“Mỹ hiện nay đánh thuế vào hàng hóa Việt Nam như thép, nhôm… và mới đây là cá tra. Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta phải có những nỗ lực rất lớn để đối phó với tình hình đó”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Tăng trưởng GDP quý 1/2018 cao kỷ lục: Đừng vội mừng!

Trịnh Giang | 01/04/2018, 13:10

“Mỹ hiện nay đánh thuế vào hàng hóa Việt Nam như thép, nhôm… và mới đây là cá tra. Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta phải có những nỗ lực rất lớn để đối phó với tình hình đó”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2018 đạt 7,38% so với cùng kỳ.

Với mức tăng 9,7% trong quý này, công nghiệp và xây dựng góp 3,39 điểm phần trăm vào mức tăng chung của GDP, dịch vụ tăng 6,7% và góp 2,75 điểm phần trăm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,05%, góp 0,46 điểm phần trăm.

"Đây là mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm gần đây", ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết.

Lý giải về mức tăng trưởng này, ông Lâm cho hay, trước tiên là nhờ tiếp đà tăng của 6 tháng cuối năm ngoái. Quý 3 và 4 năm 2017 tăng rất cao, đặc biệt quý 4 tăng 7,46%.

Mức tăng trưởng GDP cao kỷ lục của quý 1/2018 còn có sự đóng góp của sản xuất nông nghiệp với mức trên 4%. Đây được cho là mức tăng mạnh nhất trong 13 năm qua.

Theo ông Lâm, sản xuất của Việt Nam có tính mùa vụ, do đó quý 1 thường tăng trưởng thấp và có hiện tượng tăng trưởng quý sau tăng cao hơn quý trước. Tuy nhiên yếu tố mùa vụ năm naykhông tác động mạnh như những năm trước.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về mức tăng trưởng GDP kỷ lục của quý 1/2018, ông Lê Đăng Doanh,nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, theo phân tích số liệu chi tiết thì sự phát triển này xuất phát chủ yếu từ công nghiệp và có sự đóng góp của hai nhà đầu tư nước ngoài là Samsung và Formosa là chính.

“Ngoài ra, nông nghiệp cũng tăng trưởng một cách rất ngoạn mục, tức là tăng đến 2,9%. Số doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp và có đăng ký kinh doanh cũng tăng lên”, ông Doanh nói.

Ông Doanh nhận định, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh này thường sau một năm mới có thể đóng góp được cho GDP, cho nên đấy chỉ là dấu hiệu chứng tỏ cải cách đã có phát huy tác dụng và doanh nghiệp tư nhân đã tích cực hưởng ứng.

Lý giải về việc có nên lạc quan với mức tăng trưởng này hay không, ông Doanh cho hay: “Theo tôi, quý 1/2018 so sánh với quý 1/2017- là một quý tăng trưởng rất thấp cho nên quý 1/2018 có mức tăng trưởng cao phần lớn từ đóng góp của nhà đầu tư”.

Theo ông Doanh, yếu tố thứ hai là môi trường kinh doanh trên thế giới hiện nay có nhiều biến động. “Đặc biệt chúng ta thấy Mỹ hiện nay đánh thuế vào các hàng hóa Việt Nam như thép, nhôm… và mới đây là cá tra. Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta phải có những nỗ lực rất lớn để đối phó với tình hình đó”, ông Doanh chia sẻ.

Thêm vào đó, ông Doanh cũng cho biết, việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc hiện nay cũng đặt ra nhiều vấn đề như hàng hóa xuất khẩu sang phải có xuất xứ, có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… mà cơ quan chứng nhận phải được cơ quan chứng nhận của Trung Quốc công nhận mới có tác dụng.

“Chúng ta sống trong thế giới hiện nay phải thích nghi với các biến đổi đó và chúng ta cũng phải chuẩn bị để thích ứng, đáp ứng với các yêu cầu của thị trường”, ông Doanh khẳng định.

Liên quan đến việc tăng trưởng trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo, do đặc điểm mô hình diễn biến tăng trưởng các quý năm 2018 khác nhiều so với truyền thống, có xu hướng giảm dần, trong đó tốc độ tăng trưởng của quý 1 là cao nhất nên rất dễ dẫn tới tâm lý như sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được, có thể dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra.

Bên cạnh đó, việc kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước nên dễ bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng.

Cùng với đó, rất dễ có thể có tâm lý hoài nghi về kết quả thống kê, dẫn tới những phân tích sai lệch về tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý chung và niềm tin của xã hội vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như tính khoa học của công tác thống kê.

Để khắc phục những yếu tố này, Bộ KH-ĐT đề nghị trong những tháng còn lại, định hướng chỉ đạo, điều hành cần kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.

Trịnh Giang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng trưởng GDP quý 1/2018 cao kỷ lục: Đừng vội mừng!