Dù được đưa vào ở khu tái định cư, nhưng do thiếu đất sản xuất, không việc làm ổn định nên hàng trăm hộ dân xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có cuộc sống khó khăn. Nhiều hộ chọn cách bán suất tái định cư của mình để tìm nơi ở mới.
Dọc tuyến đường dài qua địa bàn 4 ấp Ô Rô, Rạch Gốc, Nhà Diệu và Dinh Hạn, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển có hàng trăm căn nhà tiền chế thuộc khu tái định cư CWPD (dự án tái định cư do Chính phủ Hà Lan tài trợ) để di dời người dân sống ven rừng, mé biển, cửa biển... vào ở ổn định. Tuy nhiên, dự án CWPD đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.
Những căn nhà xơ xác, hoang tàn, vắng bóng người, có căn người dân xịt sơn ghi dòng chữ “bán nhà” kèm theo số điện thoại liên hệ; xung quanh cỏ cây mọc um tùm, thiếu sức sống… là hình ảnh dễ thấy khi chúng tôi tìm đến khu tái định cư này. Đây là được xem là “xóm ngụ cư” nghèo nhất xã Tân Ân. Gọi là “xóm ngụ cư” vì đa phần những hộ dân thuộc diện tái định cư ở đây không phải là người địa phương mà họ được di dời từ nhiều nơi khác đến sinh sống.
Vạch lớp cây dại mọc um tùm để tìm lối vào một căn nhà hoang ở khu tái định cư CWPD, anh Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ phụ trách khuyến nông xã Tân Ân thở dài: “Giao nhà, giao đất nhưng không hỗ trợ tư liệu sản xuất, không có mô hình kinh tế để bà con làm ăn thì làm sao mang lại hiệu quả”.
Anh Tuấn là cán bộ xã Tân Ân đã hơn 10 năm nên nắm rất rõ cuộc sống người dân địa phương. “Nơi ở cũ, thay vì không có nhà mà làm có tiền, còn ở đây (khu tái định cư) có nhà cửa đàng hoàng mà làm không ra tiền thì đâu ai chịu vậy, nên đa phần bà con chọn cách có tiền để sống trước, còn nhà cửa tính sau, chứ vô đây ở mà đói thì không chịu được”, anh Tuấn nói.
Đồng thời anh Tuấn cho biết thêm, người dân xã Tân Ân quen gọi những căn nhà ở khu tái định cư CWPD là nhà Hà Lan hay nhà Tầm Nhìn để dễ phân biệt với các khu vực dân cư khác của địa phương, bởi đây là dự án tái định cư đầu tiên của xã được nước ngoài tài trợ.
Anh Phạm Văn Tum, người thuê căn nhà thuộc dự án CWPD ở ấp Ô Rô, xã Tân Ân sinh sống để làm nghề đi biển từ nhiều tháng qua, cho biết: “Căn nhà này được tôi thuê lại của chủ nhà với giá 800.000 đồng/tháng. Chủ nhà họ không ở nên mình thuê, xóm này nhiều người thuê lắm. Chủ yếu thuê ở để đi biển. Mấy hôm nay chân đau, không ra biển được nên tôi ở nhà”, anh Tum nói.
Theo anh Tum, năm nay mùa màng thất nên thu nhập nghề biển cũng bấp bênh. Gần đây, vào mùa lưới đáy, mỗi ngày ra biển, anh Tum kiếm được khoảng 600.000 đồng nên cũng đủ trang trải cuộc sống. Nguồn thu nhập của anh Tum không ổn định, nay nhiều mai ít.
Ông Lý Bông, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Ân, là hộ gốc ngụ ấp Ô Rô cho hay mục đích của dự án là tái định cư cho người dân sống ở khu vực ven biển, bãi bồi, ven rừng phòng hộ. Theo ông Bông, ấp Ô Rô có khoảng 50 hộ được di dời từ các nơi về sinh sống nhưng hiện nay, chỉ còn lại hơn 2 chục hộ bám trụ, số còn lại phần do cuộc sống khó khăn, phần thiếu đất sản xuất nên đã sang bán đi nơi khác để tìm kế sinh nhai.
