Cứ mỗi khi đến kỳ thi đấu của các tuyển QG lại thấy ít nhất vài ba ngôi sao trở về CLB với đôi chân tập tễnh. Tất nhiên không phải chỉ vì họ “quá đen”.

Tại sao Marco Reus và Robben hay chấn thương khi lên tuyển?

Một Thế Giới | 08/09/2015, 08:00

Cứ mỗi khi đến kỳ thi đấu của các tuyển QG lại thấy ít nhất vài ba ngôi sao trở về CLB với đôi chân tập tễnh. Tất nhiên không phải chỉ vì họ “quá đen”.

Tuyển QG bị gọi là Virus vì hay gây chấn thương
Trước kia, bóng đá quốc tế là cơ hội để các CLB tuyển trạch cầu thủ. Thứ nhất là vì những cầu thủ trên tuyển đều là những ngôi sao hàng đầu. Thứ hai là vì có nhiều cầu thủ bộc lộ những phẩm chất mà chỉ có trên tuyển, chẳng hạn như khả năng thích nghi nhanh với chiến thuật hoàn toàn mới.

Tuy nhiên ngày nay với sự hiện đại hóa của hệ thống tuyển trạch, bóng đá Tuyển Quốc gia (QG) không còn nhiều hấp dẫn với các CLB. Ngược lại, nó mang lại nỗi lo ngay ngáy về rủi ro chấn thương, đến nỗi bị ví như một thứ virus dịch bệnh. Đã từng có trường hợp các CLB lập hội đồng không chính thức để gây sức ép cho tuyển QG, yêu cầu tuyển QG phải bảo đảm cho sức khỏe cầu thủ - như ở giải Ngoại Hạng Anh. Hợp đồng giữa các cầu thủ và CLB là hợp đồng kinh tế giấy trắng mực đen, khác với “nghĩa vụ quốc gia” trừu tượng của các cầu thủ trên tuyển. Vì thế ở trường hợp ngược lại, tuyển QG ít khi phàn nàn nếu CLB làm mất cầu thủ của họ vì chấn thương (trừ khi giả chấn thương).

Tuần qua, “như thường lệ” nhiều ngôi sao đã dính chấn thương khi làm việc ở tuyển. Dortmund dính ba cầu thủ, gồm tiền đạo Aubameyang, tiền vệ Marco Reus và hậu vệ biên Piszczek. Robben (Hà Lan – Bayern) cũng dính chấn thương chỉ sau 30 phút trong trận gặp Iceland. Nabil Fekir – ngôi sao đang lên của Pháp và Lyon – còn “đen” hơn khi đứt dây chằng và nghỉ đến nửa năm – kèm theo bao nhiêu đe dọa về phong độ tương lai. Các CĐV các CLB này “sốt xình xịch” vì thấy trụ cột của mình vào viện. Một số CĐV thì bực tức với các tuyển QG, hoặc than trời than đất vì vận rủi. Marco Reus là một điển hình của “vận rủi” này: cứ lên tuyển là chấn thương.
Reus chan thuong, Ban gai Marco Reus, Reus bo lo Euro, Robben chan thuong, Tinh hinh chan thuong
Robben được gọi là đôi chân pha lê khi là mục tiêu của những pha phạm lỗi. Ảnh: Guardian
Chấn thương không phải là vì "quá đen"
Tất nhiên việc gì cũng có lý do của nó. Ta không thể thấy Nabil Fekir tự xin ra khỏi sân trong khi trước đó không hề có va chạm mà lại bảo anh “tự chấn thương” vì một ma thuật nào đó được. Đã là cầu thủ thì bất kể anh chơi ở vị trí nào, anh cứ ra sân (cả thi đấu và tập luyện) là nhìn thấy nguy cơ chấn thương của mình. Tuy nhiên có một vài vị trí dễ chấn thương hơn cả, thường là những vị trí đòi hỏi “hoạt động rộng” như một tiền đạo cánh – một dạng nửa tiền vệ, hay tiền vệ quét trụ. Chạy nhiều, va chạm nhiều kèm với những bài tập phức tạp tiềm ẩn nguy cơ nằm sân cao.
Chấn thương có thể xảy ra mà không cần một pha va chạm trực tiếp: bản chất của nó là một sự tích lũy. Nguyên nhân gốc là các cơ bị quá tải, nhưng sự đau đớn chỉ là một triệu chứng đến muộn. Thông thường các cầu thủ khi đau đớn được giúp đỡ bởi các bình xịt. Bình xịt này không phải là thần dược gì cả, chỉ là một số khí hóa lỏng ở nhiệt độ thấp, giúp chống tụ máu, tím bầm, đau nhức – tức là làm chậm vết thương. Cầu thủ có dấu hiệu chấn thương cần được chăm sóc ngay, bất kể là trên sân đang diễn ra chuyện gì. Về điểm này thì bác sỹ Eva Carneiro của Chelsea đã đúng.  
Nguyên nhân chính: độ chênh trong tư duy chiến thuật của CLB và tuyển
Marco Reus hay Piszcek (cả Robben và Fekir – những cầu thủ đa vai trò) đã chấn thương liên miên ở CLB chứ không riêng gì tuyển. Nhưng điều đó không có nghĩa là tuyển QG “vô tội”. Sự khác biệt trong hệ thống chiến thuật – lối chơi của tuyển và CLB là nguyên nhân hàng đầu. Reus và các cầu thủ Dortmund tạo ra cảm giác “hoạt động rộng” chẳng qua là vì hệ thống di chuyển của Dortmund yêu cầu như vậy. Mỗi bước chạy của Reus ở Dortmund là một sự dịch chuyển của cả cỗ máy: có lúc là sự xoay vần của hình tam giác Reus – Kagawa – Mkhitaryan, có lúc là để hút người tạo khoảng trống. Và chuyện Piszcek có khoảng trống dâng lên là thành quả phối hợp của cả đội, chứ không phải chỉ do mình anh thích cưỡi mây về gió.

