Đã có một quan niệm sống rất khác lạ, rất “kinh tế thị trường” nảy sinh trong tư duy của nhiều bậc phụ huynh là sinh con gái như sở hữu một kho báu chờ ngày khai thác.
Những năm trở lại đây nhiều cuộc thi nhan sắc nở rộ như nấm gặp mưa. Đó là những cuộc thi hoa hậu với nhiều tên gọi khác nhau nhưng đều “na ná” như nhau từ cách tuyển chọn, thi cử đến chuyện… lùm xùm quanh những cuộc thi. Có cuộc thi hoa hậu từ Ban tổ chức đến Ban giám khảo đều bị kiện, thậm chí Ban giám khảo bị tố là gạ tình thí sinh để đổi giải.
Có cuộc thi cả năm sau thí sinh không được nhận tiền thưởng, phải ngược xuôi đi kiện để đòi. Có cuộc thi bị tố vi phạm quy định, điều lệ vì có sự “đặc cách” hay “thiên vị” thí sinh nào đó để đạt giải cao, thậm chí ngôi vị “hoa hậu” mà đằng sau nó là chuyện gì ai cũng biết.
Nếu nhẩm tính những cuộc thi nhan sắc với nhiều tên gọi khác nhau nhưng cùng một mục đích là chọn “người đẹp” thì hàng năm ở cả nước ta tính ra tới hàng chục cuộc thi. Ngoài danh vọng, giải thưởng, ngôi vị hoa hậu, á hậu là ngưỡng cửa bước vào thế giới người mẫu thời trang, diễn viên điện ảnh, thậm chí trở thành ca sĩ.
Một bước thành “sao”, nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền và tương lai rộng mở cho một cô gái có “thương hiệu” sắc đẹp không chỉ lung linh trong thế giới phù hoa mà còn được nâng cấp giá trị để có cơ hội lấy chồng nước ngoài, đại gia thành đạt.
Do đó những cuộc thi nhan sắc đã làm thay đổi mãnh liệt quan niệm sống, ý thức văn hóa, hy vọng và cả tham vọng không chỉ đối với bản thân một cô gái còn ngồi trên ghế nhà trường mà cả với những gia đình, nhiều bậc phụ huynh.
Đã có một quan niệm sống rất khác lạ, rất “kinh tế thị trường” nảy sinh trong tư duy của nhiều bậc phụ huynh là sinh con gái như sở hữu một kho báu chờ ngày khai thác. Nếu cô con gái rượu ấy có nhan sắc, trở thành á hậu, hoa hậu thì đích thị là cái mỏ kim cương. Tư duy này đã phá vỡ truyền thống, bản sắc văn hóa của người Việt Nam, gia đình có một cô con gái được làm hoa hậu lấy chồng tỉ phú nước ngoài có khác gì gia đình nông dân có cô con gái quê lấy chồng… Đài Loan, Hàn Quốc?
Không bàn luận những chuyện tai tiếng, tiêu cực liên quan đến tình, tiền quanh các cuộc thi hoa hậu ở nước ta, chỉ một việc khi được ngôi vị hoa hậu, á hậu là “cửa thiên đường” rộng mở đối với một cô gái đã đủ cho những cô nữ sinh xem chuyện học hành, thi cử lấy bằng cấp, tốt nghiệp ra trường nhẹ hơn việc học… làm hoa hậu, và thế là tiêu chuẩn nhan sắc sẽ vượt lên trên, đứng hàng đầu đối với một cô gái kéo theo bao nhiêu thay đổi khác, quan niệm khác và… hệ lụy khác.
