Cuộc ‘đảo chính nội bộ’ đảng Tự do cầm quyền đã đưa Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison lên ghế Thủ tướng Úc, và ông liền hứa sẽ nỗ lực hàn gắn đảng Tự do cầm quyền đang bị các bè phái chia rẽ.
Trong tuyên bố đầu tiên ở vị trí Thủ tướng, ông Morrison kêu gọi đảng Tự do đoàn kết lại, để có thể giữ thế đa số ở Hạ viện. Chính phủ của ông sẽ giải quyết vấn đề trọng tâm là “kinh tế và an ninh quốc gia”, nhưng ông nói trọng tâm số 1 là tình hình hạn hán lâu nay của Úc, gồm bang New South Wales bị hạn 100%.
Nhiệm vụ đầu tiên của ông Morrison sẽ là cổ động hàn gắn giữa các bè phái đối địch nhau trong đảng Tự do, vốn đã khiến thủ lĩnh Công đảng Bill Shorten tuyên bố cuộc “nổi loạn tranh ngôi thủ lĩnh của đảng cầm quyền Tự do là hành vi nuốt sống chính phủ. Úc không còn một chính phủ hiệu quả, đảng Tự do bị chia rẽ mà không sao khắc phục được”.
Ông Morrison không “bất trung” với đồng minh Turnbull
Ông Morrison từng khởi nghiệp là một chính khách ôn hòa - như Thủ tướng Malcolm Turnbull vừa mất chức - của đảng Tự do bảo thủ, rồi ông chuyển thành một chính khách bảo thủ.
Nhưng ông Morrisonvẫn tôn trọng phe ôn hòa, nên ông được cho là người lý tưởng để hàn gắn “vết thương đấu đá lật đổ lãnh đạo đảng”. Chức Bộ trưởng Tài chính - nhân vật số 2 sau Thủ tướng - cũng khiến ông được xem là một giám đốc kinh tế giỏi so với các ứng cử viên khác.
Ông Morrison, 50 tuổi, còn nổi tiếng là một người giỏi môi giới quyền lực trong đảng Tự do. Có tin ông Morrison từ lâu đã nuôi tham vọng làm Thủ tướng Úc, nhưng ông nói với các đồng nhiệm rằng sẽ không chống lại Thủ tướng Turnbull,nên việc ông Turnbull quyết từ chức và rời khỏi chính trường có nghĩa ông Morrison sẽ không bị cáo buộc tội “bất trung”.
Sau kết quả bỏ phiếu, ông Turnbull nói ông rất ấn tượngtrước việc đảng Tự do quyết chọn ông Morrison, người mà ông mô tả là “một thủ quỹ hiệu quả và rất trung thành”.
Ông Morrison và ông Dutton - Ảnh: New York Times
Cuộc “ăn tươi nuốt sống” của đảng cầm quyền
Trong chưa đầy 10 năm qua, chưa ai trong 5 Thủ tướng có thể đi trọn nhiệm kỳ, kể cả thủ lĩnh Công đảng Kevin Rudd từng có hai lần làm Thủ tướng Úc. Tất cả đều do đảng của họ “bật” họ khỏi ghế thủ lĩnh, điều khiến Canberra mang tiếng “thủ đô đảo chính của vùng Thái Bình Dương”.
Ông Turnbull, một nhà tỉ phú từng là giám đốc ngân hàng thương mại và luật sư, cũng từng tham gia một cuộc “lật đổ lãnh đạo đảng” chống Thủ tướng Tony Abbott, và ông Turnbull lên làm Thủ tướng hồi tháng 9.2015. Ông đã vất vả mới thu hút được cử tri bảo thủ và thắng sít sao cuộc bầu cử quốc hội 2016.
Ngày 24.8, cuộc bỏ phiếu bầu thủ lĩnh đảng Tự do tổ chức lần hai, có kết quả trong 85 phiếu, 45 phiếu chọn ông Morrison thay ông Turnbull bị mất uy tín, và ông Morrison trở thành Thủ tướng Úc.
