Nhắc đến Sơn Trà, các phương tiện truyền thông, cả “lề phải” lẫn “lề trái”, đều nhất mực ngợi ca Voọc chà vá chân nâu và chùa Linh Ứng bãi Bụt. Trên truyền thông chưa thấy ai đề cập đến sự tương phản của hai “điểm nhấn” đó.

Sơn Trà ký sự - Kỳ 4: Luận về Chà vá chân nâu và chùa Linh Ứng

Hoàng Hải Vân | 09/05/2017, 06:07

Nhắc đến Sơn Trà, các phương tiện truyền thông, cả “lề phải” lẫn “lề trái”, đều nhất mực ngợi ca Voọc chà vá chân nâu và chùa Linh Ứng bãi Bụt. Trên truyền thông chưa thấy ai đề cập đến sự tương phản của hai “điểm nhấn” đó.

Sơn Trà ký sự-Kỳ 1: Chuyện về ông ‘thần rừng’

Sơn Trà ký sự - Kỳ 2: Y cẩm dạ hành

Sơn Trà ký sự - Kỳ 3: Mấu chốt của những vấn đề ‘nóng’ trên bán đảo Sơn Trà

Chúng tôi không mô tả về Chà vá chân nâu, vì người ta đã viết rất kỹ và chụp hình, quay phim rất rõ về loài động vật đặc biệt quý hiếm đang xếp vào danh mục cực kỳ nguy cấp này. Bạn đọc có thể dễ dàng tìm đọc và chiêm ngưỡng chúng trên mạng với đủ kiểu, đủ dáng, đủ mọi góc nhìn, góc chụp, góc quay.

Chỉ xin lưu ý là chúng chỉ ăn lá và hoa quả của những loài cây đặc hữu, là những loài cây chỉ có ở Sơn Trà, chỉ hít thở và sinh con đẻ cái trong hệ sinh thái của rừng nguyên sinh nơi đây. Chúng không ăn rặt một vài thứ như những con vật mà chúng ta nuôi, mà mùa nào, giờ nào chúng ăn những thứ gì trong những loài cây đặc hữu đó chúng ta không biết, không thể biết và không cần phải biết.

Trong thiên nhiên, sự phát tán cây rừng thông qua 3 kẻ gieo trồng: gió, chim và thú hoang ăn cây cỏ. Gió đẩy hạt đi xa, chim và thú ăn quả rồi thải hạt và mầm cây theo phân từ nơi này qua nơi khác. Nhiều hạt mầm cây đặc hữu gió không thể đưa đi xa, chim không ăn, còn thú ăn cỏ thì không với tới. Do chỉ ăn cây đặc hữu và chuyền như chim, nhanh như gió, nên một mình Chà vá có thể làm thay nhiệm vụ của cả 3 kẻ gieo trồng. Chính chúng giữ vai trò chính trong việc bảo tồn cây đặc hữu trong rừng nguyên sinh.

Và chúng nhất định không muốn làm bạn với chúng ta, dù chúng ta suốt ngày mến yêu tôn vinh chúng. Chúng chỉ là biểu tượng của rừng cấm Sơn Trà, không phải là biểu tượng của bất cứ thứ gì khác. Biến chúng thành biểu tượng để “xưng bá” cho ngành Du lịch chính là cách nhanh nhất đẩy chúng đến con đường tuyệt diệt.

Tôi vẫn còn nhớ gần 30 năm trước, khi nói về dự án Vườn quốc gia Sơn Trà-Hải Vân, ông Hoàng Đình Bá bảo đây sẽ là nơi thu hút các nhà khoa học, các giáo sư và sinh viên các viện nghiên cứu và các trường đại học trên toàn thế giới đến nghiên cứu về lâm sinh, động thực vật học, y dược, thổ nhưỡng, môi trường và các lĩnh vực liên quan. Bởi vì, như đã nói, ở đây có gần đủ mọi loài thực vật trên hành tinh, có rất nhiều loài thực vật và động vật mà các nước khác không có.

Ý tưởng đó giờ đây càng trở nên sáng rõ. Đây không phải là ý tưởng hy sinh lợi ích trước mắt (là du lịch) cho lợi ích căn bản lâu dài mà vẫn bảo đảm cho cả lâu dài và trước mắt. Khách du lịch dĩ nhiên đông hơn giới nghiên cứu, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu đến Sơn Trà, trong khi giới nghiên cứu có liên quan thì có thể thu hút được phần lớn, và họ sẽ phải bỏ ra những chi phí rất cao và tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt để được tiếp cận Chà vá chân nâu cũng như những thứ quý hiếm khác.

Ở đây, khách hàng không phải là “Thượng đế”. “Thượng đế” là Chà vá chân nâu, là cây là con, là không khí, là suối mát, là nắng gió Sơn Trà. Tiền chúng ta thu được không những không kém thua tiền thu từ du lịch mà còn lớn hơn nhiều nếu chúng ta biết cách tổ chức. Dĩ nhiên khách du lịch vẫn có thể đến, nếu họ chấp nhận chi phí cao theo tỉ lệ thuận với mức độ tiếp cận và tuân thủ các quy định dành cho giới nghiên cứu.

