Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết như trên tại Tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Ứng phó biến đổi khí hậu - xu hướng mới cho doanh nghiệp
Tại Tọa đàm “Tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) cho biết cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, trước đây chỉ là đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu, còn bây giờ liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế, đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia có giá trị phụ thuộc vào xuất khẩu rất lớn, nhiều hàng xuất khẩu.
“Các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải ròng bằng 0, cam kết về giảm phát thải metan toàn cầu hay là cam kết liên quan đến chấm dứt tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới,… đó là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu”, ông Linh nhấn mạnh và lấy ví dụ về cam kết liên quan đến phát thải ròng bằng 0, một số thị trường lớn như châu Âu đã đề cập những quy định liên quan đến dấu vết carbon, chuyển dịch năng lượng.
Ngành dệt may của Việt Nam trong thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang Bangladesh vì quốc gia này đã chuyển dịch năng lượng theo hướng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và ít phát thải hơn.
Hay liên quan đến cam kết vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa hạn chế phá rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam - một quốc gia có lượng cà phê cũng như ca cao xuất khẩu rất nhiều. Ngoài ra, gần đây, trong cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của Liên minh châu Âu có 5 mặt hàng chính, trong đó có những mặt hàng liên quan đến phân bón, xi măng, sắt, thép,… sẽ bị điều chỉnh về carbon và đánh thuế carbon…
Ông Hoàng Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, xu thế về hàng hóa hay dịch vụ carbon thấp là xu thế không thể đảo ngược và các DN cũng nhìn nhận đây là một cơ hội rất là lớn. Tuy nhiên, cơ hội lớn thì lại dành cho những DN có tầm nhìn dài hạn và có những đầu tư thích đáng cho việc chuyển đổi. Bởi vì khi có đầu tư thì DN sẽ đi đúng theo xu thế chung của toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn như là EU hoặc Mỹ.
“Khi tiếp cận thị trường, những DN tiên phong sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và sẽ có một con đường đi rất thuận lợi. Nhưng ngược lại những DN còn chưa nhìn nhận được điều đó, vẫn để lại dấu vết carbon quá nhiều trong hàng hóa, sản phẩm thì sản phẩm, hàng hóa đó sẽ không thể tiếp cận thị trường một cách dễ dàng và sẽ mất đi cơ hội phát triển. Cơ hội này nếu không chớp lấy, thì sẽ dành cho những DN có tính tiên phong và sẵn sàng đầu tư”, ông Tâm chia sẻ.
DN cần xác định lộ trình và cách thức chuyển đổi
“Đã có nhiều DN, đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài và các DN liên danh đã có nhận thức rất tốt và có sự chủ động về lộ trình và tầm nhìn những quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Chính vì vậy, mặc dù Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KKK) và kiểm kê khí nhà kính, tuy nhiên họ cũng đã chủ động thực hiện và rất hưởng ứng với những quy định mới của Bộ Công Thương, đặc biệt là những DN phát thải lớn và những DN đã và đang chịu sự tác động của cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới, cơ chế CBAM” - ông Hoàng Văn Tâm thông tin.
Ông Tâm dẫn chứng về những tập đoàn thời trang, dệt may lớn trên toàn cầu cũng đặt ra những mục tiêu, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và bắt buộc những chuỗi cung ứng đặt ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng phải tuân thủ những quy định của họ, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc xây dựng báo cáo phát thải khí nhà kính, tính toán dấu vết phát thải carbon trong cái chuỗi sản xuất, cung ứng của họ.
Đây là những vấn đề mà Bộ Công Thương cũng chủ động triển khai rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để giúp cho cộng đồng DN sớm nhận thức những cơ hội và những thách thức trong quá trình phát triển và trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bộ Công Thương cho biết đã và đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cho DN từng bước tuân thủ và thực hiện được những biện pháp về giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Hoàng Văn Tâm cho biết thêm bắt đầu từ 2025, DN phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính, trong đó dự kiến Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính vào tháng 11.2023.
Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho DN thực hành tốt những quy định về kiểm soát phát thải khí nhà kính, tính toán được dấu vết carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng
Bộ Công Thương đã và đang triển khai một loạt những nghiên cứu do các tổ chức quốc tế hỗ trợ để xây dựng những danh mục, các công nghệ phát thải carbon thấp giúp cho DN của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt của ngành Công Thương có được thông tin về nguồn, về các loại công nghệ mới nhất hiện nay ở trên thế giới và khả năng thích ứng đưa vào trong điều kiện của Việt Nam
Bộ Công Thương sẽ trình cấp có thẩm quyền những cơ chế chính sách, đồng hành cùng DN để giúp DN sớm hội nhập được vào tiến trình phát thải carbon thấp và tận dụng được nhiều cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển.
Về phía DN, trong quá trình chuyển đổi đáp ứng các yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Sỹ Linh cũng khuyến nghị các DN Việt Nam nên xác định lộ trình và cách thức chuyển đổi. Đối với DN sản xuất tiêu hao, sử dụng năng lượng nhiều cần chuyển hướng vừa sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vừa chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng…
“Đối với DN sản xuất trong nước, không phải là DN sản xuất tiêu dùng năng lượng nhiều nhưng lại ở khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu cần chuyển đổi các mô hình sản xuất, quy trình sản xuất và xây dựng cơ sở, nhà xưởng,… dễ dàng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Sỹ Linh khuyến nghị.