“Có hộ di dời từ khu vực ven biển ở xã Đất Mũi về đây nhận nhà rồi bán, sau đó trở lại nơi cũ sống. Đa số những hộ còn ở lại đều thuộc diện nghèo, chủ yếu làm thuê làm mướn. Vài hộ được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn mua ngư cụ đánh bắt cá khoai, nhưng thu nhập cũng bấp bênh. Ấp Ô Rô có khoảng 22 hộ nghèo nhưng có hơn 40% là hộ sống ở khu tái định cư CWPD”, ông Lý Bông cho biết.
Mỗi lần nhắc đến khu tái định cư CWPD là ông Nguyễn Tương Lai, Trưởng ấp Rạch Gốc không khỏi chạnh lòng bởi tính hiệu quả của khu dân cư này không giúp được người dân an cư. “Dự án CWPD không mang lại hiệu quả, chỉ giúp dân có chỗ ở, mà không hỗ trợ sinh kế thì bà con không bám trụ. Nhiều trường hợp đến nhận nhà rồi bán đi nơi khác để tìm việc làm, kiếm thu nhập. Trong số những người đến nhận nhà, có người thuộc diện “nhà 2 nóc”, ông Lai kể.
Rồi ông lý giải, “nhà 2 nóc” nghĩa là họ thuộc diện tái định cư ở đây, nhưng lại có nhà ở địa phương khác. “Hồi đó, những trường hợp này từ địa phương khác đến dựng chòi ở khu vực ven biển để làm ăn. Khi nhà nước có chủ trương di dời nơi ở, cán bộ đi khảo sát, thống kê danh sách ai ở ven biển, khu vực rừng phòng hộ thì ghi tên, chứ đâu biết là sẽ bố trí tái định cư. Còn người khai thì giấu chuyện mình có nhà ở quê, từ đó dẫn tới việc người thuộc diện tái định cư nhưng có nhà ở ổn định tại địa phương khác”, ông Lai cho hay.
Theo ông Lai, khi kết thúc dự án, phía Hà Lan không còn tài trợ nên dự án xem như phá sản. “Ở nơi cũ thì bà con có việc làm, có thu nhập, còn khi vào đây ở, bà con đâu biết làm gì mà kiếm tiền. Vì vậy, họ ở không được nên có người bán nhà tìm về chỗ cũ hoặc lên các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM… tìm việc làm. Hiện tại, ấp Rạch Gốc còn khoảng hơn chục hộ dân thuộc diện tái định cư, cuộc sống chủ yếu từ làm thuê, làm mướn”.
Anh Mai Thanh Lâm, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Dinh Hạn cho hay ấp có khoảng 80 hộ dân được di dời về khu tái định cư CWPD, hiện trên địa bàn ấp còn khoảng hơn 50% hộ bám trụ. “Số hộ di dời từ khu vực xã Đất Mũi về đây, do lạ chỗ và không có công ăn chuyện làm nên đa phần bán nhà để tìm nơi khác sinh sống. Riêng những hộ được di dời từ rừng phòng hộ, chủ yếu kiếm sống bằng việc bắt ốc, bắt ba khía ngoài rừng nước nên họ gắn bó cho đến nay”, anh Lâm nói.
Ông Trịnh Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho biết khu tái định cư CWPD chính thức đưa dân vào ở từ năm 2002. Ban đầu, xã có 311 hộ dân nhận tái định cư, hiện nay chỉ còn khoảng 180 hộ còn ở lại, đời sống chủ yếu là làm thuê. Toàn xã có 73 hộ nghèo, 32 hộ cận nghèo thì ở khu tái định cư CWPD đã chiếm đến 11 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo.
“Khu tái định cư có 311 căn nhà bố trí cho hộ dân di dời. Đối tượng di dời là người sống ở khu vực ven biển, ven rừng, cửa biển ở các xã Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông, Tân Ân... của huyện Ngọc Hiển. Khi tái định cư, người dân được hỗ trợ nhà ở và con giống để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm đưa vào hoạt động, khu tái định cư CWPD đã không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên do người dân không có đất để phát triển sản xuất và cuộc sống chủ yếu vẫn là làm thuê làm mướn”, ông Trung nói.