Thời gian gần đây hàng loạt phòng khám, bệnh viện tư nhân đã “đánh cắp” thương hiệu của các bệnh viện lớn nhằm trục lợi khiến các "chính chủ" gặp nhiều phiền phức. Mới đây, Bệnh viện Mắt Sài Gòn cũng đã rơi vào trường hợp tương tự và đã lên tiếng cảnh báo.

Bị 'đạo nhái' tên, các bệnh viện làm gì để bảo vệ thương hiệu?

Hồ Quang | 24/07/2023, 22:30

Thời gian gần đây hàng loạt phòng khám, bệnh viện tư nhân đã “đánh cắp” thương hiệu của các bệnh viện lớn nhằm trục lợi khiến các "chính chủ" gặp nhiều phiền phức. Mới đây, Bệnh viện Mắt Sài Gòn cũng đã rơi vào trường hợp tương tự và đã lên tiếng cảnh báo.

Theo phản ánh của Bệnh viện Mắt Sài Gòn, bệnh viện này hoàn toàn độc lập, không liên quan gì đến một Bệnh viện Mắt ở tỉnh Đồng Tháp (trực thuộc một công ty do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh này cấp phép) nhưng thương hiệu "Bệnh viện Mắt Sài Gòn" đang bị sử dụng trái luật, cố tình gây nhầm lẫn nhằm tư lợi.

Không chỉ có Bệnh viện Mắt Sài Gòn mà trước đó, nhiều thương hiệu trong lĩnh vực y tế khác cũng bị xâm phạm như: Viện Pasteur, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... để đặt tên cho các cơ sở y tế khác như: Thẩm mỹ Chợ Rẫy, Pasteur Clinic,… nhằm khiến bệnh nhân hiểu nhầm đây là cơ sở của những đơn vị trên.

Các cơ sở y tế tư nhân trên đã dùng chiêu trò này để lừa khách hàng, nhưng hiện nay, các đơn vị "chính chủ” của các thương hiệu này chỉ lên tiếng về việc mình bị mạo danh, chưa có đơn vị nào khởi kiện, hay buộc các cơ sở mạo danh phải gỡ bỏ, thay đổi tên gọi.

benh-vien-mat-sai-gon-dong-thap-co-xam-pham-ten-thuong-mai-hinh-anh-1.png
Luật sư Nguyễn Văn Hậu –Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) - Ảnh: PV

Đề cập đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu –Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) cho biết, việc các phòng khám, các bệnh viện “đạo nhái” thương hiệu các bệnh viện lớn bằng hình thức trên là hoàn toàn sai quy định, các bệnh viện lớn có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo luật sư Hậu, tên riêng của các bệnh viện, phòng khám nói riêng và của tổ chức, cá nhân dùng trong kinh doanh được Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022) quy định thuộc nhóm tên thương mại được bảo hộ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo định nghĩa của Luật Sở hữu trí tuệ thì tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Khu vực kinh doanh là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ, mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

“Như vậy, tình trạng các bệnh viện, cơ sở làm đẹp sử dụng tên riêng có dấu hiệu tương tự với các bệnh viện nổi tiếng khiến bệnh nhân hiểu nhầm là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại của các bệnh viện có danh tiếng”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

Vậy theo luật sư, việc một Bệnh viện Mắt ở Đồng Tháp đặt tên ná ná với Bệnh viện Mắt Sài Gòn thì có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ không?

Căn cứ điểm b Khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Ngoài ra, tại Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó.

Theo quy định pháp luật thì khi Bệnh viện Mắt Sài Gòn hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký tên thương mại thì sẽ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại đó. Các hành vi sử dụng tên tương tự gây nhầm lẫn của các bệnh viện thành lập sau là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

Điều đó có nghĩa Bệnh viện Mắt Sài Gòn có thể khởi kiện đối với bệnh viện đang vi phạm đối với tên thương mại?

Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.

Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại của mình, các bệnh viện có thể áp dụng các biện pháp tự bảo vệ được quy định, trong đó có khởi kiện dân sự. Thủ tục khởi kiện được thực hiện theo quy định tố tụng dân sự tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các bệnh viện bị xâm phạm quyền sở hữu đối với tên thương mại gửi đơn khởi kiện, cùng hồ sơ khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở của các cơ sở, bệnh viện sử dụng trái phép tên thương mại, nếu không biết địa chỉ trụ sở chính xác của các cơ sở này thì bên khởi kiện có thể yêu cầu tòa án nơi đặt trụ sở cuối cùng, hoặc nơi có tài sản của các cơ sở này thụ lý giải quyết.

Với các hành vi sai phạm trên của bệnh viện có hành vi xâm phạm tên thương mại, nếu bị khởi kiện ra tòa thì đơn vị này sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Trong trường hợp khởi kiện dân sự, khi xác định rõ các cơ sở này có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại của các bệnh viện danh tiếng, tòa án sẽ áp dụng các biện pháp dân sự được quy định tại Khoản 1 đến Khoản 4 Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ để xử lý cơ sở vi phạm: buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, việc sử dụng tên thương mại có dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với cơ sở, tổ chức khác hoạt động trước đã xâm phạm vào các quy định về đăng ký doanh nghiệp tại Điều 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Khi phát hiện tên thương mại của mình bị xâm phạm, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến Phòng đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên, doanh nghiệp cho phù hợp.

Ông nghĩ gì về các chiêu trò của những cơ sở y tế ra đời sau, đặt tên na ná hay chỉ thêm một từ ngữ, địa danh nào đó so với những cơ sở y tế đã có thương hiệu trước đó?

Tình trạng một số cơ sở y tế mới sử dụng tên thương mại, tương tự với các bệnh viện có danh tiếng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là xâm phạm quyền lợi của người dân.

Đây là chiêu trò của các cơ sở y tế dùng uy tín của các bệnh viện lớn để thu hút khách hàng. Trong số đó, không ít các cơ sở làm ăn gian dối, dùng chiêu trò để 'móc túi' khách hàng. Điều này đã làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, uy tín của bệnh viện, còn khách hàng có thể gặp các hệ lụy xấu về sức khỏe. Hiện nay, tình trạng nêu trên xảy ra ngày càng phổ biến, ngày càng có nhiều nạn nhân là các bệnh nhân khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế “giả mạo”.

Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của các cơ sở y tế, bệnh viện lớn cũng như quyền lợi của người dân thì các cơ sở y tế, bệnh viện lớn có thể đề nghị tổ chức, cá nhân vi phạm, chấm dứt hành vi, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định như: gửi văn bản cảnh báo, yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tại nơi phòng khám hoạt động xử lý vi phạm, khởi kiện tại tòa án…


Luật sư Đào Quang Huy - Ảnh: PV.

Theo luật sư Đào Quang Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì mặc dù có nhiều quy định của pháp luật về vấn đề này nhưng trên thực tế việc xử lý bên vi phạm là không hề đơn giản. Bởi lẽ, bên vi phạm đã được Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cấp giấy phép đăng ký hoạt động. 

Do đó điều đầu tiên là phải xem Bệnh viện Mắt Sài Gòn đã đăng ký tên và được bảo hộ hay chưa. Tiếp đó, nếu muốn nói bệnh viện ở Đồng Tháp vi phạm thì phải nêu rõ căn cứ nào cho thấy họ vi phạm như thế nào, tức phải có chứng cứ pháp lý cho thấy bệnh viện ở Đồng Tháp đã vi phạm pháp luật và phải có cơ quan có thẩm quyền việc kết luận việc vi phạm này bằng một kết luận giám định.

Thực tế hiện nay chỉ có Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) là tổ chức đủ chức năng kết luận một cá nhân hay tổ chức nào có vi phạm về sở hữu trí tuệ hay không. Do đó nếu chưa có kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ mà bên bị xâm phạm có kiện ra tòa án thì tòa cũng phải yêu cầu cơ quan này giám định rồi mới có căn cứ xét xử.

Do đó, trong các vụ kiện xâm phạm về sở hữu trí tuệ dạng này thì điều quan trọng nhất là phải có kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cho thấy bệnh viện ở Đồng Tháp đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Bệnh viện Mắt Sài Gòn.

Xin cảm ơn luật sư!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị 'đạo nhái' tên, các bệnh viện làm gì để bảo vệ thương hiệu?