Đó là câu hỏi được ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đặt ra tại "Hội nghị phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18.12.

Tại sao VN quyết định tham gia FTA dù tiêu chuẩn rất cao?

Một Thế Giới | 19/12/2015, 05:49

Đó là câu hỏi được ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đặt ra tại "Hội nghị phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18.12.

Chủ động gia nhập sân chơi mới

Theo ông Lương Hoàng Thái, trước đây, Việt Nam cũng hay tham gia các hiệp định thương mại nhưng sân chơi của Việt Nam tham gia thường nhỏ, và đặc biệt Việt Nam thường là nước đến sau. Lúc đó, mục tiêu lựa chọn đối tác của Việt Nam chưa cao, thường đi theo ASEAN. Tuy nhiên, giờ đây, khi thoát khỏi khuôn khổ của ASEAN, Việt Nam đã chủ động gia nhập các sân chơi mới, chất lượng hơn rất nhiều.
Ông Thái cho biết trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam đã chủ động hơn rất nhiều. Đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam chính là Nhật Bản. Hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản được xem là hiệp định đầu tiên Việt Nam chủ động tham gia ngoài khuôn khổ ASEAN. Đặc biệt, năm 2015, quá trình hội nhập đã thay đổi, tinh thần chủ động của Việt Nam trong việc tiếp cận cũng như chọn đối tác đã cao hơn rất nhiều.
Hiện nay, mục tiêu chọn đối tác của Việt Nam là hướng tới nền kinh tế bổ sung, tương hỗ, đặc biệt là những thị trường lớn. Việt Nam đã ký kết 4 hiệp định quan trọng với các khu vực thị trường lớn, đó là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Cả 4 hiệp định này sẽ có nhiều tác động đối với các lĩnh vực công nghiệp và chiếm 65% GDP toàn cầu, ông Thái cho biết.
Vậy tại sao Việt Nam lại tham gia nhiều hiệp định cao như vậy? Ông Thái cho hay trong giai đoạn đầu năm nay, Việt Nam đã có những bước phát triển lớn, hội nhập cao. Động lực xuất khẩu từ các nước ASEAN đóng góp rất lớn vào xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong khu vực, Singapore là nước có động lực tăng trưởng từ nhập khẩu lớn nhất, sau đó tới Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và đứng trên tất cả các nước trong khu vực.
Như vậy, yếu tố hội nhập đã thúc đẩy rất lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Thách thức về năng suất lao động
Trong quá trình hội nhập, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức về năng suất lao động. Trên thực tế, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, thấp nhất trong khu vực.
Một công ty nghiên cứu thị trường gần đây đã khảo sát ở châu Á về lĩnh vực chế tạo cho biết năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, với năng suất lao động như vậy thì vị thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ ở thế yếu.
Trong cạnh tranh, năng suất lao động là quan trọng nhất nhưng Việt Nam chưa vượt qua. Vậy, làm sao để Việt Nam có thể vượt qua thách thức này? Ông Thái nhận định một trong những điều có thể thay đổi tình trạng này của Việt Nam chính là hợp tác thương mại.
"Đây là bước đi đầu tiên cho chúng ta để có thể hình thành nên cách chơi, bởi trên thế giới, hình thành hiệp định thương mại tự do với quy mô rất lớn. Trước đó, mọi người thường nói hội nhập là đi ra biển lớn vì ở đó có nhiều quy tắc khắt khe, chặt chẽ", ông Thái nói.
Tuy nhiên, động lực thúc đẩy thương mại thế giới đã chững lại. Một trong những lo ngại mà nhiều người chỉ ra gần đây là nền kinh tế Trung Quốc nổi lên. Với sự nổi lên của Trung Quốc thì sẽ rất khó để tạo ra một sân chơi chung. Trung Quốc hiện nay đã cạnh tranh thành công với nhiều nước đang phát triển. Theo đó, nhiều nước đã hình thành cách chơi mới đó là hình thành thương mại tự do ở quy mô lớn, ông Thái nhận định.
Ông Thái chỉ ra rằng cách chơi mới này được thể hiện rõ nhất qua các FTA vừa qua, trong đó mạnh mẽ nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP là hiệp định có quy mô kinh tế rất lớn, hiệp định này chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Đây là hiệp định mở, dự kiến sẽ tạo điều kiện cho nhiều nước tham gia.
TPP là hiệp định Việt Nam tham gia rất sớm. Hiệp định này đặc biệt có sự tham gia, dẫn dắt của Mỹ - một thị trường lớn mạnh và rất tiềm năng, thu hút đông đảo các nước tham gia. Đặc biệt, đây là hiệp định có tiêu chuẩn rất cao. Một khi đáp ứng được những điều kiện này thì cơ hội mở ra sẽ rất lớn, cơ hội về cạnh tranh là rất cao, ông Thái khẳng định.

"Vì vậy, ngay từ rất sớm, Việt Nam đã nhìn nhận được lợi thế này, và chúng ta muốn kết nối với đối tác lớn là Mỹ thông qua TPP. Đây là đối tác lớn nên điều kiện đặt ra rất cao. Đây là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội tham gia ngay từ đầu dưới góc độ là người tạo lập ra sân chơi này. Vì vậy, cơ hội của chúng ta là rất lớn", ông Thái nói.

Tuyết Nhung




Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao VN quyết định tham gia FTA dù tiêu chuẩn rất cao?