Xin lỗi các bạn yêu mến Sơn Trà hàng ngày đi chụp hình Chà vá chân nâu đưa lên Facebook. Lẽ ra các bạn phải bỏ ra một số tiền rất lớn để có thể lấy được một giấy phép đến nơi chúng ở, và muốn chụp hình chúng, các bạn lại phải bỏ thêm ra một khoản tiền lớn nữa, nếu như thời gian qua Chà vá chân nâu thật sự được bảo vệ. Giờ thì có thể bọn lâm tặc không dám bắt Chà vá chân nâu đem đi nấu cao, nhưng để ai cũng có thể tiếp cận chúng thì mức độ nguy cấp càng tăng lên. Yêu mến chúng thì đừng đem chúng lên “nấu cao” trên mạng xã hội!

Nhưng dù có được bảo vệ nghiêm ngặt đến đâu đi chăng nữa thì cũng trở nên vô nghĩa khi đủ các thứ “nhóm lợi ích” thi nhau xâu xé Khu bảo tồn. Trước khi nói về các dự án được cấp phép và giao đất trái pháp luật, hãy nhìn một công trình đồ sộ đang hiện hữu giữa rừng cấm, đó là chùa Linh Ứng nằm trên bãi Bụt.

Đà Nẵng có tới 3 chùa Linh Ứng, người ta gọi chùa này là chùa Linh Ứng bãi Bụt, là ngôi chùa to nhất thành phố, với tượng Đức Quan Thế Âm Bồ tát cao 63 mét, đường kính tòa sen 35 mét, to nhất Việt Nam. Ngôi chùa với rất nhiều công trình hoành tráng được xây trên một diện tích hơn 20ha, theo sự ca ngợi trên truyền thông thì “không những được xem là một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI mà còn là nơi hội tụ của linh khí đất trời và lòng người”. Nhiều người còn gọi đây là “cõi Phật giữa chốn trần gian”, là ngôi chùa “cầu gì được nấy”…

Tượng Phật Quan Thế Âm cao 67m

Phật dạy, không có Phật ở đâu cả, Phật tại lòng ta và Phật tại chúng sinh. Truyền thống Phật giáo Việt Nam là “cư trần lạc đạo”, nên xa lạ với việc làm chùa to đúc Phật lớn. Thời nhà Lý, dân chúng “quá nửa làm sư sãi”, đất nước bỏ quá nhiều công quá nhiều của xây dựng chùa chiền, đến nỗi sử gia Lê Văn Hưu, dù là một Phật tử, cũng phải hạ bút ghi vào chính sử: “Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc chăng?” (Đại Việt sử ký toàn thư). Dẫu vậy, những di tích để lại cho thấy những ngôi chùa thời nhà Lý vẫn quá khiêm nhường so với những gì chúng ta thấy trong hiện tại.

Xây chùa Linh Ứng bãi Bụt tốn bao nhiêu tiền không ai ở ngoàibiết, chỉ biết đó là nguồn tiền khổng lồ. Tiền đó ở đâu ra? Cứ cho là do các Phật tử tự nguyện cúng dường đi, nhưng Phật tử là ai? Họ cũng là dân, nên tiền đó chẳng phải là “máu mỡ của dân” sao? Đó là chuyện mà chỉngười trong cuộc mới nắm rõ. Và chuyện nàycó liên quan gì đến chính quyền thành phố Đà Nẵng hay không thì chúng tôi không biết, mặc dù chúng tôi nghe không ít lời đồn, nhưng không đủ chứng cứ để đưa lên mặt báo.

Chuyện có chứng cứ rõ ràng là: Hơn 20ha đất của rừng cấm được giao để xây chùa là phi pháp, đến bất cứ văn bản nào cũng không thể biện minh, kể cả văn bản trái thẩm quyền của thành phố là Quyết định số 6758/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố. Bởi Quyết định này ký ngày 20.9.2008, trong khi chùa Linh Ứng bãi Bụt thì khởi công vào năm 2004.

Truyền thông bảo ngôi chùa đó “dựa lưng vào rừng nguyên sinh Sơn Trà”. Nhưng ông Hoàng Đình Bá, người biết rõ hơn ai hết địa thế của Sơn Trà, đã nói với chúng tôi, ngôi chùa đó nằm trong rừng nguyên sinh, nơi Voọc chà vá chân nâu sinh sống. Giờ thì ở đây không còn là rừng nguyên sinh nữa, cũng như nhiều nơi khác, người ta chỉ còn thấy dây leo và bụi rậm. Voọc chà vá không biết nói, các sinh linh nguy cấp bị người ta tiêu diệt để xây chùa cũng không biết nói. Ông thần rừng Hoàng Đình Bá nói thay cho chúng. Đức Phật nếu tái sinh chắc chắn sẽ rất phiền lòng.

Còn Đức Quan Thế Âm Bồ tát thì đi khắp nơi nơi để cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh, mà Chà vá chân nâu và các loài động vật, thực vật nguy cấp khác ở Sơn Trà là chúng sinh đang gặp khổ nạn. Bởi vậy, Ngài chỉ có thể thị hiện thành những người như Hoàng Đình Bá và những người kiên trì chống chọi với số đông để bảo vệ từng sinh linh trong rừng rậm, chứ lẽ nào Ngài có thể ngự tại một trong những chứng tích của nạn phá rừng như chùa Linh Ứng bãi Bụt?

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sơn Trà ký sự - Kỳ 4: Luận về Chà vá chân nâu và chùa Linh Ứng