Ngồi ở góc ngã tư đường giữa những dòng người qua lại, một người đàn bà hàng ngày vẫn lặng thầm kiếm sống bằng nghề sửa xe. Bà tâm sự, cứ có tiếng người kêu vá cho con cái xe, bơm cho con cái bánh là bà vui lắm, bởi, có như vậy bà mới lấp được cơn đói từng ngày...

Mẹ chồng 81 tuổi bị con dâu hắt hủi sợ lây bệnh

Một Thế Giới | 13/01/2015, 14:28

Ngồi ở góc ngã tư đường giữa những dòng người qua lại, một người đàn bà hàng ngày vẫn lặng thầm kiếm sống bằng nghề sửa xe. Bà tâm sự, cứ có tiếng người kêu vá cho con cái xe, bơm cho con cái bánh là bà vui lắm, bởi, có như vậy bà mới lấp được cơn đói từng ngày...

Phận đời mồ côi
Thi thoảng chúng tôi lại thấy bà Nguyễn Thị G. (81 tuổi) với chiếc lưng còng lủi thủi một mình bên chiếc ghế xếp kiêm chỗ ngủ của mình đợi khách ở giữa ngã tư đường Lê Quang Định giao với Nguyễn Văn Đậu (Gò Vấp, TP.HCM). Khi chúng tôi tiến lại gần, bà liền kêu: “Con đến để vá xe hay bơm xe...”. 
Đến gặp và được bà tâm sự, bà bảo, đã làm cái nghề vá xe này lâu lắm rồi, khoảng 30 năm. Trước bà còn sống với con cháu, nhưng nay lại lấy túp lều này làm nhà. Người đời hỏi bà ở cái tuổi “xưa nay hiếm” sao không nghỉ ngơi để con cháu phụng dưỡng. Nhắc đến nỗi đau này, bà ít khi tâm sự với ai. Bà chỉ nói, cũng không vui sướng gì khi nhắc đến chuyện cũ...
Bà cho biết, cuộc đời mình sinh ra ở mảnh đất Hà thành khi đất nước chưa giải phóng, bà đã phải chịu cảnh mồ côi từ khi mới lên 3 tuổi. Cha mẹ chết trong nạn đói năm 1945, còn anh em bà thì thất lạc mỗi người một nơi, không một tin tức. 
May mắn thay, bà được một gia đình thương tình cho ở nhờ, thay vào đó, bà phải làm tất cả các công việc trong gia đình, từ lau chùi cho đến giặt giũ. Bà bảo, được người ta cho ăn, cho ở là hạnh phúc rồi, không làm việc phụ giúp gia đình mình cũng thấy áy náy. Về sau, gia chủ họ di cư vào miền Nam sinh sống và bà cũng được đi theo.
Cuộc sống cứ vậy trôi qua trong bình lặng cho tới khi bà gặp một người đàn ông.
“Tôi với người đàn ông ấy sống chung cũng được dăm năm, và có với nhau đến ba đứa con. Nhưng thời gian dài như vậy mà đột nhiên vào một ngày có một người phụ nữ khác đến đánh ghen. Đến lúc đó tôi mới biết rằng ông ta đã có vợ. Đã vậy, ông ta còn vô cớ đánh đập, trút giận lên đầu mẹ con tôi. Tôi không thể chịu đựng được cảnh trớ trêu như vậy nên đành bế ba đứa con vẫn còn nhỏ chạy trốn”, bà G. tâm sự.
Cuộc sống mưu sinh bắt đầu với những thứ hoàn toàn mới ở bên ngoài. Đến khi bà gặp được một người đàn ông khác. Sau những tâm sự thầm kín của hai người, biết được hoàn cảnh của nhau, hai người dọn về chung sống không qua một đám cưới hay thủ tục gì, nhưng lần này bà được mãn nguyện hạnh phúc. 
Bà trở lại làm người giúp việc cho người ta, ông làm nghề giặt là thuê. Gom góp mãi hai vợ chồng cũng đủ tiền mua một căn nhà nhỏ lấy chỗ che mưa che nắng cho những đứa con liên tiếp ra đời. Tuy nhiên, cuộc sống chật vật cũng không cho phép 7 người con chung sau này của ông bà được ăn học tới nơi tới chốn.
Nhưng niềm hạnh phúc ấy lại bắt đầu đi xuống từ khi người chồng của bà đổ bệnh nặng, tiền thuốc men, chạy chữa cho chồng khiến nỗi vất vả càng đè nặng lên người vợ yếu ớt. Còn những đứa con của bà đã lớn hơn nhưng lại không biết suy nghĩ cho cha mẹ, thậm chí biết người cha già sắp gần đất xa trời, gia đình bà bỗng dậy sóng một cuộc “chiến tranh ngầm” để tranh giành tài sản. 
Nói đến đây, giọng bà như chùng xuống: “Thấy mấy đứa con như vậy mà bệnh tinh ông ấy càng nặng thêm. Biết mình không thể qua khỏi, ông ấy còn nhắc tôi mai này ông có chết đi thì bán căn nhà mà chia chác cho chúng nó, khỏi lục đục gia đình”. 
Vậy là, khi đám tang người chồng vừa kết thúc, bà thực hiện theo di nguyện chồng, bán đi căn nhà bao năm gây dựng. Sau khi chia tiền cho các con, bà theo người con trai thứ tư đi thuê nhà trọ sinh sống. Tưởng chừng sóng gió đã tắt khi người mẹ đã trở nên già nua lấy nghề vá xe làm chỗ dựa mưu sinh.
me chong 81 tuoi bi con dau hat hui so lay benh
 Bà Nguyễn Thị G.

