Ngành điện đang trước áp lực tăng giá điện tiếp tục khi chi phí tăng, nhu cầu đầu tư lớn... Song, làm thế nào để tránh tác động tiêu cực khi điều chỉnh tăng giá điện là vấn đề đang được người dân đặc biệt quan tâm.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, nhiều ngày nắng nóng, thủy điện phải tích nước, tại miền Bắc buộc phải huy động thêm nhiệt điện than, nhiệt điện dầu với chi phí cao để bảo đảm đáp ứng đủ điện. Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.092,78 đồng/kWh, cao hơn giá bán hiện tại. Bên cạnh đó, nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá lên tới xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.800 đồng/kWh. Vì vậy, chi phí sản xuất và phát điện tính đến thời điểm này tiếp tục tăng.
Theo Quyết định số 5/2024 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 15.5.2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải giảm giá điện khi chi phí bình quân đầu vào giảm 1%; điều chỉnh tăng ở mức tương ứng khi chi phí đầu vào tăng 3 - 5%. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành kiểm tra, rà soát và báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Đặc biệt, Quyết định số 5 quy định rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trong khi đó, tính từ lần điều chỉnh giá điện bình quân gần nhất đến nay đã gần 6 tháng. Đó là lý do nhiều người lo ngại, giá điện sẽ được điều chỉnh ngay sau khi Quyết định số 5 có hiệu lực.
Trao đổi với Một Thế Giới xung quanh vấn đề tăng giá điện mỗi mùa nắng nóng, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng việc thay đổi chu kỳ điều chỉnh giá điện không có gì cần bàn thêm vì đầu vào của sản xuất truyền tải, phân phối điện đã có những biến động từ năm 2023 đến nay. Điều quan trọng là việc tăng giá từ nay đến cuối năm 2024 chắc chắn sẽ tác động đến giá cả, thị trường, năng lực cạnh tranh về giá của các sản phẩm nội địa...
"Tôi quan sát một vài tháng gần đây khi có những động thái về sẽ tăng lương từ ngày 1.7.2024 và quyết định mới về tăng giá điện trong những tháng cuối năm thì giá cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường mặc dù khá rồi dào, phong phú nhưng đã có những động thái tăng giá, điều chỉnh giá, tăng giá ngầm... xuất hiện trên thị trường, xuất phát từ nhà sản xuất và cả các nhà bán lẻ của các kênh thương mại.
Với chỉ tiêu CPI mà Quốc hội đặt ra từ đầu năm ở mức cao nhất là 4,5% trong năm nay, thì mục tiêu kiềm chế lạm phát chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn hơn khi có biến động của giá điện, xăng dầu, tiền lương, dịch vụ y tế, giáo dục... nhất là hàng hóa dịch vụ tăng giá trong lúc thu nhập của đại bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, có bộ phận lương chưa đủ sống...", chuyên gia Vũ Vinh Phú cho hay.
Vì vậy, theo ông Phú, việc tăng giá điện cần phải cân nhắc thận trọng và trách nhiệm, các nhà vật giá, công thương, tài chính phải đặt địa vị mình là người tiêu dùng, doanh nghiệp để xác định giá từng thời kỳ một cách công khai, minh bạch, chính xác, khách quan được xã hội đồng tình chấp nhận.
Theo ông Phú, khi tăng giá điện thì cơ quan quản lý và EVN cần chú ý một số vấn đề. Thứ nhất là trước khi tăng giá, EVN cần công khai minh bạch giá thành sản xuất điện trên 1kw/giờ (có kiểm toán và hội đồng kiểm định quốc gia xác nhận). Đặc biệt lưu tâm đến các nhóm chi phí lớn trong giá điện như tiền lương, mua sắm vật tư thiết bị, tỷ giá ngoại tệ....
