Vài tuần gần đây, tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (do LHQ bảo trợ) ở Campuchia đã chú trọng xem xét đến nạn hôn nhân ép buộc và tấn công tình dục dưới chế độ Khmer Đỏ. Hai trường hợp này đều có thể chuyển thành tội ác chống nhân loại. Báo New York Times ngày 11.9 đã đăng bài phóng sự về thân phận của các nạn nhân bị cưỡng bức hôn nhân.
Tháng 8.2016, trong căn phòng xử án rộng thênh thang ở ngoại ô Phnom Penh, một người đàn bà Campuchia tuổi trung niên đang nghiêm trang kể lại chuyện xảy ra vào một đêm của bốn thập niên trước, chuyện mà đến bây giờ bà chưa từng hé răng với ai.
Nạn nhân chỉ còn cách im lặng trước cường quyền
Để bảo vệ danh tính của bà, tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (do LHQ bảo trợ) đã đặt cho bà bí danh 2-TCCP-274. Câu chuyện xảy ra dưới thời chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia (từ năm 1975-1979).
2-TCCP-274 kể lại lãnh đạo Khmer Đỏ địa phương từng chỉ định bà kết hôn với một người đàn ông, nhưng đến phút cuối thì thay đổi quyết định và chọn người đàn ông khác cho bà.
Trong đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ hồi đầu năm 1977, bà từ chối hết những lời “đề nghị” của chồng. Người đàn ông này đã mắng vốn với vị lãnh đạo. Và người lãnh đạo đó đã cưỡng hiếp bà, đe dọa sẽ giết bà trước khi đưa bà quay trở về sống với người chồng mới.
Bà bộc bạch: “Tôi cắn môi và rơi nước mắt”. Cuối cùng bà đành để cho người đàn ông mà bà gọi là chồng quan hệ xác thịt với mình.
Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ - Ảnh: ECCC
Một người đàn ông mang bí danh 2-TCCP-232 nhíu mày kể với tòa án câu chuyện ông đã bị cưỡng bức kết hôn với một người phụ nữ khác thay vì với vị hôn thê của ông.
Đầu cúi gầm, ông nhớ lại họ đã từng làm việc trong các tổ lao động riêng trong cùng một huyện, làm công việc đào kênh và vác đất. Họ bị xem là tù chính trị vì ông từng là sĩ quan cảnh sát, còn bà con của bà thì bị “thủ tiêu” bằng cách đưa đi xa và hành quyết (có lẽ vậy) như kiểu kẻ thù cách mạng.
Tổ trưởng tổ lao động cảnh báo ông cũng có thể bị “thủ tiêu” nếu cứ cố cưới vị hôn thê của mình. Một ngày năm 1978, ông được thông báo là chính quyền Khmer Đỏ sẽ sắp xếp một cuộc hôn nhân cho ông, ông đã chẳng dám phản đối. Trong bóng tối, đám cưới tập thể được tổ chức cho khoảng 50 người đàn ông và 50 phụ nữ.
Ông kể, một số người “có lý lịch tốt” dường như được quyền lựa chọn người mà họ sẽ kết hôn. Trong đêm đó, ông sợ đến mức chẳng dám nhìn người phụ nữ mà ông kết hôn. Họ là cặp số 42.
Đêm sau đó, họ được đưa đến một căn lều tạm bợ. Ông kể lại: “Chúng tôi đối xử với nhau như anh em trong nhà. Tôi không hề chạm vào người cô ấy. Chúng tôi quá kiệt sức, không còn muốn quan hệ tình dục gì nữa. Tôi thậm chí còn chưa nhìn thấy mặt cô ấy. Chỉ đến khi trời sáng, chúng tôi mới nhìn thấy nhau một cách rõ ràng”. Rồi sau đó, họ được đưa trở lại công trường.
Quân tình nguyện Việt Nam đập tan Khmer Đỏ năm 1979 - Ảnh: VTC
Cũng tại phiên tòa, Liv Sovanna, một trong những luật sư của Nuon Chea (chủ tịch Quốc hội dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ), hỏi 2-TCCP-274 liệu bà có biết hiếp dâm là một hành vi phạm tội nghiêm trọng dưới thời Khmer Đỏ hay không.
Người đàn bà trả lời với thái độ chẳng hề bối rối: “Dĩ nhiên đó là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Nhưng tôi có thể nói với ai? Nếu tôi nói với bất kỳ ai, tôi sẽ chết. Không ai có thể giúp tôi. Ông ta là người có chức quyền”.
Cuối cùng, một thời gian dài sau khi quân đội Việt Nam đập tan chế độ Khmer Đỏ năm 1979, bà vẫn sống với người chồng mà Khmer Đỏ chỉ định cho bà, một phần cũng vì người thân kiên trì khuyên nhủ.
Cưỡng bức hôn nhân: Tội ác bị bỏ quên
Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (do LHQ bảo trợ) được thành lập năm 2006 với mục đích xem xét tác động của các chính sách nền tảng của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Theo các nhà sử học, chế độ Khmer Đỏ đã gây ra cái chết của 1,7 triệu người.
Vài tuần gần đây, tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ đã chuyển hướng quan tâm sang các quy định về hôn nhân, một trong những vấn đề thường bị bỏ qua trong bối cảnh giết người hàng loạt và các tội ác tàn bạo khác dưới thời Khmer Đỏ.
Hướng xem xét của tòa là liệu các chính sách này có làm gia tăng hôn nhân ép buộc hoặc dẫn đến tấn công tình dục hay không. Trên thực tế cả hai trường hợp này đều có khả năng chuyển thành tội ác chống nhân loại.
Đám cưới tập thể dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - Ảnh: Cambodia Daily
Các nhân chứng đã ở tuổi 60 tính đến thời điểm này đều cho thấy một thực tế là nhiều nạn nhân người Campuchia kể lại câu chuyện như một giai thoại, đôi khi với thái độ miễn cưỡng.
Chuyện thường nghe ở tòa án sẽ như sau: Các phụ nữ được ghép đôi với thương binh, quân gián điệp để xác nhận rằng họ đã có quan hệ tình dục, người ta dồn họ vào các đám cưới tập thể, nơi mà kết hôn là cái mác đầy thủ đoạn để ghép nối những người quen biết mơ hồ nhiều hơn là người hoàn toàn không quen biết.
Đám cưới tập thể như vậy được tổ chức trên cả nước, nhưng không hề có các nghi lễ Phật giáo hay phong tục chúc phúc của người thân và hàng xóm như truyền thống. Theo một số học giả, việc này nhằm làm suy yếu vai trò của gia đình, cộng đồng và tôn giáo, khẳng định quyền hạn độc tài của chế độ Khmer Đỏ.
Một số cặp vợ chồng phải san sẻ tình thương cho nhau vì bị ép buộc, và gầy dựng các mối quan hệ gượng gạo, đầy chịu đựng. Những người khác thì tiếp tục sống cuộc đời im lặng, tiếc nuối cho những lựa chọn mà lẽ ra họ đã có.
Khánh Nguyên (Theo New York Times)
Bài 2: Khmer Đỏ đã bào chữa như thế nào?