Một dự án chuyển đất nông nghiệp trồng lúa sang chia lô bán nền mang tính thỏa thuận đã vấp phải sự bất đồng của một hộ dân. UBND xã đã cho xây mương, bít đường thoát nước khiến 2.000 m2 lúa của người dân chết úng.

Thanh Hóa: Vận động giao đất không thành, UBND xã xây mương cho lúa chết úng

Theo Pháp luật VN | 06/03/2017, 21:13

Một dự án chuyển đất nông nghiệp trồng lúa sang chia lô bán nền mang tính thỏa thuận đã vấp phải sự bất đồng của một hộ dân. UBND xã đã cho xây mương, bít đường thoát nước khiến 2.000 m2 lúa của người dân chết úng.

Đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Trần Thị Hạnh (SN 1952, trú tại thôn Văn Thắng, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) phản ánh, do gia đình không đồng ý nhận tiền đền bù giao đất trồng lúa cho dự án, UBND xã đã xây mương, bít đường tiêu thoát nước, khiến toàn bộ ruộng mạ của gia đình bị thối úng.

Đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp của gia đình bà Hạnh gửi đi nhưng rơi vào im lặng.

Theo đó, gia đình bà Hạnh sử dụng hợp pháp diện tích 1.098m2 đất nông nghiệp trồng lúa hằng năm, thể hiện tại thửa số 66, 79, 199, 256, 386 thuộc tờ bản đồ số 6 bản đồ địa chính xã Đông Văn.

Khu ruộng trên được cấp bìa đỏ số 0675780 ngày 11.7.1994 thuộc chủ sở hữu là bà Trần Thị Hạnh. Năm 2006, UBND xã thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, chuyển toàn bộ diện tích trên về thửa số 139, tờ bản đồ số 6, phía Bắc giáp đường liên huyện, phía Tây giáp đường liên thôn.

Đầu năm 2016, UBND huyện Đông Sơn có chủ trương thu hồi đất nông nghiệp của 13 hộ dân chuyển sang quy hoạch xây dựng khu dân cư. UBND xã đã nhiều lần đến vận động, thuyết phục nhưng gia đình bà Hạnh không đồng ý, vì toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trên là nguồn thu nhập chính của gia đình.

"Cuối năm 2016, UBND xã Đông Văn cho xây dựng mương nước tưới tiêu mới đi vòng qua khu ruộng nhà tôi. Nhưng khó hiểu là kênh mương không hề đặt đường ống tưới tiêu nước. Việc này khi bơm nước đổ ải đã gây ngập đường liên thôn nhiều ngày”, bà Hạnh cho biết.

Nhiều lần, đại diện các ban ngành UBND xã đến nhà vận động, thông báo, nếu gia đình không chịu nhận bồi thường, giao đất cho dự án, thì việc ngập úng phải tự lo, tự chịu trách nhiệm.

Đặc biệt, khi gia đình bà Hạnh tiến hành gieo cấy vụ chiêm Xuân 2017 trên diện tích 1.098m2, thì UBND xã Đông Văn lại ra lệnh xả nước, khiến toàn bộ khu ruộng của gia đình nước bị rò rỉ tràn vào ngập úng.

Vì xã xây kênh mương bịt hết đường thoát, đau lòng trước cảnh mạ mới cấy bị ngập trong nước úng chết dần, nên ngày 11.2.2017, gia đình bà Hạnh đã đục 2 lỗ thoát nước nhỏ vào kênh mương để thoát nước cứu lúa.

Tức thì lực lượng Công an xã và địa chính có mặt lập biên bản vi phạm, yêu cầu lấy xi măng bịt lại lỗ thoát.

Vậy là nhiều ngày qua, gần 2.000m2 lúa mới cấy (bà Hạnh có 1.098m2, số còn lại là diện tích lúa của gia đình ông Lê Văn Được) bị chết úng trong sự xót xa.

Theo bà Hạnh, sau khi lập biên bản, Trưởng Công an xã Nguyễn Đình Bình đã tuyên bố “gia đình bà không còn bất cứ quyền gì về sử dụng đất nữa”. Việc tuyên bố này, ông Bình cho biết là thừa lệnh Chủ tịch UBND xã Lê Đình Thọ.

Ông Lê Đình Thọ, Chủ tịch UBND xã Đông Văn

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Thọ, Chủ tịch UBND xã Đông Văn khẳng định, không hề có chuyện đó, xã không hề cấm. Việc bà Hạnh chưa đồng ý nhận đền bù và bàn giao đất, thì bà Hạnh vẫn là chủ sở hữu hợp pháp, được toàn quyền canh tác trên thửa đất.

Tuy nhiên, tại biên bản làm việc ngày 14.2.2017 của Công an xã Đông Văn với gia đình nêu rõ: “Sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ vụ việc, căn cứ vào các quy định của pháp luật, chúng tôi thống nhất kết luận diện tích canh tác của hộ bà Hạnh nằm trong diện tích quy hoạch đất ở năm 2016 đã được huyện phê chuẩn. Không được tiếp tục canh tác”.

Biên bản do Trưởng Công an xã Đông Văn ký thể hiện sự sai phạm khi kết luận gia đình bà Hạnh "không được tiếp tục canh tác"

Trước biên bản trên, Chủ tịch Thọ lúng túng thừa nhận biên bản có sai phạm và giải thích “do Trưởng Công an xã mới chuyển về, trình độ non kém…”.

Theo ông Thọ, đây là dự án chuyển đổi quy hoạch khu dân cư, thu hồi đất nông nghiệp để chia lô bán nền. Vừa qua, 13 hộ dân có ảnh hưởng đã nhận tiền đền bù, giao đất cho dự án. Xã đã triển khai chia lô, bán đấu thầu và có 68 suất trúng thầu, thu về khoảng 8 tỉ đồng.

Đặc biệt, khi triển khai dự án, nếu các hộ dân không đồng ý giao đất, nhận ĐBGPMB thì không thể thực hiện được. Vì dự án có tính chất thỏa thuận, phải được sự đồng thuận, nhất trí của người dân khi giao đất.

Khi được hỏi “Vì sao UBND xã xây kênh mương lại không thực hiện cấp, thoát tiêu nước, để gây ngập úng, chết hết lúa của 2 hộ dân”? Thì ông Thọ điềm nhiên nói “Xã đã thông báo nếu không giao đất cho dự án, gia đình phải tự chịu trách nhiệm trong việc sản xuất, ngập úng cũng phải tự giải quyết”.

Trước sự việc trên, gia đình bà Hạnh bức xúc khẳng định “Vì gia đình tôi không đồng ý giao đất cho dự án, khuất tất trong quá trình trong đền bù, chia lô bán nền. Nên UBND xã tìm mọi cách vận động, thuyết phục. Khi không được thì xây mương bít đường thoát nước làm chết lúa, ép chúng tôi phải đồng ý bằng mọi cách”.

Theo Hoàng Anh Thắng/Pháp luật VN
Bài liên quan
An Giang: Dự án nâng cấp đường tỉnh 948 gặp khó về giải phóng mặt bằng
Tuyến đường tỉnh 948 có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa hai huyện Tịnh Biên - Tri Tôn; kết nối hai thành phố Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) và tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là tuyến đường chính phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nâng cấp, mở rộng khẩn cấp tuyến đường này hiện đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh Hóa: Vận động giao đất không thành, UBND xã xây mương cho lúa chết úng