Nằm ở “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, Bình Phước có đường biên cương hơn 258km giáp 3 tỉnh Kratie, Mondulkiri và Tabong Khmum, Vương quốc Campuchia, nên chính quyền, người dân hai bên thường tổ chức những sự kiện gặp gỡ, giao lưu trên mọi lĩnh vực.

Sức sống mới nơi biên giới Việt Nam – Campuchia

Bùi Thanh Liêm | 25/07/2023, 15:04

Nằm ở “đầu gối Trường Sơn, vai kề biên giới”, Bình Phước có đường biên cương hơn 258km giáp 3 tỉnh Kratie, Mondulkiri và Tabong Khmum, Vương quốc Campuchia, nên chính quyền, người dân hai bên thường tổ chức những sự kiện gặp gỡ, giao lưu trên mọi lĩnh vực.

Chọn biên giới làm quê hương thứ hai

Với chủ trương xây dựng đường biên giới “Hòa bình, ổn định và phát triển”, những năm qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Bình Phước đã triển khai Đề án xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019-2025 và điểm dân cư liền kề đồn, trạm biên phòng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, nhằm từng bước ổn định cuộc sống người dân, giữ vững “phên dậu” của quốc gia.

z4545665639239_b023c9b53b1f91d283422e24db206bd5.jpg
Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp được xây dựng khá khang trang

Chúng tôi đến Điểm dân cư liền kề Đồn Biên Phòng Bù Đốp thuộc ấp Phước Tiến, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp và được tận mắt chứng kiến cuộc sống yên bình, đầm ấm của các hộ dân nơi đây. Trước đây gia đình anh Vũ Văn Biên (39 tuổi) và chị Vũ Thị Oanh (46 tuổi) ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp có cuộc sống khá giả nhưng do làm ăn thua lỗ, trồng tiêu tiêu chết dẫn đến đổ nợ. Gia đình phải ở nhờ người thân, đi làm mọi việc để trả nợ.

Sau khi trả dứt nợ thì may mắn đầu năm 2022, vợ chồng anh Biên được xét cấp nhà, đất tại điểm dân cư này rồi được hỗ trợ các vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt cuộc sống. Hiện nay, công việc hằng ngày của anh Biên là làm thợ xây, còn chị Oanh đi cạo mủ, làm thuê rồi mở bán tạp hóa tại nhà, nhờ đó đã giúp cuộc sống khá căn cơ.

Cạnh nhà anh Biên là gia đình ông Điểu Khoen, 47 tuổi, người đồng bào S’tiêng. Mấy năm trước, gia đình ông Khoen ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp nhưng không có nhà phải đi ở nhờ, làm thuê làm mướn để kiếm sống; vợ chồng với 4 đứa con bữa đói, bữa no. Năm 2022, chính quyền xét cấp cho căn nhà trên diện tích 360m2 để lên đây ở. Vợ chồng ông hằng ngày đi cạo mủ cao su, hái tiêu cho các hộ trong vùng, nay cuộc sống đã ổn định. Ông Khoen chia sẻ: “Nhà mình khổ nhiều rồi, nay có chỗ ở, có đất để nuôi gà, trồng rau cải nên cuộc sống tốt lắm rồi”.

z4545665644389_a9ece47395ac36cf0002d2283a265454.jpg
Cán bộ Đồn Biên phòng Bù Đốp thăm hỏi gia đình anh Vũ Văn Biên thuộc Điểm dân cư liền kề Đồn Biên Phòng Bù Đốp, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp

Rời điểm dân cư liền kề Đồn Biên Phòng Bù Đốp, chúng tôi đến điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc tổ 10, ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Nơi đây được xem là khang trang, cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất. Điểm dân cư được bố trí trên khu đất bằng phẳng, ngoài nhà ở thì các nhu cầu thiết yếu như: điện, đường, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… và theo kế hoạch sắp tới sẽ được xây dựng điểm trường mầm non phục vụ nhu cầu học tập cho con em các hộ. Năm 2019, 35 hộ thuộc các đối tượng nằm trong dự án được chuyển về đây sinh sống đầu tiên. Sau 4 năm, cuộc sống hầu hết các hộ ở đây đã đi vào ổn định.