Lên tuyển QG nghĩa là bạn đã tách khỏi hệ thống. Đội ngũ Huấn luyện trên tuyển sẽ định nghĩa lại bạn dựa trên quan sát phong cách. Chẳng hạn Marco Reus là một cầu thủ được miêu tả với vỏn vẹn vài cụm từ “kỹ thuật, hoạt động rộng, nguy hiểm khi chạy chéo góc”. Với cái mác là một cầu thủ “hoạt động rộng”, Reus dễ dàng bị đặt vào vị trí đòi hỏi yếu tố đó. Tình hình sẽ thật khác khi Reus là một tiền vệ công cổ điển, với vai trò cá nhân được nhấn mạnh – hơn là hệ thống, và trở thành mục tiêu của va chạm. Robben cũng vậy, sở dĩ ở Bayern anh dám đi bóng qua vài người vì đội bóng của anh đã ép đối phương vào tình thế rất khó phạm lỗi. Ngược lại, ở Chelsea trước kia hay Hà Lan bây giờ, anh sẽ gặp nguy cơ chấn thương cao hơn.

Tư duy bóng đá của CLB bao giờ cũng vượt xa tuyển QG. Đơn giản là vì CLB là một mô hình đào tạo – sản xuất lối chơi, trong khi tuyển QG chỉ dựa trên việc gom nhặt cầu thủ để ghép vào lý thuyết có sẵn và truyền thống của nền bóng đá. Các CLB – đặc biệt ở Bundesliga – đổi mới rất mạnh trong lý thuyết bóng đá khi giờ đây họ nhấn mạnh vai trò của cầu thủ trong các trường hợp cụ thể nhiều hơn là vị trí “cứng” của anh trong sơ đồ chiến thuật.

Bạn có thể làm như vậy ở tuyển QG không? Không. Bạn không có thời gian, không có sự liên tục trong tập luyện và thi đấu, bạn đầy rẫy sự nghi ngờ về tương lai của mình khi “không ai hiểu mình” và hơn nữa, chỉ cần không bắt kịp xu thế phát triển của cầu thủ trẻ trong nước là bạn cũng đủ bị đuổi việc. Rồi bạn sẽ đi đến chỗ kiếm cho mình một lối chơi có sẵn trong sách, cải biên đi một chút, rồi gọi những cầu thủ “giỏi nhất đất nước”, bắt họ thích nghi và làm họ chấn thương!

Đức Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Marco Reus và Robben hay chấn thương khi lên tuyển?