"Tôi có thể ví dụ: Một vài năm trước đây công nhân sản xuất điện vẫn liên tục hưởng mức lương từ 27 - 30 triệu đồng/tháng, đó là một điều có lẽ bất hợp lý cần phải xem lại, điều này kiểm toán nhà nước đã có nhắc nhở, nhưng sau đó EVN vẫn cho phép thực hiện. Yếu tố này chắc chắn sẽ tham gia đẩy giá điện tiêu dùng sản xuất lên một mức giá bất hợp lý mà xã hội khó có thể dễ chấp nhận", vị chuyên gia nói.
Việc bù chéo giá điện giữa giá sản xuất và giá sinh hoạt gia đình đã tồn tại nhiều năm. Nhiều ý kiến yêu cầu phải thay đổi (giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất). Điều này dẫn tới không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất đầu tư công nghệ đổi mới thiết bị để tiết kiệm điện, người tiêu dùng bị thiệt thòi một cách vô lý.
Ngoài ra, EVN cần đẩy nhanh các dự án điện vào hoạt động theo Quy hoạch điện 8 mà Chính phủ đã duyệt, khuyến khích điện năng lượng tái tạo mặt trời sức gió... cân đối các nguồn phát điện một cách hợp lý để tạo ra một giá điện bình quân từng thời kỳ hợp lý và tiết kiệm nhất cho xã hội và cho tiêu dùng.
Cuối cùng là công tác tổ chức thực hiện quyết định của Chính phủ về mức giá bán lẻ bình quân ở Việt Nam, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán đảm bảo cạnh tranh công bằng minh bạch; cần thu hút các nhà đầu tư điện vào thị trường Việt Nam; đầu tư đổi mới thiết bị nhằm tăng năng xuất lao động trong nội bộ ngành điện góp phần giảm giá thành chung cho xã hội.
"Kiên quyết xử lý những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong ngành điện mà vừa qua đã có những vụ việc phải xử lý, phải coi đó là những bài học kinh nghiệm sâu sắc cho ngành mình hiện nay và mãi về sau. Phải giảm bớt những hành động mang tính chất thống lĩnh thị trường, có dáng dấp độc quyền của ngành điện", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trước tình hình áp lực tăng giá điện, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng cơ chế áp dụng giá điện 2 thành phần. Động thái này được cho là tiến một bước để giá điện sẽ được tính đúng, tính đủ hơn.
Theo đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đồng/kW hoặc đồng/kVA) sẽ làm thay đổi hành vi cơ bản về tính chất sử dụng điện, tác động trực tiếp đến chế độ sử dụng điện của khách hàng, hóa đơn tiền điện và cả hệ thống điện. Do đó, cần phải có lộ trình thử nghiệm trên giấy trước. Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện 2 thành phần, bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện (do khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành).
Cũng theo các chuyên gia ngành điện, giá điện 1 thành phần (tức là chỉ tính phần điện năng như hiện đang được áp dụng tại Việt Nam) có ưu điểm là đơn giản, nhưng không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống.
Chính vì thế, việc áp dụng giá điện 2 thành phần (theo công suất và điện năng tiêu thụ) sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ, cũng như sử dụng nguồn lực hợp lý. Trong đó, khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh có được sự công bằng hơn. Đồng thời, việc cơ cấu nhu cầu sử dụng điện hợp lý sẽ tạo sức hút các nhà đầu tư tham gia phát triển điện LNG, thủy điện tích năng, đem lại lợi ích cho nền kinh tế.
Như vậy, có thể nói đưa ra cơ chế giá điện 2 thành phần, đầu tiên là sẽ giải được bài toán khó cho cấu thành giá điện hiện nay, khi mà điện tăng giá, doanh nghiệp kinh doanh điện vẫn lỗ. Ở giai đoạn thí điểm, đối tượng sử dụng điện được áp dụng là khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Khả năng đối tượng này sẽ chịu mức giá cao hơn là rất lớn vì cơ chế giá điện 2 thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên.