Đó là “bảo tàng” của ông Bùi Đình Thu (66 tuổi) ở Khu 9 (Chí Tiên,Thanh Ba, Phú Thọ). Hiện tại, bảo tàng không chỉ là nơi giao lưu gặp gỡ của các cựu chiến binh, đồng đội xưa mà còn là địa điểm tham quan có tính giáo dục lớn đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Thăm ‘bảo tàng’ 3.000 kỷ vật kháng chiến của cựu chiến binh già

Trí Lâm | 20/12/2016, 20:27

Đó là “bảo tàng” của ông Bùi Đình Thu (66 tuổi) ở Khu 9 (Chí Tiên,Thanh Ba, Phú Thọ). Hiện tại, bảo tàng không chỉ là nơi giao lưu gặp gỡ của các cựu chiến binh, đồng đội xưa mà còn là địa điểm tham quan có tính giáo dục lớn đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Sưu tầm để tri ân đồng đội

Trong ngôi nhà với diện tích khá khiêm tốn, ông Bùi Đình Thu dành hẳn một phòng để trưng bày những kỷ vật sưu tầm được suốt hơn 20 năm qua.

“Những kỷ vật này là một phần ký ức hào hùng mà đồng đội để lại, nó có ý nghĩa lịch sử và giáo dục mãi sau này nên nhất định tôi sẽ lưu giữ”, ông Thu thoăn thoắt lau chùi từng kỷ vật rồi cẩn thận đặt từng đồ vật vào vị trí cũ vừa nói.

Vừa làm ông Thu vừa kể về thời trai trẻ của mình. Ông nhập ngũ vào tháng 2.1972, khi vừa tròn 20 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ông cùng đồng đội được lệnh hành quân thần tốc vào chiến trường miền Nam, bước vào nhiều trận đánh sinh tử.

Cuối tháng 4.1974, trong một trận chiến ác liệt tại Núi Bông, thuộc mặt trận Bình-Trị-Thiên, ông bị thương, được đồng đội chuyển về tuyến sau điều trị. Năm 1975, ông xuất ngũ về quê và sau đó được hưởng chế độ thương binh, với thương tật hạng 4/4.

Ông Thu bên những kỷ vật sưu tầm được

Ông Thu bắt đầu sưu tầm những kỷ vật này từ năm 1990 bởi lý do đơn giản nhưng hết sức thiêng liêng: “Ngày ấy, do bị thương, không được cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, chứng kiến giờ phút lịch sử của đất nước, tôi cứ tiếc mãi. Vì vậy, tôi quyết định đi sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật kháng chiến này”.

Theo cựu chiến binh này, việc sưu tầm những di vật vừa để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương, vừa để tri ân các đồng đội đã ngã xuống để mình được sống, trở về. Thêm vào đó, công cuộc thống nhất đất nước của dân tộc thật hào hùng, nhưng cũng rất bi tráng. Nếu không lưu giữ lại những kỷ vật của một thời oanh liệt ấy thì các thế hệ con cháu sau này khó có thể hiểu được tường tận lịch sử, cũng như những gian khổ, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh.

Ban đầu, khi thấy ông Thu suốt ngày tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật kháng chiến cũ kỹ, nhiều người cho rằng ông là người gàn dở, thậm chí còn nói ông đang đi buôn đồng nát. Tuy vậy, ông luôn lạc quan, người xung quanh nói sao thì ông nghe vậy chứ không lung lay ý định, không hạ nhiệt đam mê.

“Việc mình thích thì mình cứ làm, nó có ích, có giá trị thì mọi người dần sẽ hiểu”, ông Thu vừa cười vừa chia sẻ. Một thời gian sau, khi thấy nhiều người đến tham quan, nhiều cựu chiến binh ngày xưa đến ôn lại một thời kháng chiến trong căn phòng nhỏ đầy ắp những di vật kỷ niệm này, mọi người xung quanh có cái nhìn khác đi, rồi đến nhà ông quan sát, tìm hiểu.

Vật dụng cá nhân luôn theo bên người các chiến sĩ

Sau hơn 20 năm lặn lội khắp vùng miền trong cả nước, ông Thu đã sưu tầm được khoảng 3.000 kỷ vật kháng chiến với đủ các chủng loại khác nhau. Đó là Cờ giải phóng, ra-đi-ô, bình tông, áo trấn thủ, máy thông tin, mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, những lá đơn tình nguyện lên đường giết giặc được viết bằng máu của các thế hệ thanh niên trong những năm kháng chiến, những bức thư của chiến sĩ gửi về từ chiến trường, từ quê nhà gửi ra tiền tuyến, những trang nhật ký, đồ dùng cá nhân của những người lính đã hy sinh…

Ngoài ra trong “bảo tàng” của ông Thu còn có những cuốn sách từ thời cải cách ruộng đất; những số báo ra đời từ đầu thế kỷ 20 như: Hồn nước, Cứu quốc, Tiến lên; các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ…

Những món kỷ vật sưu tầmđều được ông giữ gìn, bảo quản cẩn thận như những “bảo vật” truyền đời của gia đình. Tên các loại hiện vật đều được ông nắn nót viết rồi dán băng dính cẩn thận ngoài cửa tủ. Ông Thu cho biết, “bảo tàng” của ông thường đông người đến tham quan vào dịp kỷ niệm lớn của đất nước như ngày 30.4, chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5, Quốc khánh 2.9...

