Bài viết này đi sâu vào việc tìm hiểu về kiến trúc và bài trí trong An Sơn Miếu ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), để từ đó khẳng định ngôi miếu linh thiêng này thực sự thờ những ai!

Thêm tài liệu về 'An Sơn miếu ở Côn Đảo thờ ai?'

Theo Nguoidothi | 06/08/2022, 15:45

Bài viết này đi sâu vào việc tìm hiểu về kiến trúc và bài trí trong An Sơn Miếu ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), để từ đó khẳng định ngôi miếu linh thiêng này thực sự thờ những ai!

Truyền thuyết về An Sơn Miếu ở Côn Đảo

Không biết từ lúc nào, đời sống tâm linh của nhiều người, không chỉ người dân ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) rất tin tưởng vào sự linh ứng của bà Phi Yến và chị Võ Thị Sáu.

Riêng về sự linh ứng của bà Phi Yến xuất phát từ cái chết oan nghiệt trong truyền thuyết kể về bà. Dân gian đồn rằng, vào tháng 6.1783, khi bị thủy quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Ánh đã chạy trốn ra Côn Đảo. Thất thế trước sự truy lùng của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh định giao ấn tín và hoàng tử Cảnh cho giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện.

Việc cầu viện ngoại bang này đã bị bà Phi Yến (tên thật là Lê Thị Răm), người vợ trẻ của Nguyễn Ánh, phản đối. Nguyễn Ánh định xử tội chết, nhưng đô đốc Ngọc Lân can gián nên chỉ giam bà Phi Yến trên hòn đảo nhỏ (Hòn Bà) và sau đó đã ra lệnh quăng hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh) đang khóc la vì thiếu mẹ, xuống biển đề thoát thân trong cuộc truy bắt của quân Tây Sơn.

Bà Phi Yến được dân đảo cứu thoát, nhưng bà đã phải quyên sinh sau khi chống trả lại sự cưỡng bức của một quan lại ở địa phương. Câu chuyện trên đã lưu lại đời sau câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu đời đắng cay!”. Người dân Côn Đảo đã cảm thương cho bà, lập An Sơn Miếu để thờ phụng, ngày ngày hương khói. [1]

ansomieu.jpg
Ảnh chụp các bức trướng trang trí trong An Sơn Miếu trước đây - Ảnh: TL

Từ lâu, việc thờ phụng bà Phi Yến ở An Sơn Miếu tại Côn Đảo đã có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Tuy nhiên, ngày 9.4.2022 vừa qua, khi “Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - lễ hội truyền thống thuộc di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh An Sơn Miếu tại huyện Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” [2] thì việc thờ phụng ở An Sơn Miếu đã được giới chuyên môn quan tâm, nghiên cứu viết nhiều bài đăng tải trên báo chí, đặt ra nhiều vấn đề liên quan.

Quan trọng nhất là Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học vào chiều ngày 26.4.2022 về đề tài "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản". Buổi tọa đàm đã kết luận: bà Phi Yến hoàn toàn không phải là vợ của vua Gia Long; không hề có chuyện Nguyễn Ánh ném con xuống biển trong quá trình chạy trốn quân đội Tây Sơn; Nguyễn Ánh khi thất trận ở Gia Định đã không chạy đến đảo Côn Đảo - nơi xuất phát truyền thuyết về bà Phi Yến.

Vào cuối tháng 5.2022, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản số 3176/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Di sản văn quốc gia và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về di sản văn hóa.[3]

Bài viết này chúng tôi không bàn đến các nội dung đã có kết luận ở trên, mà đi sâu vào việc tìm hiểu về kiến trúc và bài trí trong An Sơn Miếu ở Côn Đảo, để từ đó khẳng định ngôi miếu linh thiêng này thực sự thờ những ai!

Kiến trúc và bài trí trong An Sơn Miếu ở Côn Đảo

Trước hết, An Sơn Miếu nằm trên một khuôn viên rộng khoảng 4.200m2, có hàng rào bao quanh, giữa là ba căn nhà liền nhau, nằm ngang theo dạng chữ nhất (一) trong Hán tự, chiều dài 50m, chiều rộng 21,5m. Cổng miếu quay về hướng tây nam, bằng xi măng.

Bên trên cổng có gắn tấm biển cũng bằng xi măng, nền sơn vàng, với dòng chữ “ 安 山 廟 An Sơn Miếu” đắp nổi sơn đỏ.

Chánh điện của ngôi miếu là một ngôi nhà tứ trụ, cột kèo bằng gỗ, lớp ngói vảy cá, có cửa chính quay về hướng đông. Bên trên cửa gắn tấm bảng gỗ, nền vàng, chữ Hán sơn đỏ “安 山 廟 An Sơn Miếu”. Xung quanh bảng trang trí hình hoa cúc dây. Hai bên trái phải của chánh điện là hai căn nhà đãi tiệc giỗ bà Phi Yến vào 17, 18 tháng 10 âm lịch hằng năm. Ngoài ra, còn có nhà nghỉ, nhà bếp, nhà kho ở phía sau chánh điện.

