn Quốc là hiện đại về kỹ thuật, giá bán rẻ

Các công ty quốc phòng Hàn Quốc đã có tiếng về chất lượng của các khí tài quân sự do họ sản xuất.

Hàn Quốc đã bán số vũ khí trị giá 7 tỈ USD trong năm 2021, một số tiền kỷ lục, và nguồn thu từ hoạt động này dự kiến đạt 10 tỈ USD trong năm 2022.

Chính phủ và các công ty quốc phòng Hàn Quốc xuất khẩu vũ khí nhằm có tiền phát triển vũ khí hiện đại hơn, đồng thời củng cố vị thế là một trong những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, chính phủ các nước khác đánh giá khí tài quân sự Hàn Quốc đạt độ tin cậy, tiên tiến về kỹ thuật và giá không đắt như các hệ thống được phát triển bởi các nước khác, ví dụ như Mỹ.

Chẳng hạn một chiếc tiêm kích FA-50 có giá khoảng 30 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với một chiếc F-35 mẫu cơ bản của Mỹ vốn tốn ít nhất 77 triệu USD.

Hiện tại, các kiểu máy bay và trực thăng Hàn Quốc đã được bán cho Philippines, Iraq, Indonesia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal và Peru, trong khi Argentina, Malaysia, Colombia và Ấn Độ tỏ ý quan tâm vài hệ thống.

Tàu chiến và tàu ngầm của Hàn Quốc đã được biên chế vào hải quân Thái Lan, Philippines và New Zealand, còn tàu tiếp nhiên liệu được sản xuất cho quân đội Anh và Na Uy.

Pháo tự hành K9 là loại phương tiện quân sự bán chạy nhất của Hàn Quốc, với các nước mua là Úc, Ấn Độ, Ai Cập và Na Uy.

Một số quốc gia khác được cho là muốn mua loại vũ khí này, gồm Ả rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh và Romania.

k9-donga-ilbo.jpg
Pháo tự hành "Thần Sấm" K2 - Ảnh : DongA Ilbo

Đối với các lực lượng vũ trang cấp trung bình luôn phải cân nhắc giữa hiệu quả với giá, khí tài quân sự Hàn Quốc được xem là một lựa chọn tốt.

Dan Pinkston, một giáo sư khoa quan hệ đối ngoại ở Đại học Troy (Hàn Quốc) nói việc bán vũ khí hiện đại cũng kết nối với các mục tiêu chính sách xuất khẩu công nghiệp lâu nay của Hàn Quốc, tương tự sự phát triển và xuất khẩu xe hơi, tàu thủy, chất bán dẫn.

Ông Pinkston nói: “Các công ty quốc phòng Hàn Quốc chắc chắn sẽ tìm cách nổi bật những tiến bộ công nghệ đã có và sau đó xây dựng thương vụ này để mở rộng doanh số bán hàng của họ sang các nước khác trên thế giới”.

Bài liên quan
Mỹ cấm nhập khẩu vàng mới của Nga, trừng phạt mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng
Hôm 28.6, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với hơn 100 mục tiêu và cấm nhập khẩu vàng mới của Nga, gia tăng áp lực lên Nga sau cuộc tấn công Ukraine theo cam kết của G7 tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Mục tiêu chống 'vàng hóa' đã thành công, nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC
Các chuyên gia khẳng định mục tiêu chống "vàng hóa" đã thành công, họ đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc đang tăng cường xuất khẩu vũ khí