Moscow liên tiếp gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Nam Caucasus, trong khi Ankara lại dường như tỏ ra lơ là với nhiệm vụ thống lĩnh của mình. Điều đó khiến Washington phải có những điều chỉnh nhằm tránh để mất sự kiểm soát với khu vực chiến lược này.

Tại sao Mỹ gia tăng khuấy động tại khu vực sân sau của Nga?

31/07/2017, 14:28

Moscow liên tiếp gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Nam Caucasus, trong khi Ankara lại dường như tỏ ra lơ là với nhiệm vụ thống lĩnh của mình. Điều đó khiến Washington phải có những điều chỉnh nhằm tránh để mất sự kiểm soát với khu vực chiến lược này.

Cuộc tập trận Noble Partner 2017 - Đối tác cao quý 2017 tại Gruzia

Mỹ cùng đồng minh tạo ảnh hưởng đến vùng Nam Caucasus

Reuters ngày 30.7 đưa tin, quân đội Gruzia cùng quân đội Mỹ và nhiều nước đối tác khác đã bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên “Noble Partner 2017 - Đối tác cao quý 2017”. Cuộc tập trận diễn ra chỉ một ngày trước chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tới Gruzia.

Khoảng 2.800 binh lính Mỹ, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Slovenia, Armenia và Gruzia đã tham gia cuộc tập trận.

Washington đã điều một số xe chiến đấu Bradley và xe tăng chiến đấu M1A2 Abrams phục vụ cho cuộc tập trận quy mô lớn này.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili nhận định cuộc tập trận là một sự kiện quan trọng đối với Gruzia. "Các bài tập sẽ giúp cho Gruzia tiệm cận được các tiêu chuẩn của NATO và giúp tăng cường sự ổn định trong toàn khu vực Nam Caucasus".

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Levan Izoria thì cho biết quy mô cuộc tập trận này là “chưa từng có tiền lệ”, và với sự kiện này đã cho thấy sự ủng hộ của các nước thành viên NATO dành cho Gruzia. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài tới ngày 12.8 tới.

Đây cũng là lần thứ 3 cuộc tập trận "Noble Partner" diễn ra ở Gruzia. Những lần trước Moscow luôn đưa ra cảnh báo các cuộc tập trận "Noble Partner" diễn ra ở Gruzia có thể gây bất ổn cho khu vực Nam Caucasus – vốn được xem là sân sau của Nga, tuy nhiên năm nay Nga chưa đưa ra bình luận nào.

Washington được cho là đã đề phòng phản ứng của Moscow. Vì vậy, Đại sứ Mỹ tại Gruzia Ian Kelly đã lên tiếng trấn an: "Bài tập không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào mà chỉ nhằm giúp Gruzia tăng cường khả năng hợp tác trong các hoạt động quốc tế", theo Reuters.

Mặc dù vậy, với quy mô cuộc tập trận lớn chưa từng có tại khu vực nhạy cảm giữa Nga với phương Tây, giới phân tích đã đặt câu hỏi về mục đích của Washington và các đồng minh, bởi lẽ vùng Nam Caucasus vốn được Mỹ và NATO trao cho Thổ Nhĩ Kỳ vai trò thống lĩnh tại khu vực này.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến thăm được cho là nhằm định hình lại các mối quan hệ của Mỹ tại vùng Nam Caucasus

Cũng nên nhắc lại rằng, trong hội thảo tại thủ đô Tbilisi diễn ra từ ngày 3.4 đến ngày 6.4.2001, NATO đã ủng hộ việc thành lập Liên minh vùng Nam Caucasus (SCA) gồm Gruzia, Azerbaijan, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Ankara sẽ đóng vai trò chủ chốt.

Giới chuyên gia của NATO nhận định, vào cuối thế kỷ 20, các quốc gia mới của vùng Nam Caucasus gồm Azerbaijan, Armenia và Gruzia đã rơi vào giai đoạn khủng hoảng cơ cấu nghiêm trọng. Với không gian địa chính trị và có lịch sử kinh tế chung, các nước này sẽ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng và hội nhập với cộng đồng thế giới nếu họ đứng trong cùng một liên minh.

Và điều đó đã thành hiện thực khi “Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ nỗ lực hội nhập của các quốc gia vùng Nam Caucasus với các cấu trúc của châu Âu - Đại Tây Dương, đồng thời tăng cường hợp tác về chính trị và kinh tế trong khu vực”, theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc biệt, dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Anatolian (TANAP) đã được triển khai, trong khi đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Baku-Tbilisi-Erzurum đã đi vào hoạt động.

Đó được xem là lý do mà Mỹ và NATO không xuất hiện rõ ràng hay không có sự can thiệp cụ thể vào khu vực Nam Caucasus trong hơn một thập kỷ qua, ngay cả khi Nga và Gruzia đã xảy ra cuộc xung đột vũ trang vào tháng 8.2008, mà kết quả Moscow kiểm soát cả hai khu vực ly khai của Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia.

Điều gì khiến Mỹ gia tăng khuấy động?

Theo giới phân tích, việc Mỹ và đồng minh tiến hành cuộc tập trận lớn tại Gruzia thực ra là muốn khuấy động khu vực Nam Caucasus, qua đó gia tăng sự ành hưởng với vùng chiến lược này. Điều đó được cho là xuất phát từ hai nguyên chính sau đây:

Thứ nhất, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được cải thiện quá nhanh trong thời qua khiến Ankara có thể để Nam Caucasus hoàn toàn rơi vào tầm ảnh hưởng của Moscow.