Trong chánh điện An Sơn Miếu có đặt bốn bàn thờ. Ngoài cùng, chính giữa, là bàn thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa, lui vào phía trong, là bàn thờ tượng bà Phi Yến. Bên phải bàn thờ bà Phi Yến là bàn thờ quan Đô đốc Ngọc Lân và bên trái là bàn thờ hoàng tử Cải.

Trên mỗi bàn thờ đều có các đồ thờ quen thuộc, như: lư hương (đỉnh trầm), chân đèn, bình hoa, dĩa trái cây… Tuy nhiên, các đồ thờ trên các bàn thờ trong An Sơn Miếu bài trí theo kiểu “song bình, độc quả” của người Việt ở Bắc bộ, gồm hai bình bông (hoa) ở hai bên trái phải và chính giữa là dĩa trái cây, không giống với truyền thống bài trí “đông bình, tây quả” của người Việt ở Nam bộ (bình bông đặt bên trái bàn thờ từ trong nhìn ra, còn bên phải đặt dĩa trái cây trên cái chò ba chân bằng gỗ)! [4]

ansomieu2.jpg
Ảnh chụp các hoành phi, liễn đối bằng gỗ, chạm nổi chữ Quốc ngữ với nội dung đề cao gương trung trinh, tiết hạnh của bà Phi Yến ở An Sơn Miếu, với đồ thờ bài trí hai bên là bình hoa, giữa là trái câu theo kiểu “song bình, độc quả” của dân gian Bắc bộ - Ảnh: TL

Trước đây, nội thất An Sơn Miếu, được trang trí bởi nhiều bức trướng đỏ sậm thêu nổi chữ Quốc ngữ màu vàng, treo ngang hay treo dọc trên các cây cột, cây xà ngang. Ngày nay, các hoành phi, liễn đối hình như bằng gỗ đã được thay thế, trên đó khắc nổi lên các chữ Quốc ngữ, có nội dung đề cao công đức của đối tượng thờ chính là bà Phi Yến.

Trước hết là bức hoành phi treo cao nhất, ở chính giữa (nơi thờ bà Phi Yến), có khắc bốn chữ “Oai linh nương nương”. Ngay bên dưới, cũng nằm chính giữa, là bức hoành phi chạm nổi bốn chữ: “Đức Bà Phi Yến”. Trên hai cây cột ở hai bên bàn thờ bà Phi Yến là cặp liễn bằng gỗ, khắc nổi hai vế đối bằng chữ Quốc ngữ: “Trung trinh giáng [5] quân thiên cổ chiếu/ Tiết hạnh quyên sinh vạn đại truyền”, tạm dịch:

Trung trinh can Chúa ngàn năm rạng/ Giữ tiết bỏ thân vạn thuở truyền. (Cao Vinh dịch nghĩa).

Ngoài ra, ở bên trái và bên phải bàn thờ bà Phi Yến, phía trước hai bàn thờ của Đô đốc Ngọc Lân và hoàng tử Cải có cặp hoành phi có lẽ cũng bằng gỗ, chạm nổi hai câu: “Quốc thái dân an” và “Mưa thuận gió hòa”.

An Sơn Miếu ở Côn Đảo thực sự thờ ai?

Khảo sát kỹ càng hơn ở An Sơn Miếu, chúng tôi còn thấy trong cùng bàn thờ của bà Phi Yến là một trang thờ bằng gỗ sơn đỏ hơi cũ, trên cao, giữa trang trang trí hình tượng “lưỡng long tranh châu” (hai rồng giành quả châu) màu vàng cũ kỹ.

Hai bên trái, phải của trang thờ này có cặp câu đối chữ Hán màu đen, viết giữa các ô hình tròn vàng, trên nền gỗ sơn màu đỏ, nội dung như sau:

聖德配天安海國

母儀稱后蔭崑邦

THÁNH đức phối THIÊN an Hải quốc

MẪU nghi xứng HẬU ấm Côn bang

Tạm dịch:

THÁNH đức sánh THIÊN yên lành Hải quốc

MẪU nghi xứng HẬU ơn giúp Côn bang

(Cao Vĩnh phiên âm, dịch nghĩa)

Hai câu đối, về hình thức, là một cặp câu đối rất chỉnh ở cả đối thanh lẫn đối ý. Trong đó, hai từ “Hải quốc” và “Côn bang” đã xác định cụ thể cặp câu đối này ý chỉ vùng đất Côn Đảo.

