Ngoài việc xoáy vào chuyên ngành đào tạo của giám định viên, các luật sư bào chữa cho 2 cựu cán bộ quản lý thị trường (QLTT) còn đề cập đến những điểm bất hợp lý của nhiều kết luận giám định.

Sóc Trăng: Nhiều vấn đề chưa sáng tỏ trong phiên xử 2 cựu cán bộ QLTT

Duy Khang | 28/06/2019, 15:15

Ngoài việc xoáy vào chuyên ngành đào tạo của giám định viên, các luật sư bào chữa cho 2 cựu cán bộ quản lý thị trường (QLTT) còn đề cập đến những điểm bất hợp lý của nhiều kết luận giám định.

Sáng 28.6, phiên tòa sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Sóc Trăng tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của các luật sư bào chữa cho 2 bị cáo Châu Hoài Phương (41 tuổi, nguyên Phó chi cục QLTT Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (36 tuổi, nguyên kiểm soát viên).

Mâu thuẫn giữa năng suất lúa thực tế và kết quả giám định

1 trong những luật sư bào chữa cho ông Phương, hỏi đại diện DNTN Hồ Mỹ Nhiên (đại lý bán phân bón ở TX.Ngã Năm, Sóc Trăng) về giao dịch với những nông dân được HĐXX xác định là người làm chứng. Đại diện doanh nghiệp cho biết chỉ có ông Võ Minh Tuấn (được xem như nạn nhân) ở P.1, TX.Ngã Năm, mua phân bón, nhưng giao dịch giữa 2 bên đã chấm dứt từ năm 2015, chứ không phải như nông dân này khai là kéo dài đến năm 2016. Còn ông Võ Văn Mực, đại lý Hồ Mỹ Nhiên, xác định không bán phân bón cho nông dân này.

Chiềungày hômtrước, các luật sư đã xoáy vào kết luận giám định của ông Phạm Thanh Sơn (cán bộ thuộc Sở NN&PTNT Sóc Trăng) về việc nông dân thiệt hại 1,87 tỉ đồng khi sử dụng 198 bao phân bón mà doanh nghiệp bán ra thị trường. Theo ông Sơn, khi giám định đã tham khảo tài liệu của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, chứ không đi thực tế.

Ông Sơn cũng căn cứ số liệu của Tổng cục Thống kê để đưa ra năng suất bình quân của vụ lúa trong thời điểm xảy ra vụ án là 6 tấn/ha. Tuy nhiên, kết quả trên "lý thuyết" này đã không phù hợp với thực tế vì người làm chứng là nông dânVõ Minh Tuấn khẳng định ruộng lúa của gia đình này đạt năng suất trên 7 tấn/ha, khi sử dụng phân bón của đại lý Hồ Mỹ Nhiên.

Ông Châu Hoài Phương tại tòa - Ảnh: Hàm Yên

Đối với người đánh giá chất lượng phân bón và ký vào phiếu đánh giá kết quả là bà Mai Thiên Hương (Chi cục Đo lường chất lượng tỉnh Sóc Trăng) đã bị luật sư Nguyễn Khánh Trang (Đoàn Luật sư Sóc Trăng) truy vấn về chuyên môn. Bà Hương trả lời có trình độ thạc sĩ… Công nghệ thực phẩm, không được đào tạo chuyên ngành phân bón, hóa chất.

Dấu hiệu vi phạm luật giám định

Cũng trong phần xét hỏi, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ, bào chữa cho ông Phương) đưa ra hồ sơ liên quan đến bà Khưu Thị Diệu Huyền (cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng) khi hỏi giám định viên này. Luật sư nêu các căn cứ cho rằng khi được UBND tỉnh Sóc Trăng bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp, bà Huyền chưa đủ 5 năm có chuyên môn theo quy định. Vấn đề này, bà Huyền không trả lời và yêu cầu luật sư tìm hiểu ở cơ quan quản lý Nhà nước.

Luật sư Đức tiếp tục truy kết quả giám định của bà Huyền có cụm từ "gây thiệt hại đáng kể" đến lợi ích của Nhà nước được cơ quan công tố đưa vào cáo trạng. Nữ giám định viên giải thích câu này là có lợi cho bị cáo, vì "thiệt hại đáng kể" được hiểu là trên mức bình thường chứ không phải là "nghiêm trọng" hoặc rất "rất nghiêm trọng".

