Theo ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), việc bảo hộ SHTT góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Tại buổi tọa đàm “SHTT nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp” diễn ra tại Hà Nội, ông Đinh Hữu Phí khẳng định: “Việc bảo hộ SHTT góp phần nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước”.
Giải thích cho lời khẳng định trên, ông Phí cho biết doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng giá trị quyền SHTT thường không được đánh giá đầy đủ và các doanh nghiệp cũng chưa nhận thức đúng về tiềm năng của quyền SHTT. Trong khi đó, bảo hộ SHTT là công cụ cạnh tranh hữu hiệu cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Đối với mỗi quốc gia, doanh nghiệp, năng lực SHTT là một trong những năng lực nội sinh quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững.
Về phía Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện VCCI cho rằng dù vị thế của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào tài sản trí tuệ nhưng hiện nay, quyền bảo hộ, thương hiệu… đối với doanh nghiệp vẫn còn quá xa vời.
Để thu hẹp được khoảng cách hiện tại giữa SHTT và các doanh nghiệp, PGS.TS Mai Hà - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) cho rằng doanh nghiệp cần nhận thức được rằng tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình có giá trị kinh doanh lớn hơn nhiều lần các loại tài sản hữu hình cộng lại.
Để tạo được vị thế vững chắc, nâng cao giá trị của doanh nghiệp… hay để không bị vướng phải những tranh chấp, kiện tụng không đáng có, PGS.TS Mai Hà đưa ra lời khuyên: “Doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền SHTT của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất, có được các lợi thế về cạnh tranh so với đối thủ”.
Thu Anh