Tàu Lunar Reconnaissance Orbiter của NASA sẽ tìm dấu vết mảnh vỡ tên lửa đâm xuống Mặt trăng và theo dõi tác động từ vụ va chạm.

Tàu NASA sẽ tìm dấu vết của vật thể đâm vào Mặt trăng

Long Hải | 25/02/2022, 20:10

Tàu Lunar Reconnaissance Orbiter của NASA sẽ tìm dấu vết mảnh vỡ tên lửa đâm xuống Mặt trăng và theo dõi tác động từ vụ va chạm.

tau-lunar.jpg
Tàu Lunar Reconnaissance Orbiter hoạt động trên quỹ đạo Mặt Trăng - Ảnh: NASA

Một mảnh vỡ tên lửa sắp đâm vào Mặt trăng vào ngày 4.3. Vụ va chạm sẽ diễn ra ở vùng tối của Mặt trăng và nằm ngoài phạm vi theo dõi của các kính viễn vọng trên mặt đất. Tàu quay quanh quỹ đạo Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của NASA có thể quan sát vùng tối của Mặt trăng, nhưng nó không xem xét khu vực va chạm dự kiến vào thời điểm sự việc xảy ra. Tuy nhiên, NASA cho biết LRO có thể tiến hành quan sát sau sự kiện.

"Sau sự kiện, LRO có thể sử dụng camera của tàu để xác định khu vực va chạm, so sánh với ảnh chụp cũ. Việc tìm kiếm miệng hố va chạm sẽ rất khó khăn và có thể kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng", một phát ngôn viên của NASA chia sẻ.

Ban đầu, các nhà thiên văn học dự đoán mảnh vỡ được cho là thuộc về tên lửa Falcon 9 của SpaceX. Tên lửa này đã phóng vệ tinh Đài quan sát Khí hậu không gian sâu NOAA (DSCOVR) vào tháng 2.2015.

ve-tinh.jpg
Vệ tinh DSCOVR được tên lửa Falcon 9 phóng lên vào ngày 11.2.2015 từ Trạm không quân Mũi Canaveral, bang Florida - Ảnh: SpaceX

Tuy nhiên, Bill Gray - nhà thiên văn học phát hiện vụ va chạm sắp tới, tuyên bố hôm 12.2 rằng ông đã nhầm lẫn khi nhận dạng vật thể sắp đâm vào Mặt trăng là tầng thứ hai của tên lửa SpaceX Falcon 9. Thay vào đó, Gray cho biết mảnh vỡ này có thể thuộc tên lửa Trường Chinh 3 C phóng trong nhiệm vụ Hằng Nga 5 T1 vào tháng 10.2014.

Nhà thiên văn học Bill Gray là người quản lý phần mềm “Project Pluto” sử dụng để theo dõi các vật thể gần Trái đất. Gray đăng thông báo điều chỉnh trên trang web của mình hôm 12.2 sau khi nhận được thư của Jon Giorgini, kỹ sư ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA.

Trong thư, Giorgini giải thích rằng quỹ đạo của tàu vũ trụ DSCOVR không quá gần với Mặt trăng. Do đó sẽ hơi kỳ lạ nếu tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 trôi trong không gian đủ gần để va chạm với Mặt trăng.

Hôm 21.2, Trung Quốc phủ nhận mảnh vỡ tên lửa đến từ nhiệm vụ của họ. Dữ liệu theo dõi từ Phi đoàn Kiểm soát Vũ trụ số 18 Lực lượng Không gian Mỹ cũng xác nhận tầng trên của tên lửa Hằng Nga 5-T1 rơi trở lại khí quyển vào năm 2015.

Tàu LRO hoạt động trên quỹ đạo từ năm 2009 và từng tìm thấy nhiều địa điểm hạ cánh của tàu Apollo trong các nhiệm vụ từ năm 1969 đến 1972. LRO thậm chí phát hiện khu vực va chạm như nơi mảnh vỡ tên lửa trong nhiệm vụ Apollo 16 đâm xuống Mặt trăng năm 1972.

Con tàu chuyên tìm kiếm dấu hiệu của nước và lập bản đồ độ phân giải cao của bề mặt Mặt trăng. Dữ liệu của tàu đóng vai trò quan trọng giúp NASA lập bản đồ và lên kế hoạch thám hiểm cho chương trình Artemis để quay lại thám hiểm Mặt trăng vào cuối thập kỷ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tàu NASA sẽ tìm dấu vết của vật thể đâm vào Mặt trăng