Người khởi xướng vụ “lật đổ” ông Turnbull là cựu Bộ trưởng Nội vụ PeterDutton, một cựu quan chức cảnh sát chống ma túy.
Ông Turnbull đã thắng sít sao cuộc bầu cử thứ nhất hôm 21.8, với kết quả 48 phiếu, trong khi ông Dutton được 35 phiếu nên đề nghị bỏ phiếu lại.
Tại cuộc họp báo ngày 23.8, ông Turnbull tuyên bố ông chỉ đồng ý tổ chức cuộc bầu cử thứ hai vào trưa 24.8, nếu như ông nhận được một bức thư ủng hộ bầu lại, và phải có chữ ký của 43 nghị sĩ thành viên đảng Tự do.
Ông Dutton đáp ứng được yêu cầu của ông Turnbull, nhưng chỉ đạt 40 phiếu bầu, khiến ngôi thủ lĩnh đảng Tự do thuộc về ông Morrison.
Trong cuộc tranh ngôi này, Ngoại trưởng Julie Bishop bị loại ngay từ vòng đầu. Và kết quả thắng - thua của hai ông Morisson - Dutton cho thấy đảng Tự do vẫn bị chia rẽ, chưa có dấu hiệu kết thúc cuộc “đấu đá nội bộ” vốn đe dọa liên minh cầm quyền gồm hai đảng Tự do và Dân tộc, trong khi Úc sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 5.2019.
Ông Turnbull không tham gia cuộc bỏ phiếu thứ hai, và việc ông rút khỏi Quốc hội khiến liên minh cầm quyền mất một ghế để chiếm đa số tại Hạ viện.
Ông Turnbull tuyên bố từ bỏ chính trường, để chăm sóc con cháu- Ảnh : NYT
Ông Morrisoncứng rắn với người vượt biển muốn tị nạn
Theo AP, một số người cũng cho rằng quan điểm chính trị của tân Thủ tướng Morrison cũng rất “lộn xộn”. Ông tạo tên tuổi từ việc ra chính sách cứng rắn xua đuổi người vượt biển đến Úc xin tị nạn.
Vào năm 2013, ông Morrison, con trai một cảnh sát viên, được Thủ tướng Abbott chọn làm Bộ trưởng Di trú. Và ôngđưa ra chính sách chống nhập cư cứng rắn “ngăn chặn tàu vượt biên” đưa người đến bờ biển Úc tìm cơ hội tị nạn.
Hải quân Úc buộc các tàu vượt biên trở về nơi xuất phát là Indonesia, hoặc giải người tị nạn đến các trại tị nạn hẻo lánh những đảo quốc nghèo Papua New Guinea và Nauru trên Thái Bình Dương.
Các tổ chức tôn giáo đã lên án chính sách “phi nhân văn” này của ông Morrison, một tín đồ đạo Thiên Chúa. Họ nói chính sách làsự “phớt lờ trắng trợn” nhiệm vụ bắt buộc của Úc là phải giúp người xin tị nạn. Năm 2014, Ủy ban giám sát nhân quyền Úc kết luận: Bộ trưởng Morrison không hành động vì quyền lợi của con cái người tị nạn đang bị giam nhốt ở các đảo quốc trên Thái Bình Dương.
Nhưng ông Morrison giải thích: ông rất tin đó là cách làm đúng nhất, để ngăn chặn nạn buôn người, bảo vệ tính mạng của người đã liều mạng trên những con tàu ọp ẹp, lao mình vào một hành trình dài và nguy hiểm đến Úc.
Nhưng sự cảm thông của ông Morrison bị đặt dấu hỏi, khi ông chỉ trích một quyết sách của chính phủ tiền nhiệm năm 2010: cho người xin tị nạn tiền, để họ bay từ một trại tị nạn ở đảo Giáng sinh hẻo lánh đến Sydney, để họ dự đám tang của 48 người tị nạn chết trong một tai nạn chìm tàu.
Trung Trực (theo AP, Guardian)