Việc người chăn nuôi và giết mổ sử dụng chất cấm như tạo nạc, tạo màu… để tăng trọng lượng ngày càng gia tăng. Hành vi này được xem là một tội ác bởi đã cố ý đầu độc hàng triệu con người. Do đó, Cục chăn nuôi cho rằng hành vi này nên được đưa vào Bộ luật hình sự để ngăn chặn.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần được xử lý hình sự

Một Thế Giới | 13/11/2015, 12:28

Việc người chăn nuôi và giết mổ sử dụng chất cấm như tạo nạc, tạo màu… để tăng trọng lượng ngày càng gia tăng. Hành vi này được xem là một tội ác bởi đã cố ý đầu độc hàng triệu con người. Do đó, Cục chăn nuôi cho rằng hành vi này nên được đưa vào Bộ luật hình sự để ngăn chặn.

Đó là chia sẻ bên lề của ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi tại Hội nghị triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi các tỉnh phía Nam diễn ra tại TP.HCM. Theo ông Vân, Cục chăn nuôi đang nghiên cứu kỹ về các tác hại của chất cấm. Từ nội dung này, Cục chăn nuôi đã kiến nghị đưa hành vi này vào Bộ luật hình sự nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất cấm.
Cũng tại hội nghị, ông Chu Đình Khu – Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi - Cục chăn nuôi cho biết, thời gian gần đây, nhiều nơi đã lạm dụng việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Chất cấm được sử dụng chủ yếu là chất salbutamon nhằm tăng tỷ lệ nạc cho vật nuôi. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã phát động đợt cao điểm về an toàn thực phẩm.
Theo ông Khu, trước kia, trong các mẫu thịt chủ yếu chỉ phát hiện tồn dư kháng sinh và kim loại nặng. Thế nhưng, thời gian gần đây thì liên tiếp xuất hiện các chất tạo nạc (chủ yếu là nhóm Beta agonist) và các chất tạo màu, chất gian lận thương mại .
Trong 10 tháng năm 2015, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo và phối hợp với một số địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi tại 22 tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, qua kết quả báo cáo của 12 tỉnh, thành gửi về cho thấy, trong các mẫu thức ăn lấy tại nhà máy đã phát hiện 1/19 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất salbutamol (chiếm 5,3%).
Kết quả dương tính với chất cấm salbutamol được phát hiện tại các địa phương như tại Đồng Nai có 1/28 mẫu (chiếm 3,6%) trong thức ăn chăn nuôi. Có 29/263 mẫu nước tiểu (chiếm 11%) được lấy dương tính với salbutamol, trong đó An Giang 1, Đồng Nai 21, Tiền Giang 7 mẫu.
Riêng với các cơ sở giết mổ, kết quả kiểm tra cho thấy có 106/587 mẫu nước tiểu (chiếm 18,1%) dương tính với salbutamol. Trong đó, tỉnh Đăk Nông có 3/54, Đồng Nai 3/6, TP.HCM 95/156, Tây Ninh 5/9 mẫu. Tình trạng này rất đáng báo động bởi nồng độ chất salbutamol phát hiện trong các mẫu nước tiểu có tỉ lệ rất cao, trường hợp cao nhất lên tới 665 ppb, cao gấp 300 lần quy định cho phép.
Đáng chú ý, tại TP.HCM, các cơ sở chăn nuôi hiện chưa có hiện tượng này song phải chịu ảnh hưởng do nguồn cung từ các tỉnh khác đổ về. Nguồn cung tại chỗ của TP.HCM mới chỉ đáp ứng được khoảng 10,3% nhu cầu tiêu thụ thịt heo và 0,76% thịt gia cầm. Nguồn cung các thực phẩm này từ các tỉnh lân cận đổ về. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tuần, TP.HCM có đến 3.000 tấn thịt trâu, bò, heo, gà và phụ phẩm đưa về các kho lạnh trên địa bàn thành phố.
Do đó, những lô heo được phát hiện có chất cấm tại các lò mổ tại TP.HCM đều được chuyển từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ tại đây như Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu và Vĩnh Long.
Mặc dù tỷ lệ sử dụng chất cấm khá cao, song theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng kết quả công bố nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, tỷ lệ này phải cao hơn nữa.
“Salbutamol bình thường chưa phải là chất cấm nhưng khi chuyển sang thức ăn chăn nuôi thì đó là hàng cấm và nó gây hiệu quả rất nghiêm trọng. Dùng thuốc phiện thì ai dùng người đó chết nhưng dùng chất cấm thì vô tình hàng triệu người cũng nhiễm bệnh mà chết”, ông Dương nói.
Cục chăn nuôi còn cho biết không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả những trang trại chăn nuôi lớn đều ít nhiều dính líu đến việc sử dụng chất cấm và hầu như tỉnh nào cũng có.
Đơn cử, tại tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh này cho biết từ khi đẩy mạnh công tác kiểm tra chất cấm, cơ quan này phát hiện tỷ lệ mẫu có dương tính với chất cấm là không nhỏ.
Theo ông Tùng, nguyên nhân khiến tình trạng sai phạm ngày càng gia tăng là do một số thương lái và nhân viên bán thức ăn chăn nuôi đưa chất cấm bán cho các hộ chăn nuôi để kiếm thêm lợi nhuận.
Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần được xử lý hình sự