Trong lúc doanh nghiệp đang “nhấp nhổm” như ngồi đống lửa khi thời hạn tăng lương đã đến rất gần thì Tổng liên đoàn Lao động vẫn giữ nguyên quan điểm, rằng mức tăng lương đề xuất 350.000 - 550.000 đồng trong năm 2016 không hề ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Khó đi đến sự thống nhất
Như thường niên, tại các cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia luôn khó có sự thống nhất từ đại diện doanh nghiệp và cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động. Đại diện một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cho rằng nếu đề xuất tăng lương 16% như hiện nay được áp dụng sẽ khiến các chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn… tăng đáng kể. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong thời buổi kinh tế suy giảm như hiện nay.
Chênh lệch quá lớn giữa các mức đề xuất tăng lương khiến cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa qua khó có sự thống nhất |
Tổng liên đoàn đã thực hiện khảo sát 1.600 lao động thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành với 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương. Kết quả cho thấy 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của người lao động phải nuôi con là hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.
“Đừng cò kè với người lao động”
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam |
Cũng theo ông Mai Đức Chính, mức tăng lương tối thiểu vùng từ 350.000 - 550.000 đồng trong năm 2016 sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Ông Mai Đức Chính cho biết: “Hiện nay, rất nhiều công nhân chấp nhận đi làm tăng ca không phải vì mục đích tích lũy thêm tiền mà việc tăng ca để đủ sống là việc bất khả kháng”. Ông Chính cũng khẳng định, so với các nước Đông Nam Á, tiền lương của người lao động Việt Nam chỉ cao hơn Lào và Campuchia.
Bá Nguyễn