Ông Phạm Hữu Thụ, một trong những hộ dân được cấp đất, cấp nhà tại điểm dân cư liền kề xã Thanh Hòa cho biết, gia đình ông cũng như các gia đình khác trước đây rất khó khăn, nhưng nhờ được Quân khu 7 và các cấp ngành tỉnh Bình Phước hỗ trợ cho căn nhà trên mảnh đất 360m2 cùng với nhiều vật dụng thiết yếu khác như quạt máy, ti vi, bếp ga, nồi cơm điện… nên ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.

Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ vốn sản xuất cũng như hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. “Giữ vững chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ của riêng ai mà của tất cả mọi người dân Việt Nam. Gia đình tôi may mắn được nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện để “an cư lạc nghiệp” tại khu dân cư này nên tôi thấy cần phải tích cực và có trách nhiệm hơn” – ông Thụ nói.

z4545665612762_e5343fee4e6d53874a32aae68b734065.jpg
Bà Mạc Thị Nâng ở Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc ấp 3, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp chăm sóc đàn dê của gia đình

Theo UBND tỉnh Bình Phước, đến nay 11 điểm dân cư tại 3 huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập đã đón 150 hộ dân đến sinh sống. Hiện hầu hết các hộ dân này đã ổn định cuộc sống và xem nơi đây như quê hương thứ hai với bao niềm vui và hy vọng.

Những người thụ hưởng đề án chủ yếu là dân quân thường trực, dân quân dự bị, bộ đội biên phòng, đảng viên, người đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh khó khăn và chưa có nhà ở ổn định tự nguyện về sinh sống tại đây.

Hiện cuộc sống của người dân nơi biên giới đã khá ổn định, khởi sắc, không chỉ tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế mà cùng với lực lượng địa phương giữ bình yên, bảo vệ vành đai, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Hành trình đưa hài cốt liệt sĩ về lòng đất mẹ

Trải qua hơn 20 năm làm nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả Tổ quốc giao tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia. Đội K72, đơn vị chuyên trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước đã in dấu chân tại khắp các tỉnh Kratie, Kampong Thom, Vương quốc Campuchia.

z4545665595013_7c529a6f40710bd5e69c9f8910a1c96e.jpg
Tác giả (bên trái) trò chuyện với già làng Điểu Nắng, già làng Sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh và cán bộ Đồn biên phòng Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh

Đội K72 có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn từ các đơn vị chiến đấu nên hầu hết có nhiều kinh nghiệm hành quân. Vậy mà nhiều khi hành quân đến địa điểm, có chiến sĩ không nhấc nổi đôi chân. Thiếu tá Nguyễn Như Hà, Đội K72, hơn 10 năm làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ nói: “Từ ngày tham gia nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ, tôi đã thấm trải bao gian nan. Mùa khô thì khan hiếm nước nên các chiến sĩ phải thường xuyên uống nước rừng, nhiều khi phải chắt chiu từng giọt nước đọng lại trong các khe suối, hốc đá, thân tre… để uống.

Tôi nhớ có lần anh em hành quân vào khu vực Brap So thuộc huyện Snuol, tỉnh Kratie. Nước ở đây tràn trề nhưng khổ nỗi đục ngầu như nước gạo, đun sôi cũng không trong, nấu cơm không chín. Trong hoàn cảnh ấy, anh em khát đến khô cổ, đợi mãi đến màn trời tối thui mới được đồng đội tiếp tế. Hôm đó cũng may chưa ai gặp nguy hiểm”.

z4545665653015_007e71c128cd3ff4a0856c54360ed2a6.jpg
Đội K72, đơn vị chuyên trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia

Còn Đại úy Cao Tiến Huỳnh, Đội K72, người chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm với hơn 12 năm làm nhiệm vụ cho hay, cứ mỗi lần xuất quân, với chiến sĩ Đội K72 hệt như một lần ra trận. Hành trang chất đầy súng đạn, cuốc xẻng, tăng võng, gạo và những đồ vật không thể thiếu cho việc cất bốc mộ liệt sĩ như: hương đèn, cồn rửa, túi đựng hài cốt...

Mặc dù được trang bị một số xe ô tô nhưng những chiếc xe này cũng chỉ di chuyển được trên những cung đường đồi dốc bình thường còn hiểm trở là anh em lại phải hành quân bộ, có khi hàng chục km băng rừng vượt suối cả mấy ngày trời, rồi đương đầu với đầy hiểm nguy nào là rắn rết, thú dữ, vắt, ve rừng, muỗi đến thời tiết nắng nóng, giông bão bất chợt ập tới.

“Có những lần lội bộ 3-4 ngày đường rừng, khi đi gần đến nơi thì lương thực đã cạn, nếu quay về lấy thì mất thời gian nên anh em lại động viên nhau ăn rau rừng hoặc bắt cá dưới sông suối, khe rạch làm bữa ăn lót bụng qua ngày. Mùa khô suối không có nước, phải cắt cây rừng tìm từng ngụm nước uống, dùng khăn ướt lau người” – đại úy Huỳnh nói.

z4545665595257_bf180c91d71b6033cfd7a4671ae1278b.jpg
An táng hài liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước

Còn thiếu tá Nguyễn Như Hà, ông vẫn nhớ như in cái lần tìm được hơn 10 hài cốt liệt sĩ ở khu vực Kô Đếch thuộc tỉnh Kratie. Theo nguồn tin báo về, tại đây có một ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Sau khi xác định chính xác nguồn tin, cả đội hành quân qua Campuchia. Đến khu vực Kô Đếch, xem lại tọa độ, ngôi mộ chung này là một bãi đất trống. Khoanh vùng xong, cả đội tập trung đào bới, tìm kiếm. Lần thứ nhất không thấy. Lần thứ hai cũng không. Lần thứ ba tiếp tục đào bới những chỗ nghi vấn và đến lần thứ tư vẫn không có kết quả. Mãi đến đợt 1 giai đoạn 10 mới tìm thấy phần mộ của các anh.

“Đáng nhớ nhất là những lần hành quân trong rừng gặp giông bão, tối không về kịp đành nán lại trong rừng. Đêm đến muỗi nhiều như ong, vắt lẩy bẩy kín đất, không anh em nào dám rời khỏi võng, “buồn” đến mấy cũng gượng mình nín. Những cơn sốt rét hành hạ đến tím tái thân người là chuyện thường xuyên. Gian nan là thế nhưng vì mệnh lệnh trái tim thôi thúc, vì nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của Tổ quốc giao phó, anh em đều bằng mọi giá vượt qua trên tinh thần và hy vọng sớm đưa các anh về lòng đất mẹ” – thiếu tá Nguyễn Như Hà chia sẻ.

Tình người nơi biên giới

Nhờ sự chung tay xây dựng, vun đắp của chính phủ 2 nước Việt Nam – Campuchia nói chung, Bình Phước và các tỉnh giáp biên nói riêng nên người dân hai bên biên giới sống chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau. Chính quyền địa phương 2 bên tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa mang tầm quốc gia, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Campuchia thêm bền chặt.

z4545665628766_7e571dbf4de44c190f099f8b23afb1be.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại biên giới Việt Nam - Campuchia tại Lễ kỷ niệm “45 năm con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20.6.1977-20.6.2022) ngày 20.6.2022

Già làng Điểu Nắng, 93 tuổi ở Sóc Ông Nắng, ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh cho biết, người đồng bào, chủ yếu là đồng bào dân tộc bản địa S’tiêng định cư tại đây từ sau giải phóng (1976) đến nay. Lúc đầu chỉ có vài ba hộ nhưng này đã có hơn 30 hộ dân sinh sống liền kề nhau. Trước đây bà con sống bằng nghề trồng lúa, ăn “lộc rừng” do đó cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau này bà con chuyển dần sang trồng điều, cao su, cây ăn trái nên đời sống đã tốt hơn.

