Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, gã tài xế xe ôm Huỳnh Thất (số nhà 292 Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế) giả danh bác sỹ khám và chữa bệnh thu lợi bất chính. 

Tài xế xe ôm bỗng nhiên thành ‘bác sĩ đại gia”

Một Thế Giới | 14/01/2015, 17:35

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, gã tài xế xe ôm Huỳnh Thất (số nhà 292 Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế) giả danh bác sỹ khám và chữa bệnh thu lợi bất chính. 

Khi "bác sỹ" này đang khám bốc thuốc cho bà Lê Thị Xuân, ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thì bị phát hiện.

"Bác sỹ thất đây"

Ở Huế, khi nhắc đến cái tên Thất “bác sỹ”, giới xe ôm ai cũng biết. Bởi "bác sỹ" luôn miệng khoe rằng mình là bác sỹ chuyên khoa, bất kì bệnh gì hễ xe ôm, xe thồ móc nối tới đều nói có thể chữa khỏi.

Vì thế, dù đang ngồi nhậu, nhưng có điện thoại của cò tới là Thất đều nói to “bác sỹ Thất đây. Đợi bác ít phút bác về khám”. Còn một số xe thồ chân chính thì gọi Thất là tên "thất đức".

Cái tên của y đúng như những việc động trời mà y làm, y làm tất cả, bất chấp tính mạng, tài sản của người dân. Miễn sao thu lợi được càng nhiều tiền càng tốt.

Thất “ăn” không trừ bệnh nào, dù kiếm tiền trên xương máu bệnh nhân, nhưng vì tỷ lệ phần trăm cho cho cò từ 35- 40% nên cò mồi nào cũng thích đem tới cho Thất. 
Nhiều lúc các lương y lân cận, hoặc trong thành phố đều tức điếng máu Thất, nhưng cũng không làm được gì, bởi cho dù có báo thanh tra thì sau khi xử phạt, y vẫn hành nghề lại, bởi lợi nhuận thu từ việc giả danh bác sỹ rất dễ kiếm tiền.

Hành nghề xe ôm từ nhỏ, tuổi thơ của Thất chẳng mấy thuận lợi gì. Thế nhưng, từ ngày lấy vợ 2, đi đâu Thất cũng khoe mình giàu có, có nhà cao cửa rộng, xe ô tô.

Mà Thất đi ô tô thật. Nhiều người thắc mắc, tại sao một tên giả danh như Thất lại có thể trở thành "đại gia", làm giàu nhanh đến thế; có người thì lắc đầu, không giàu sao được khi loại thuốc Thất đưa cho người ta toàn thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Và người bệnh khi lọt vào “máy chém” của Thất thì cũng khó lòng trả thuốc lại, bởi đằng sau Thất còn có một đội ngũ xe ôm, xe thồ “khét tiếng”, đàn anh đàn chị đứng sau lưng.
Nhiều xe ôm chân chính cũng tâm sự với chúng tôi, có những lúc họ không muốn đem bệnh nhân đến cho Thất, nhưng vì các tay cò như T., như H và T... sợ bị đánh nên cũng phải nghe theo.
gia danh
Bệnh nhân Lê Thị Xuân bị dụ dỗ vào phòng khám chui của bác sỹ dỏm Huỳnh Thất.

Có một điều kì lạ nữa là cho dù giả danh bác sỹ, nhưng Thất luôn “đánh quả” ở các tỉnh thành lân cận tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị.  Bệnh nhân bị mê hoặc bởi lời ngon, mật ngọt của y và của cò mồi.

Chính vì thế, đội ngũ xe ôm, cò mồi của Thất luôn có người túc trực 24/24 ở các bệnh viện như bệnh viện đại học y dược Huế, bệnh viện Trung ương Huế, bến xe phía bắc, bến xe phía nam...Với lời ngon, mật ngọt của cò, người bệnh khi đến Huế nếu chưa được cảnh báo trước rất dễ sập bẫy cò, tiền mất tật mang.

Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra

2 năm trước (năm 2012), cũng với chiêu trò này, bác sỹ dỏm Huỳnh Thất đã bị Thanh tra sở y tế tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt 25 triệu đồng.

