Chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc gia Việt Nam gồm 3 nội dung chính: quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của hệ thống SHTT, các mục tiêu chiến lược cụ thể đến năm 2030 và các nhiệm vụ chiến lược.
Từ ngày 20 - 22.6 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) phối hợp với tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức hội thảo về “Xây dựng chiến lược Sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc gia Việt Nam”. Theo đó, chiến lược sẽ gồm 3 nội dung chính: quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của hệ thống SHTT, các mục tiêu chiến lược cụ thể đến năm 2030 và các nhiệm vụ chiến lược.
Chiến lược được thực hiện theo 3 giai đoạn: 2018 - 2020, 2021 - 2025, 2026 - 2030.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT cho biết, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã xây dựng hệ thống thể chế tương đối hoàn thiện trong vấn đề liên quan đến SHTT gồm: Luật, Nghị định, Thông tư. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành đó chính là việc xây dựng Chiến lược SHTT Quốc gia.
“Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, SHTT đóng vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế thị trường. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao cho Bộ KH-CN xây dựng chiến lược SHTT quốc gia, đề ra mục tiêu, cách thức, giải pháp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phục vụ cho lĩnh vực SHTT nói riêng”, ông Phí nhấn mạnh.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đưa hệ thống SHTT trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ của Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ nâng cấp hệ thống xác lập quyền SHTT, trong đó chủ yếu là quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, thành hệ thống dịch vụ hành chính công hiện đại và thân thiện với người sử dụng.
Về đột phá hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT, sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động bảo vệ quyền SHTT vận hành theo đúng bản chất của các cơ chế dân sự, hành chính, hình sự để đạt hiệu quả cao trong việc chống xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là chống giả mạo về SHTT.
Về tăng cường khai thác tài sản trí tuệ, sẽ đưa tài sản trí tuệ trở thành một trong những nguồn lực quan trọng trong việc tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ.
Đặc biệt, Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể để thực hiện thông qua việc thực hiện các đề án, chương trình gồm: Đề án hoàn thiện chính sách pháp luật về SHTT để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập; Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT; Đề án tăng cường năng lực khai thác thông tin công nghệ trong SHTT, đặc biệt là sáng chế, để phục vụ nghiên cứu triển khai và chuyển giao công nghệ; Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Đề án huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT theo hướng xã hội hóa một số dịch vụ.
Ông Ye Min Than - chuyên gia cao cấp Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WIPO, cho biết sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ Bộ KH-CN và Cục SHTT về mặt kỹ thuật để Việt Nam sử dụng các công cụ một cách tốt nhất trong quá trình xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia.
Thu Anh