Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra ở nhiều nơi, lấn sâu vào những con đường bê tông và ngay sát nhà dân, lộ ra nhiều hàm ếch rất nguy hiểm khiến hàng trăm hộ dân ở gần các con sông ở tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn sống thấp thỏm, lo âu.
Sạt lở đe dọa hàng trăm hộ dân
Người dân thôn Thanh Lương 3 (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà) không quên vụ sạt lở vào sáng 7.10 dài hơn 50 mét, lộ ra hàm ếch nguy hiểm vừa qua khiến nhiều diện tích đất ven sông Bồ bị sạt lở, cuốn trôi theo dòng nước.
Bà Nguyễn Thị Túy (62 tuổi, một người dân sống gần đó) chia sẻ: “Sáng hôm đó, tôi thấy phần đất gần bờ sông dài khoảng 50 mét trụt xuống sông cùng với những bụi tre, ăn sâu gần 3 mét vào tận mép đường bê tông rất nguy hiểm”.
Sau đó chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả bằng cách cho xe chở đất đá san lấp, bảo vệ an toàn cho người dân và người đi đường.
Ông Nguyễn Công (Tổ trưởng Tổ dân phố 8, thôn Thanh Lương 3) cho biết, dọc khu vực này từng xảy ra các vụ sạt lở đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân mà nguyên nhân một phần là do tình trạng khai thác cát trái phép rầm rộ vào những năm trước.
Tại thời điểm đoạn ven sông mới được khắc phục, theo quan sát của chúng tôi vẫn còn một vài chiếc thuyền ngang nhiên nổ máy hút cát dưới lòng sông Bồ giữa ban ngày. Con sông Tả Trạch (đoạn qua xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) cũng khiến người dân lo lắng. Sạt lở đã trở thành mối lo thường trực của người dân nơi đây.
Nhiều năm qua, người dân sống hai bên bờ gần sông Tả Trạch bất lực nhìn dòng sông cuốn đi nhiều diện tích đất hoa màu của gia đình. Sạt lở diễn ra nhiều nơi, lấn sâu vào những con đường bê tông và ngay sát nhà dân, lộ ra nhiều hàm ếch rất nguy hiểm. Vào mùa lũ, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.
Ông Nguyễn Văn Duy (thôn Buông Tằm, xã Dương Hòa) cho biết: “Sống ở gần sông Tả Trạch, tôi rất lo lắng khi đất đai ngày càng trụt lần trụt mòn, mong sao chính quyền có biện pháp để khắc phục cho đỡ bớt tình trạng sạt lở như hiện nay”.
Nỗ lực khắc phục
Dọc sông Tả Trạch, tình trạng nghiêm trọng nhất diễn ra ở ba thôn Buồng Tằm, thôn Hộ và thôn Hạ. Lý giải nguyên nhân sạt lở, ông Trần Văn Tước (trưởng thôn Hộ) cho biết, trước đây vào năm 1999 có lụt lớn làm cho dòng chảy mạnh nên bị sạt lở. Ngoài ra một số xe đò khai thác và chở sạn tư nhân ở nơi khác đến khai thác tại dòng sông này đã gây nên tình trạng trên.
Theo tìm hiểu, tại vùng sạt lở ở thôn Hạ, UBND xã Dương Hòa đã tiến hành đền bù đất để triển khai dự án xây kè chiều dài khoảng 250 mét dọc bờ sông với tổng mức đầu tư 4,3 tỉ đồng trong thời gian 3 năm kể từ tháng 5.2015. Việc xây dựng kè chống sạt lở nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của hơn 50 hộ dân và cải thiện cảnh quan môi trường trên địa phận thôn.
Còn đối với vùng sạt lở ở thôn Hộ, vì thiếu kinh phí nên giải pháp tạm thời là chuyển hết người dân các vùng thấp trũng lên khu tái định cư ở thôn Thanh Vân và thôn Buồng Tằm. Thế nhưng, vì công việc sản xuất, nhiều hộ dân vẫn quyết định bám đất làm ăn, chỉ đến mùa lụt mới lên vùng tái định cư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thức (Phó chủ tịch UBND xã Dương Hòa) cho biết: “Tình hình sạt lở đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là vấn đề đất sản xuất và nhà ở của bà con. Theo đó, UBND xã đã bố trí quỹ đất và xây dựng phương án để tái định cư cho các hộ dân”.
Để đề phòng và khắc phục tình trạng sạt lở, những năm gần đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế thường xuyên đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây kè ở những khu vực trọng yếu, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Khải Tuấn / Duyên dáng Việt Nam