Tuần trước, Nga và Trung Quốc bất ngờ thực hiện cuộc tuần tra chung trên không, trên vùng biển Nhật Bản. Họ muốn cả thế giới biết tình cảm dành cho nhau nhưng sự thật đó có phải mối "chân tình"? Bài viết của Dimitri Alexander Simes trên National Interest sẽ đưa ra một cách lý giải.
Ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu chững lại, quân đội Trung Quốc vẫn đang trên đà phát triển. Nhiều năm liền chi tiêu quân sự gia tăng nhờ được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế, đang giúp Trung Quốc bắt đầu thể hiện trong các công nghệ mới đi cùng với sự quyết đoán mới.
Bắc Kinh đã có những bước tiến rõ rệt trong khả năng phòng không, hải quân và tên lửa. Cho dù đó là đưa ra yêu sách đơn phương về lãnh hải ở Biển Đông hay mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, Trung Quốc đang bắt đầu gây ảnh hưởng quân sự ở nước ngoài và xa hơn nữa.
Nga nhìn nhận sự phát triển này như thế nào? Ngay cả khi Moscow và Bắc Kinh tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhiều chuyên gia phương Tây cảnh báo rằng Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự sẽ ngày càng trở thành một nguồn căng thẳng giữa hai nước.
National Interest đã nói chuyện với một số nhà phân tích quốc phòng Nga và các nhà “Trung Quốc học” ở Nga để hiểu rõ hơn cảm giác của Nga về sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.
"Tại thời điểm hiện tại, lợi ích quốc gia của Nga trùng với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Do đó, sự phát triển của lực lượng vũ trang và công nghệ quân sự Trung Quốc không gây lo ngại cho giới quân sự và chính trị của Nga", ông Yuri Tavrovsky, giáo sư tại Đại học Hữu nghị nhân dân Nga cho biết.
Tuy nhiên, Tavrovsky thừa nhận rằng vẫn có một số mức độ e ngại ở Moscow về việc Trung Quốc xây dựng quân đội. "Về lâu dài, Nga vẫn theo dõi sự thành công của Trung Quốc và không loại trừ bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra, bởi vì Nga chưa quên chuyện Bắc Kinh đã thay đổi chính sách đối ngoại từ năm 1950 đến thời kỳ cải cách dưới thời Đặng Tiểu Bình", ông nói.
Alexander Lukin, một học giả Trung Quốc tại Trường Đại học Kinh tế, bày tỏ một thái độ tương tự. “Theo tôi hiểu, điện Kremlin có sự nhận thức rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể đặt ra một thách thức, nhưng ngay bây giờ những mối lo này ít hơn nhiều so với những e ngại về phương Tây”, Lukin phát biểu.
"Nói một cách giả thuyết, nếu quan hệ với phương Tây tốt hơn, thì cách tiếp cận với Trung Quốc có lẽ sẽ khác", theo ông Lukin. "Tuy nhiên, vì mối quan hệ Nga – phương Tây không được tốt cho lắm và khó có thể trở nên hữu hảo, nên xu hướng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc sẽ tiếp tục".
Nhìn chung, các nhà phân tích Nga không coi sự tích tụ quân sự của Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp. Viktor Murakhovksy, chủ ấn phẩm Arsenal của tạp chí Tổ quốc, nói rằng những nỗ lực của Bắc Kinh rõ ràng là nhằm vào Washington chứ không phải Moscow.
"Nếu bạn nhìn vào chiến lược địa lý, Trung Quốc không quan tâm đến việc mở rộng theo hướng tiến về phía Nga. Thay vào đó, Trung Quốc đặt trọng tâm rất rõ ràng ở Biển Đông và xa hơn là ở khu vực Thái Bình Dương", ông nói. .
Nga và Trung Quốc chia sẻ mong muốn cân bằng với ảnh hưởng của Mỹ vốn đã định hình rất lớn. Do vậy, một số chuyên gia Nga thậm chí còn coi quân sự Trung Quốc mạnh lên là một phước lành tiềm năng cho Moscow. Chẳng hạn, Tavrovsky lập luận rằng Nga được hưởng lợi từ một Trung Quốc mạnh hơn có thể thách thức Mỹ hiệu quả hơn.
"Thay vì coi Nga là đối thủ chiến lược duy nhất của phương Tây như trước đây thì lúc này, chiến lược quốc phòng (của Mỹ) đã liệt kê hai đối thủ, hệ quả là các nguồn lực quân sự của Mỹ và phương Tây được phân bổ cho hai quốc gia", Tavrovsky nhận định và lưu ý rằng Mỹ ngày càng tăng coi trọng việc kiềm chế Trung Quốc thì sẽ càng giảm bớt áp lực đối với Nga.
Tại Washington, ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách và phân tích lo ngại về tham vọng quân sự toàn cầu của Bắc Kinh. Ngược lại, tại Moscow, Trung Quốc được ca ngợi là một cường quốc quân sự có trách nhiệm và ít tham vọng.
"Cho đến nay, Trung Quốc đang cư xử theo cách rất hạn chế", ông Lukin nói. Ông Lukin lập luận rằng với nguồn tài chính hiện tại của mình, Bắc Kinh có thể lập nhiều căn cứ ở nước ngoài nếu họ muốn. Dấu chân quân sự của Trung Quốc trên toàn cầu vẫn còn nhỏ là bằng chứng cho Lukin tin rằng người Trung Quốc quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề kinh tế, hơn là mở rộng ảnh hưởng quân sự ra nước ngoài.
Lukin thừa nhận rằng với lợi ích kinh tế toàn cầu gắn kết, Trung Quốc có thể sẽ ngày càng dựa vào lực lượng quân sự để bảo vệ những lợi ích đó. Nhưng ông khẳng định , ngay cả khi Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động quân sự, phải mất một trăm năm trước khi có thể so sánh với Mỹ.
Hơn nữa, ônhojLukin nhấn mạnh rằng ngay cả một Trung Quốc hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn cũng ít đe dọa Nga hơn phương Tây bởi vì chính sách đối ngoại của Bắc Kinh mang ít tính chất ý thức hệ hơn Washington.
"Chúng tôi biết rằng Mỹ đánh bom các nước khác bởi vì đó là các nước họ không thích, vì Mỹ muốn cài đặt nền dân chủ trên toàn thế giới", ông Lukin nói. Còn Trung Quốc không muốn cài đặt Nho giáo hay ý thức hệ của họ vào Nga.
(kỳ sau và cuối: Nga chơi dao hai lưỡi khi bán vũ khí tối tân cho Trung Quốc)
Reuters trích lời Bộ Quốc phòng Nga hôm 23.7 tuyên bố không quân nước này vừa lần đầu tiên tiến hành tuần tra tầm xa trên không cùng với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định máy bay của cả Nga và Trung Quốc không xâm phạm không phận của bất cứ quốc gia nào, đồng thời tuyên bố hoạt động tuần tra chung không nhằm đe dọa bất cứ bên liên quan nào trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ "không biết tình hình cụ thể" nhưng cho rằng từ "xâm nhập" nên được sử dụng một cách thận trọng.
Cần phải nói là khu vực hoạt động của máy bay Trung Quốc và Nga nằm ở biển Nhật Bản là nơi vốn chỉ có tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc chứ không phải là khu vực có vấn đề với Nga hay Trung Quốc. Trung Quốc và Nga không có phần gì ở đây nhưng họ vẫn tới đó không mục đích gì khác là cho thế giới biết 2 nước đang rất gần gũi với nhau.
Anh Tú