“Trước đây thì khó gặp lắm, nhưng từ khi có lối mở, có kết nghĩa nên cũng được gặp nhau nhiều hơn, được giao lưu văn hoá với nhau nhiều hơn. Cuộc sống có lúc gặp khó khăn gì 2 bên cũng thường giúp đỡ cho nhau cả về ăn uống cũng như tinh thần. Sóc giờ cũng được lắm rồi, hộ nào cũng có cái ăn, cái để rồi. Già thấy vui lắm vì con cháu, bà con trong sóc chịu khó làm lụng, biết giúp nhau lúc khó khăn, lúc hoạn nạn, luôn che chở đùm bọc nhau và sống chan hòa với bà con Campuchia” – già Nắng nói.

z4545665648276_60b16813c65ac0fe1eb7cb1e094d69e3.jpg

Mới đây, tại buổi sơ kết 5 năm kết nghĩa giữa hai bên, ông Văn Von, Trưởng phum Coọc Tho Mo cho biết, vào các dịp lễ Sen Đôn Ta, Ok Om Bok, Tết Chool Chanam Thamây, bộ đội biên phòng thường sang tặng quà, giao lưu văn nghệ, thể thao và giúp bà con trong phum qua khám chữa bệnh, thăm hỏi người thân nên quan hệ giữa người dân hai biên giới thêm thắm thiết.

Trung tá Trịnh Văn Vũ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh cho biết, đơn vị được giao quản lý 16km đường biên giới giáp với xã Tuần Lung (huyện Mô Mốt, tỉnh Tbong Khmum). Đồng bào hai bên biên giới chủ yếu là người S’tiêng, Khmer, có quan hệ họ hàng, thân tộc. Để bà con qua lại thăm hỏi lẫn nhau, khám chữa bệnh, giao lưu văn hóa, năm 2014, lối mở Tuần Lung - Lộc Tấn hình thành. Đến năm 2018, đồn tham mưu UBND xã Lộc Thiện cho ấp Vườn Bưởi kết nghĩa với phum Coọc Tho Mo, xã Tuần Lung. Nhiều năm qua, chính quyền hai địa phương thường phối hợp tuyên truyền về phân giới cắm mốc, các văn bản pháp luật, hiệp định, nghị định chung giữa hai nước.

z4545665605034_9b7b4f6d659baaac4ee88591141b3060.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết, thời gian qua, Bình Phước tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia giữa hai nước như chuyến công tác của Thủ tướng Vương quốc Campuchia và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân sự kiện kỷ niệm 45 năm Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, tổ chức tại khu vực biên giới huyện Lộc Ninh vào trung tuần tháng 6.2022. Thủ tướng hai nước đã đến thăm bia lưu niệm tại khu vực X16 thuộc xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, điểm dừng chân đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng đồng đội 45 năm trước.

Thủ tướng hai nước đã trồng cây lưu niệm tại khu vực X16, là một trong các địa danh đáng nhớ nhất trong cuộc đời của Thủ tướng Hun Sen. Hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước; góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

z4545665619935_1e1cf4fb8229505085f755a09d2c90d7.jpg
Cán bộ Đồn Biên Phòng Bù Đốp thăm hỏi các hộ dân thuộc Điểm dân cư liền kề Đồn Biên Phòng Bù Đốp, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp

Cũng tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen một lần nữa khẳng định, coi trọng mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, cùng nhau thắt chặt, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu giữa hai dân tộc “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Theo Đội K72, đơn vị chuyên trách tìm kiếm hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước, tính đến nay, qua 22 giai đoạn, từ năm 2002-2023, đơn vị đã tìm kiếm, cất bốc trong nước và hồi hương từ nước bạn Campuchia được 3.423 bộ hài cốt liệt sĩ (có 235 mộ có tên và địa chỉ) hy sinh trong chiến tranh qua các thời kỳ tại các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức sống mới nơi biên giới Việt Nam – Campuchia