Khả năng Mỹ-Ấn cùng tuần tra Biển Đông bằng tàu chiến là điều sẽ khiến Bắc Kinh tức tối, do Trung Quốc ngang ngược đòi độc chiếm Biển Đông.
Theo Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết: Mỹ và Ấn Độ đã đàm phán nhiều về khả năng cùng tuần tra Biển Đông bằng tàu chiến.
Mỹ muốn các đồng minh khu vực và các nước châu Á có quan điểm thống nhất chống TQ ngang ngược đòi chiếm Biển Đông, xây 7 đảo nhân tạo trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Mỹ-Ấn đã tăng cường quan hệ quân sự trong vài năm gần đây, cùng tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương, mà năm ngoái có cả sự tham gia của hải quân Nhật Bản. Nhưng hải quân Ấn chưa bao giờ cùng các nước khác tuần tra, và người phát ngôn hải quân nói với Reuters: sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách của chính phủ Ấn, vốn chỉ tham gia mọi nỗ lực quân sự quốc tế dưới cờ LHQ.
Người phát ngôn nêu việc Ấn từ chối tham gia chiến dịch chống hải tặc ở Vịnh Aden cùng các nước khác, thay vào đó tự tổ chức hoạt động này ở Vịnh Aden từ năm 2008.
Quan chức quốc phòng Mỹ đề nghị giấu tên, nói với Reuters ở New Delhi: hai bên đã đàm phán về khả năng cùng tuần tra, và hai bên hy vọng sẽ bắt đầu hoạt động chung này trong năm 2016.
Vùng tuần tra sẽ là Ấn Độ Dương, nơi mà Ấn giữ vai trò chính, cùng với Biển Đông. Vị quan chức không cho biết chi tiết về kế hoạch cùng tuần tra này.
Reuters nêu TQ chưa có bình luận nào, vì TQ đang có một tuần nghỉ Tết Bính Thân.
Trong tháng 2, TQ đã tố cáo Mỹ âm mưu bá chủ hàng hải, nhân danh "quyền tự do đi lại", sau khi một khu trục hạm của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hồi tháng 1.2016.
Vào tháng 10.2015, một khu trục hạm Mỹ cũng đi vào vùng 12 hải lý quanh Bãi Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Mỹ-Ấn đều không đòi chủ quyền trên Biển Đông, nhưng cả hai nước đều ủng hộ quyền tự do hàng hải - hàng không trên vùng biển này, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Ấn hồi tháng 1.2015.
Lúc đó, ông Obama cùng Thủ tướng Ấn Narendra Modi đồng ý "xác định các khu vực để mở rộng hợp tác hàng hải".
Cuối năm 2015, vấn đề cùng tuần tra được đề cập, khi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Manohar Parrikar thăm trụ sở chỉ huy quân Mỹ tại Thái Bình Dương ở Hawaii, theo một nguồn tin chính phủ Ấn đề nghị giấu tên.
Ấn có tranh chấp biên giới với TQ, rất cẩn trọng không muốn gây thêm thù địch với nước láng giềng, nên chỉ tập trung xây dựng quan hệ kinh tế.
Nhưng Ấn cũng tăng cường sự hiện diện hải quân vượt quá Ấn Độ Dương, thường xuyên triển khai một tàu chiến đến Biển Đông, theo một hạm trưởng hải quân Ấn, người lưu ý rằng vài năm trước chưa có hoạt động này.
Vị hạm trưởng nói thêm: nhiều tàu chiến Ấn đã thăm các nước trong Biển Đông, gồm Việt Nam.
Reuters nêu Việt Nam đang nhanh chóng xây dựng khả năng quân sự, đề phòng chiến tranh với TQ trên Biển Đông, một tuyến hàng hải thương mại thế giới trị giá hơn 5.000 tỉ USD.
Nhưng vị hạm trưởng nói ý tưởng Mỹ-Ấn cùng tuần tra Biển Đông sẽ còn phải đàm phán nhiều. Philippines đã đề nghị Mỹ cùng tuần tra hải quân ở Biển Đông, và một quan chức ngoại giao Mỹ trong tháng 2 đã nói đây là điều có thể thực hiện.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)