Theo luật sư Đức, bà Huyền có dấu hiệu vi phạm Luật Giám định vì sử dụng các công văn của Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Sóc Trăng (phía buộc tội) để giám định và đưa ra kết quả bất lợi cho bị cáo. Bà Huyền chỉ trả lời là được cơ quan này trưng cầu đích danh và dựa vào các văn bản cơ quan điều tra cung cấp để giám định rồi cho ra kết quả.

Không sai Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Trả lời luật sư, ông Châu Hoài Phương khẳng định Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định nhà sản xuất có quyền "khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra". Còn Thông tư 26 cũng có đoạn nêu nội dung người bán hàng có quyền liên hệ nhà sản xuất để xử lý các vấn đề liên quan đến hàng hóa.

Vì vậy, khi có kết quả kiểm tra lần 2 (không đạt), DNTN Hồ Mỹ Nhiên (đại lý bán phân bón ở TX.Ngã Năm, Sóc Trăng) đã liên hệ nhà sản xuất là Công ty cổ phần tập đoàn Công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng (Con Cò Vàng) để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến phân bón bị kiểm tra.

Nhà sản xuất sau đó đề nghị đưa mẫu phân bón đi kiểm tra lần 3. Đoàn KTLN đã họp, thống nhất với yêu cầu của Con Cò Vàng và kết quả của Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ là đạt chất lượng.

Theo 2 công văn 3194 (ngày 27.4.2017) và 4743 (17.6.2018) của Bộ Công Thương, phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ cấp ngày 27.6.2016 vẫn được xem hợp pháp. Lý do, tại thời điểm kiểm nghiệm phân bón thì trung tâm này chưa nhận được quyết định của Bộ Công Thương về việc hủy bỏ quyết định chỉ định cho trung tâm này kiểm nghiệm phân bón.

Ông Kiều Dương, đại diện cho Bộ Công Thương được HĐXX triệu tập đến tòa để làm rõ một số nội dung liên quan đến các công văn cung cấp thông tin cho Cơ quan An ninh điều tra Công an Sóc Trăng. Ông này khẳng định những nội dung Bộ Công Thương phúc đáp là theo yêu cầu của cơ quan điều tra nên trả lời rất rõ.

Ông Phạm Thanh Sơn trả lời luật sư về kết quả giám định - Ảnh: Hàm Yên

Vị đại diện Bộ Công Thương từ chối câu hỏi của công tố viên về yêu cầu so sánh, đánh giá những nội dung được cho là chồng chéo nhau trong Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ông Dương đề nghị đại diện viện KSND nên nghiên cứu chức năng, quyền hạn của đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để giải quyết vụ án.

Ông Châu Hoài Phương là Trưởng đoàn KTLN do Sở Công Thương Sóc Trăng thành lập từ tháng 3.2016. Đoàn này sau đó lấy mẫu 3 loại phân bón của một doanh nghiệp ở TX.Ngã Năm để gửi xét nghiệm.

Sau 2 lần kiểm nghiệm mẫu phân bón, kết quả cho thấy sản phẩm chưa đạt chỉ tiêu như ghi trên bao bì, đoàn kiểm tra thống nhất cho kiểm tra lại và kết quả đạt.

Cáo trạng cho rằng Thông tư của Bộ Khoa học Công nghệ không quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3. Tuy nhiên, ông Phương bị cho là "muốn củng cố uy tín cá nhân" nên lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm lần 3 là sai. Còn Thanh thì giúp việc cho Phương, nên cũng bị cáo buộc với vai trò đồng phạm.

Khi có kết quả đạt, đoàn kiểm tra mở niêm phong, giải phóng cho doanh nghiệp 148 bao phân để bán ra thị trường, gây thiệt hại đến người sử dụng phân bón.

Sau 7 tháng bị tạm giam, tháng 1.2018, ông Phương và ông Thanh được tại ngoại. Cả 2 làm đơn kêu oan, cho rằng họ không phạm tội như nội dung cáo trạng nêu.

Hàm Yên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sóc Trăng: Nhiều vấn đề chưa sáng tỏ trong phiên xử 2 cựu cán bộ QLTT