Ăn, ngủ dọc đường sưu tầm

Với khoản trợ cấp thương binh hạn hẹp, ông Thu trên chiếc xe máy cà tàng, ba lô, cơm nắm, muối rang rong ruổi khắp các tỉnh, từ miền xuôi đến miền ngược, trong Nam, ngoài Bắc để sưu tầm kỷ vật kháng chiến.

“Ăn dọc đường, ngủ dọc đường, nhiều khi cũng mệt nhưng có đam mê, có động lực thì không có gì là không vượt qua được”, ông Thu chia sẻ với giọng đầy quyết tâm.

Thấy chồng vất vả, ban đầu vợ con ông cũng phản đối nhưng sau đó bà đã nhanh chóng hiểu ra và cùng ông sưu tầm. Vợ ông Thu, bà Nguyễn Thị Đường bộc bạch: “Thấy ông ấy đi suốt thì tôi không yên tâm về sức khỏe, nên cũng không ủng hộ. Nhưng rồi thấy ông ấy càng sưu tầm càng phấn chấn, càng khỏe ra nên không phản đối nữa. Bản thân tôi cũng là bộ đội, làm công binh 4 năm trong chiến tranh biên giới phía Bắc chồng quân Trung Quốc xâm lược nên nhìn thấy những kỷ vật này ngày càng yêu thích việc sưu tầm của ông ấy”.

Hàng loạt kỷ vật thời chiến được ông Thu trưng bày tại nhà

Bao nhiêu năm miệt mài, ông Thu vẫn khẳng định: “Còn sức khỏe, tôi còn đi sưu tầm, tìm mua thật nhiều hiện vật thời chiến. Giá trị của những kỷ vật này là vô giá, nó như lời nhắc nhở cho thế hệ sau về giá trị của hòa bình”.

Bà Đường kể tiếp, có lần ông đang bị cảm, mới sáng sớm có điện thoại từ trong Buôn Mê Thuột nói đang giữ vài hiện vật, ông vẫn nhất quyết đi. Nhưng đi được vài cây số, ông chóng mặtrồi nôn thốc nôn tháo nên đành quay về. Tuy nhiên, đến khi sức khỏe ổn hơn ông lại sách ba lô đi.

“Mẹ con tôi ở nhà lo lắm, cứ gọi điện suốt. Sau nghe ông ấy nói đã khỏe hơn, không chỉ mua lại được kỷ vật mà còn gặp lại đồng đội cũ nên mới yên tâm”, bà nói.

Với các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội hay trong nội Phú Thọ thì ông dậy sớm đi từ 4 giờ sáng, chiều về, hoặc chỉ ở qua một đêm. Nhưng có những chuyến vào Nam như Đắc Lắc, Tây Ninh thì ông phải đi cả tháng trời. Nhiều chuyến ông đi vừa để thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp đồng đội cũ, vừa kết hợp sưu tầm.

Những chiếc phích nước gắn với kỷ niệm chiến trường

Ở nhiều tỉnh, ông Thu có nhiều người quen giúp đi tìm kiếm. Hễ ở đâu đang lưu giữ kỷ vật kháng chiến có giá trị, họ gọi, ông đều tìm đến, thuyết phục họ bán cho ông bằng được. Tuy nhiên, có những chỗ ông phải trở đi trở lại vài lần người ta với bán.

“Vật cũ từ ngày xưa họ chỉ để đó thôi, không dùng đến nhưng đến tìm mua họ hiếu kỳ không bán hoặc đòi giá cao”, ông Thu cho biết.

Được hỏi có ý định ngày nào đó sẽ bán cái đi những kỷ vật này không, ông Thu vừa cười vừa lắc đầu quả quyết: “Tôi còn sống ngày nào thì còn sưu tầm ngày đó và không bao giờ bán. Tiền thì biết bao nhiêu cho đủ hả cháu, không gì đổi được công sức hơn 20 năm và hơn thế là tâm huyết, là mong muốn giữ gìn giá trị lịch sử cả”.

Thục Linh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thăm ‘bảo tàng’ 3.000 kỷ vật kháng chiến của cựu chiến binh già