Đấy là chỉ nói đến những cuộc thi hoa hậu mà thí sinh dự thi đủ tuổi trưởng thành, đúng như quy định, điều lệ là các cô gái từ 18 tuổi. Có lẽ thấy mỗi năm tổ chức hàng chục cuộc thi hoa hậu như thế vẫn chưa đủ, người ta còn bày ra tổ chức thi hoa hậu dành cho lứa tuổi mới lớn, hoa hậu tuổi teen cũng với nhiều tên gọi khác nhau để “lách” quy định như: Imiss Thăng Long, Mr and Miss Teen, Miss Việt Đức, Hot Vteen…
Còn nhớ, riêng cuộc thi Miss Teen Việt Nam cách đây không lâu đã quy tụ hàng ngàn nữ sinh THPT tham gia, vòng chung kết kéo dài nửa tháng và toàn bộ cuộc thi nhan sắc học đường này kịch bản cũng na ná như những cuộc thi hoa hậu người lớn, cũng đủ các loại danh hiệu từ vòng ngoài tới vòng trong và top 20, top 10… để tiến vào vòng chung kết, cũng biểu diễn trang phục dạ hội, áo tắm và thi ứng xử với những câu hỏi bốc thăm, trả lời… na ná thi hoa hậu.
Tất nhiên khi tham dự những cuộc thi dồn này, các em nữ sinh sẽ phải tạm gác lại chuyện học tập, thi cử ở trường mà dồn sức cho việc học tập, đào tạo, rèn luyện từng bước đi, thể hiện cá tính trên gương mặt, phục trang, kiểu tóc, tham gia các hoạt động dã ngoại vòng ngoài, công tác xã hội - từ thiện, vận động việc bình chọn qua mạng… nói chung là không còn thời gian dành cho học hành, thi cử của nhà trường.
Rồi cha mẹ đầu tư cho con gái dự thi hoa hậu, gia đình rối lên vì có một cô con gái đẹp sắp thi hoa hậu, bao nhiêu hy vọng và kỳ vọng… Với những cuộc thi hoa hậu người lớn, thí sinh tham gia đủ 18 tuổi tổ chức dồn dập, tai tiếng… xã hội đã hết sức dị ứng và đồng tình thì ít mà phê phán thì nhiều vì ai cũng biết rằng xoay quanh những cuộc thi ấy là chuyện tiền bạc, thu hút tài trợ… đến những cuộc thi nhan sắc học đường thì sự bức xúc của dư luận đã lên cao và phê phán gay gắt.
Người ta tìm lợi lộc gì qua những cuộc thi hoa hậu tuổi mới lớn, tuổi teen? Nhiều nhà tâm lý học đã phân tích, lợi lộc đâu chưa biết mà hình như chẳng có lợi lộc gì nhưng tác hại thì đã thấy rõ, các em học hành sa sút, sự hồn nhiên ở lứa tuổi học trò không còn bởi tính ganh đua giành ngôi vị cao nhất, tập làm người lớn trước tuổi như những cánh hoa nở ép không đợi đến mùa.
Tâm sinh lý các em sẽ xáo trộn với quá nhiều thay đổi trước, trong và sau cuộc thi nhất là đầu óc sẽ vươn tới chuyện… tiền bạc, một thế giới phù hoa mà tuổi các em và ý thức các em chưa sẵn sàng cho sự ứng phó.
Cũng cách đây vài năm người ta lại lăng xê nhiều bộ ảnh của một “siêu mẫu” trên báo mạng. Em Lê Hoàng Bảo Trân, 12 tuổi, cao 1,72 mét, có nét đẹp rực rỡ của một thiên thần. Không ai chối cãi em gái này mang một vẻ đẹp thánh thiện, rực rỡ nhưng ở tuổi 12 chắc em mới học lớp 6 – 7, tuổi chưa đủ lớn để hiểu thế nào là một “siêu mẫu”, thế mà người ta đã đưa em vào thế giới “người mẫu” để sải những bước chân chưa đủ tuổi phát triển trên sàn diễn thay vì chỗ của em là lớp học, nâng cao kiến thức học tập, văn hóa…
Không khéo người ta hướng em vào một thế giới khác, sự điên đảo của đồng tiền và việc kiếm tiền bỏ lại cả một khoảng trời mơ mộng, hồn nhiên, trong sáng của thế giới học đường mà em còn ít nhất 10 năm hay hơn thế nữa để theo đuổi.
Nam Trân