Thế nhưng, vì lòng tham bất chính, kiếm tiền trên thân xác bệnh nhân. Huỳnh Thất tiếp tục giả danh bác sỹ, khi y đang kê đơn bốc thuốc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân Lê Thị Xuân, ở tỉnh Quảng Bình thì bị thanh tra sở y tế, công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện.

Đa số thuốc Tây y và một số thuốc tễ mà Thất dùng để chữa bệnh, chứa đựng trong va ly đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, tem thư.

Thủ đoạn của Thất là lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của bệnh nhân nên Thất đã móc nối với xe ôm ở các bến xe, bệnh viện dùng lời ngon mật ngọt để cò mồi, bắt chẹt khách tới phòng khám chui của Thất với giá rẻ. Trong khi tâm lý của bệnh nhân, có bệnh thì vái tứ phương nên khi nghe cò mồi “nhã” lời ngon, mật ngọt nên nghe theo.

Bệnh nhân Lê Thị Xuân, ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Tôi đau thấp khớp, từ Quảng Bình vào đây mang theo có mấy trăm ngàn. Vừa xuống bến xe phía Bắc thì có một thanh niên đi xe ôm cò mồi, giới thiệu đưa đi khám ở phòng khám của bác sỹ Thất, tui không chịu đòi qua bệnh viện 41 (tức Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế) nhưng họ cứ chèo kéo tui vào đây”.

Ông Trần Đình Oanh, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Ông Huỳnh Thất không phải là bác sỹ, cũng không hề có bằng cấp về y dược, chỉ là một lái xe ôm, ông này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của bệnh nhân.

Mấy năm trước chúng tôi đã xử phạt một lần 25 triệu, cấm hành nghề trái phép nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Tuy nhiên, vì lòng tham ông này vẫn ngoan cố, cấu kết với xích xô, xe thồ không có lương tâm đưa bệnh nhân vào khám chui để thu lợi bất chính. Hiện chúng tôi đang củng cố, hoàn tất hồ sơ để chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự đối tượng Thất này”.
gia danh
gia danh
Dù là một tên xe ôm, nhưng ông Thất dám bạo gan mua thuốc tây về khám, phát thuốc cho bệnh nhân. Đa số thuốc này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Dẫu vậy, dù làm chui nhưng Thất vẫn tồn tại một thời gian dài ở đất Huế, vùng đất vốn chật hẹp, vậy ai đã tiếp tay cho việc làm gian ác của Thất? Đó là câu hỏi không hề dễ khi chúng tôi đặt lên bàn cơ quan chức năng tại Huế.
Trường hợp của ông Huỳnh Thất, ở số nhà 292 Đinh Tiên Hoàng không phải là trường hợp giả danh bác sỹ, lương y duy nhất ở Huế. Tại tỉnh này nhiều xe ôm như ông Hạp, ở số nhà 95 Ông Ích Khiêm, cũng giả danh bác sỹ, lương y, mặc áo blue ngồi khám, kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân . 
Đến nay phòng khám Tự Lập Đường này đã đóng cửa, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn thấy ông Hạp khám bệnh, bốc thuốc cho bệnh nhân.
Nhiều lương y ở Huế thật thà thừa nhận, họ sống được chủ yếu nhờ vào cò. Bởi tình trạng cò lộng hành tại Huế rất phổ biến. Vì thế, cơ quan chức năng cần tăng cường vào cuộc điều tra, làm rõ, chấn chỉnh tình trạng cò mồi tới phòng khám đông y – tây y ở Huế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.
Ngọc Trân
Bài liên quan
TP.HCM: Phát hiện nhiều sai phạm tại điểm bán thuốc của Công ty dược phẩm NH Pharma
Cơ quan chức năng vừa ra quyết định xử phạt và tiêu hủy thuốc tại một điểm kinh doanh của Công ty TNHH dược phẩm NH Pharma do có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
20 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài xế xe ôm bỗng nhiên thành ‘bác sĩ đại gia”