Trong hơn 1/4 thế kỷ độc lập của các nước khu vực Nam Caucasus thời hậu Xô viết, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ hai quốc gia này không ngừng được nâng lên, nhất là với Azerbaijan và Gruzia đã đạt tầm chiến lược, thông qua cơ chế hợp tác mà Ankara cùng với Baku và Tbilisi xây dựng cho nhiều lĩnh vực phù hợp với khuôn khổ của liên minh chính trị.

Tuy nhiên, sau khi xin lỗi về vụ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga vào hồi cuối năm 2015, quan hệ Ankara – Moscow đã nhanh chóng được cải thiện. Đặc biệt là sau khi cuộc đảo chính bất thành diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ thì mối quan hệ Nga - Thổ càng trở nên khăng khít hơn, ngay cả khi Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn chết cũng không gây sóng gió cho quan hệ giữa hai bên.

Vùng chiến lược Nam Caucasus được xem là sân sau của Nga

Điều đáng nói là khi quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ được cải thiện và nâng tầm thì dường như Ankara lại tỏ ra xao nhãng nhiệm vụ của một đầu tàu tại Nam Caucasus mà NATO đã trao cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 16.5.2016 là lần tập trận cuối cùng giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Azerbaijan. Đến nay đã hơn 1 năm nhưng không có cuộc tận trận chung nào khác cho dù tại khu vực diễn ra rất nhiều bất ổn.

Trong bản báo cáo của Cộng đồng tình báo Mỹ ngày 11.5, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Daniel R. Coats đã đưa ra cảnh báo về sự căng thẳng sẽ gia tăng trong năm 2017 giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno – Karabakh. Và điều đó đã xảy ra khi ngày 7.7 vừa qua Azerbaijan đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Vậy nhưng ngày 17.7, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Turkmenistan Mustafa Kapuju cho biết, một cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Azerbaijan Aliyev với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Turkmenistan Berdymuhammadov sẽ diễn ra vào cuối năm nay, nhưng không đề cập gì đến vấn đề bất ổn tại Nam Caucasus mà chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế.

Thứ hai, Nga liên tục gia sức mạnh quân sự tại Nam Caucasus và đã lên cả phương án công - thủ, khiến cho tình hình tại khu vực dường như đang nóng dần lên.

Theo TASS, tháng 12.2015, thỏa thuận thành lập một lực lượng phòng không khu vực chung ở Nam Caucasus được ký kết giữa Nga và Armenia. Theo đó, lực lượng phòng không tại khu vực an ninh tập thể ​Nam Caucasus bao gồm 19 đơn vị hàng không, 47 hệ thống tên lửa phòng không, 19 đơn vị kỹ thuật - vô tuyến điện và 3 tiểu đoàn tác chiến điện tử riêng rẽ.

Tháng 11.2016, Nga và Armenia lại ký kết thỏa thuận về việc thành lập đơn vị quân đội hỗn hợp giữa hai nước. Theo đó đơn vị quân đội hỗn hợp có nhiệm vụ bảo vệ không phận Nga và Armenia, bảo vệ các cơ sở quan trọng thuộc quyền sở hữu, quản lý hay liên quan đến lợi ích của Nga và Armenia trong khu vực Nam Caucasus.

Bên cạnh đó, đơn vị quân đội hỗn hợp Nga – Armenia còn có nhiệm vụ phát hiện kịp thời nguy cơ tấn công vũ trang chống đối với Nga và Armenia từ khu vực Nam Caucasus, thực hiện hành động đáp trả, bảo vệ biên giới Nga và Armenia trong vùng biên giới đã được xác định thuộc trách nhiệm của hai quốc gia này. Cả hai thoả thuận đã có hiệu lực.

Quan hệ Nga - Thổ được nâng tầm là cảnh báo nguy hại cho lợi ích Mỹ tại Nam Caucasus

Trong khi đó, ở một khía cạnh khác, ngày 26.4, Nga đã bàn giao một loạt vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự hiện đại cho Azerbaijan theo một thỏa thuận về hợp tác quân sự - kỹ thuật được ký kết giữa Cộng hòa Azerbaijan và Liên bang Nga, theo hãng tin New.Az của Azerbaijan.

“Có thể coi đây là một sự phát triển tích cực giữa Moscow và Baku. Những loại vũ khí này sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc tái vũ trang và tăng cường năng lực quốc phòng cho quân đội Azerbaijan”, ông Arzu Nagiyev, một chuyên gia chính trị Azerbaijan nhận định.

Khi hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga và Azerbaijan hoàn tất được 90% thì ngày 13.7, Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Zakir Hasanov cho biết: "Chúng tôi đang cân nhắc mua nhiều loại vũ khí khác của Nga. Việc mua vũ khí của Nga mang nhiều ý nghĩa”.

Rõ ràng Moscow liên tiếp gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực Nam Caucasus, trong khi Ankara lại dường như tỏ ra lơ là với nhiệm vụ thống lĩnh của mình. Điều đó khiến Washington phải có những điều chỉnh nhằm tránh để mất sự kiểm soát với khu vực chiến lược này.

Nga đang phải căng mình đối phó với Mỹ và các đồng minh ở gần như mọi hướng của biên giới đất nước - phía bắc là các nước vùng Baltic với quân thường trực của NATO, phía tây là cuộc xung đột Ukraine mà được biết lực lượng đặc nhiệm NATO mới tiến vào vùng ly khai Donbass, và nay là vùng Nam Caucasus với việc mở đầu bằng cuộc tập trận quy mô lớn.

Có thể thấy rằng cuộc đối trọng Nga - phương Tây đã bước vào một giai đoạn mới mà nước Nga đang phải đối mặt với quá nhiều sức ép từ Mỹ và các đồng minh. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, chúng ta cùng chờ xem.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao Mỹ gia tăng khuấy động tại khu vực sân sau của Nga?