Cũng chỉ vì con...

Con trai bà lập gia đình, về ở rể bên nhà vợ ở huyện Củ Chi (TP.HCM). Nhưng thấy mẹ già ngày càng ốm yếu, bệnh tật, đứa con trai lo lắng dắt vợ về cùng nhau chăm sóc cho mẹ. Bà thầm mãn nguyện trong lòng vì có đứa con hiếu thảo nhưng sự việc không như con bà và bà mong đợi, người con dâu lúc nào cũng làu bàu với chồng về tình trạng bệnh tật của bà, đôi lúc còn gay gắt với bà nữa...

Bà chứng minh cho chúng tôi về tình trạng bệnh tật của mình bằng một nắm thuốc lúc nào cũng kè kè bên hông. Con trai thương bà nhưng con dâu thì lại xa lánh, kỳ thị người mẹ chồng bệnh tật, nghèo hèn vì... sợ lây bệnh. Mặc dù người mẹ già vẫn nai lưng ra vá xe hằng ngày, đến tối mới về nhà nghỉ ngơi nhưng vẫn không tránh khỏi sự kỳ thị của con dâu.

Con trai bà thương mẹ, nhiều lần bàn bạc với vợ về tình hình của mẹ mình nhưng luôn nhận lại sự giận dữ. Nhiều lần con trai bà kiên quyết, có thể bỏ vợ để đưa mẹ đi sinh sống nơi khác, những lúc như thế bà lại tâm sự với con trai, và không để con trai mình sai lầm mà bỏ vợ con vì mình, mỗi lần như thế bà lại nhói đau...

Kể từ lúc đó, bà ở hẳn lại túp lều bên vệ đường mặc những đêm mưa giông bão, bởi trong thâm tâm bà luôn muốn con cái được hạnh phúc. “Tôi muốn ở đây để không làm phiền tới cuộc sống của chúng nó nữa. Mấy đứa con trai, con gái tôi đều bảo tôi về ở cùng nhưng tôi lại lo sợ chuyện như vừa rồi lại xảy ra lần nữa. Chúng đều đã có gia đình riêng, tôi không muốn “vì mình mà vợ chồng con cái chúng nó lục đục...”. 
Nói đến đây, người đàn bà khổ hạnh liên tục rơi nước mắt cho số phận trái ngang, gian truân của mình.
Hưng Thịnh (Hôn nhân và Pháp luật)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹ chồng 81 tuổi bị con dâu hắt hủi sợ lây bệnh