Mới đây, một số hộ dân tại một ấp ở TP.Cà Mau (Cà Mau) phản ánh việc hóa đơn tiền nước tăng đột biến do công ty cấp nước cộng dồn lượng nước tiêu thụ trong nhiều tháng. Trong khi đó, với số nước vượt ngoài định mức thì công ty tính đơn giá cao hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.

Cà Mau: Người dân bức xúc vì hóa đơn tiền nước tăng đột biến

Trần Khải | 25/10/2023, 18:30

Mới đây, một số hộ dân tại một ấp ở TP.Cà Mau (Cà Mau) phản ánh việc hóa đơn tiền nước tăng đột biến do công ty cấp nước cộng dồn lượng nước tiêu thụ trong nhiều tháng. Trong khi đó, với số nước vượt ngoài định mức thì công ty tính đơn giá cao hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.

Ngày 25.10, một số hộ dân ở ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau phản ánh với phóng viên Một Thế Giới về việc nhân viên của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau (Trung tâm NSVSMTNT Cà Mau) cộng dồn lượng nước tiêu thụ nhiều tháng của gia đình trong hóa đơn, làm chênh lệch số tiền sử dụng nước, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khách hàng.

tt(1).jpg
Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau - Ảnh: Trần Khải

Cụ thể, theo người dân phản ánh, hóa đơn giá trị gia tăng của Trung tâm NSVSMTNT Cà Mau (bản thể hiện hóa đơn điện tử) cung cấp cho khách hàng không nhất quán, gián đoạn nhiều kỳ; chỉ số tiêu thụ nước của khách hàng từ nhiều tháng trước lại được đơn vị cộng dồn vào tháng mới. Điều này khiến cho chỉ số tiêu thụ nước của khách hàng tăng đột biến, số tiền phải thanh toán tăng cao.

Đơn cử là trường hợp của hộ ông Trần Văn Hoàng, ngụ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau. Hóa đơn tiền nước của gia đình ông ở kỳ tháng 6.2023 có chỉ số tiêu thụ cũ là 335m3 và chỉ số mới là 362m3. Với khối lượng tiêu thụ là 27m3, số tiền ông Hoàng phải đóng là hơn 192.000 đồng (bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng). Đây cũng là mức tiêu thụ thường kỳ trước đó của hộ dân này.

Tuy nhiên, trong 2 kỳ kế tiếp là tháng 7 và 8, nhân viên của Trung tâm NSVSMTNT Cà Mau không đi thu tiền hoặc khách hàng nợ nên đến kỳ thanh toán tháng 9, hóa đơn tiền nước của hộ ông Hoàng đã tăng gần gấp 3 lần so với các tháng trước. 

Cụ thể, Trung tâm NSVSMTNT Cà Mau đã lấy chỉ số tiêu thụ mới của khách hàng trong kỳ tháng 6 làm chỉ số tiêu thụ cũ ở tháng 9. Tức ở kỳ tháng 7 và 8, đơn vị này không xuất hóa đơn nhưng lại cộng dồn lượng tiêu thụ nước của khách hàng vào hóa đơn tháng 9, khiến khối lượng tiêu thụ tăng lên đến 70m3.

Theo cách tính của đơn vị này, khách hàng sử dụng 10m3 đầu tiên sẽ được tính với mức giá là 5.750 đồng/m3; 10m3 tiếp theo là 7.100 đồng/m3; 10m3 kế tiếp là 7.900 đồng/m3. Sau 30m3 đầu được áp dụng theo cách tính trên thì mỗi m3 tiêu thụ sau đó sẽ được tính cùng mức giá là 8.650 đồng/m3. Với cách tính này, ở kỳ tháng 9, hộ ông Hoàng tiêu thụ 70m3 và số tiền phải trả hơn 581.000 đồng (bao gồm phí 5% thuế giá trị gia tăng). Như vậy, số nước vượt ngoài định mức được công ty tính đơn giá cao hơn, rất thiệt cho người dân.

1...jpg
1..jpg
Hóa đơn tiền nước của hộ ông Hoàng trong tháng 6 và tháng 9.2023

Ngoài gia đình ông Hoàng, trong tuyến đường nước này nhiều hộ cũng rơi vào tình trạng tương tự, ví dụ như gia đình chị Nguyễn Thúy Như. Theo đó, ở kỳ thanh toán tháng 6, chỉ số tiêu thụ nước cũ của gia đình chị Như là 948m3 và chỉ số mới là 977m3. Tuy nhiên, ở kỳ tháng 7, nhân viên của Trung tâm NSVSMTNT Cà Mau không đến thu tiền. Đến kỳ tháng 8 thì đơn vị trên lấy chỉ số tiêu thụ mới của tháng 6 làm mốc để tính vào hóa đơn kỳ này.

“Tình trạng tiền nước tăng đột biến thỉnh thoảng có xảy ra. Lâu nay ở vùng nông thôn, người dân ít quan tâm đến vấn đề này lắm. Khi thấy tiền nước tăng thì phản ứng với nhân viên thu tiền vài lời, rồi chấp nhận đóng tiền cho xong. Chúng tôi tin hóa đơn điện tử là đúng chứ đâu có nghĩ họ cộng dồn như vậy khiến quyền lợi của mình bị ảnh hưởng”, chị Như cho biết. 

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, một lãnh đạo cấp phòng của Trung tâm NSVSMTNT Cà Mau cho biết, ông chưa nhận được phản ánh của khách hàng về sự việc trên. Tuy nhiên, ông nói: “Chúng tôi sẽ thành lập đoàn tiến hành xác minh để tìm hiểu nguyên nhân, quyết không để quyền lợi khách hàng bị ảnh hưởng”.

Vị này cũng khẳng định đồng hồ nước và máy in hóa đơn cấp cho nhân viên khi thu tiền đều được kiểm định chất lượng nên không có sự việc gian lận.

Bài liên quan
Chùm ảnh: Cận cảnh khô hạn ở vùng ngọt Cà Mau
Do tác động của biến đổi khí hậu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán như thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún đất... làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Người dân bức xúc vì hóa đơn tiền nước tăng đột biến