Tuy nhiên, thú vị hơn cả là, trong hai câu đối đã có hai từ “Thánh”, “Mẫu” ở đầu câu mà giới chuyên môn gọi là quán thủ 串首, cùng với hai từ “Thiên”, “Hậu” ở chữ thứ tư của câu một và câu hai mà giới chuyên môn gọi là quán tâm 串心. Từ đó, chúng ta thấy rằng hai câu đối này đề cao công đức của “Thánh Mẫu Thiên Hậu” vốn là một vị thần biển trong tín ngưỡng của cộng đồng dân cư ở Nam Trung Hoa đã mang theo khi di dân đến định cư ở Nam bộ và giao lưu văn hóa với người Việt [6], bởi vì xưa nay nội dung của cặp câu đối hai bên trái phải của bàn thờ bao giờ cũng là “bản sử kể lại sự tích, công lao của đối tượng được thờ”. [7]

ansonmieu3.jpg
Ảnh chụp bàn thờ bà Phi Yến với tượng đặt trong hộp kính (giữa). Trong cùng là trang thờ bằng gỗ sơn đỏ, có hai câu đối viết chữ đen trên nền vàng nội dung tôn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - Ảnh: TL

Vấn đề cặp câu đối hai bên bàn thờ đề cao đối tượng thờ người ta có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi thờ cúng khác. Chẳng hạn như tại chánh điện của Thiên Hậu Cung ở số 4, đường Nguyễn Du (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) có cặp câu đối hơi giống với cặp câu đối tại trang thờ trong chánh điện An Sơn Miếu ở Côn Đảo, như sau:

聖德配天海國慈航普濟

母儀稱后桑楡俎豆重光

THÁNH đức phối THIÊN hải quốc từ hàng phổ tế

MẪU nghi xưng HẬU tang du trở đậu trùng quang

Tạm dịch:

Thánh đức sánh Trời, đất mới bè từ nâng đỡ hết

Mẫu nghi rõ Hậu, làng xưa cúng tế ấm nồng thêm

(Cao Vĩnh phiên âm và dịch nghĩa)

(Hải quốc: người Trung Hoa di cư bằng đường biển nên gọi chỗ đến như vậy

Từ hàng: chiếc bè của tình thương - chữ của nhà Phật

Tang du: hai loài cây tượng trưng cho quê hương)

Một ví dụ khác là cặp đối thờ Quan Thánh Đế Quân ở Hiệp Thiên Cung tại số 29, đường Hàm Nghi (phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ), như sau:

聖德無疆沾萬古,

帝恩靡極頌千秋

THÁNH đức vô cương triêm vạn cổ,

ĐẾ ân mĩ cực tụng thiên thu.

Tạm dịch:

Đức Thánh vô cùng thấm nhuần muôn thuở,

Ơn Vua tột bậc ca tụng ngàn thu.

Tóm lại, trang thờ ở giữa của An Sơn Miếu ở Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi mà hiện nay thờ tượng bà Phi Yến, trước kia, chính là thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (một vị hải thần), bởi “cư dân đến Côn Đảo từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng khi đến đây, đa số họ đều gắn với nghề biển vì các rẻo đất ven núi chật hẹp, lại phụ thuộc hai mùa mưa nắng nên rất khó bám nghề nông” [8] .

Như vậy, phải chăng tục thờ bà Phi Yến tại An Sơn Miếu ở Côn Đảo là lớp văn hóa tín ngưỡng có sau, đã thờ chồng lên tín ngưỡng tôn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu có từ trước?

Hồ Tường (Tiến sĩ, Giảng viên Trường đại học Bình Dương)

[1] Phạm Quang Minh (2020), Mảnh đất, con người Côn Đảo, đăng trên website Bảo Tàng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày 06.08.2020; truy cập ngày 17.7.2022. https://www.baotangbrvt.org.vn...

[2] Huỳnh Sơn (2022), Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đăng trên Vietnamplus ngày 9.4.2022; truy cập ngày 17.7.2022. https://www.vietnamplus.vn/le-...

[3] Văn Thắng (2022), Vụ truyền thuyết về Thứ phi Hoàng Phi Yến: Yêu cầu xử lý thư kiến nghị của Nguyễn Phước tộc, đăng trên báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng ngày 30.5.2022; truy cập ngày 17.7.2022. https://www.sggp.org.vn/vu-tru...

[4] Thiên Anh (2020), Bảo tồn di tích An Sơn Miếu: thực trạng và giải pháp, đăng trên website Bảo Tàng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày 06.08.2020; truy cập ngày 17.7.2022.

https://www.baotangbrvt.org.vn...

[5] Chữ “giáng” sai chính tả, vì ý nghĩa của câu nhắc lại sự can gián của bà Phi Yến trước quyết định cầu viên Pháp của chúa Nguyễn Ánh. Đúng theo ý nghĩa của câu phải viết là “gián”.

[6] Nguyễn Ngọc Thơ (2018), Tục thờ và miếu thờ Thiên Hậu của người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nhà xuất bản Nghiên Cứu Văn Hóa, Hà Nội.

[7] Vũ Ngọc Đinh (2022), Về nội dung và giá trị của câu đối chữ Hán ở các ngôi chùa Việt, đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo ngày 6.4.2022; truy cập ngày 17.7.2022.

https://tapchivanhoaphatgiao.c...

[8] Đinh Văn Hạnh (2008), Miếu Bà ở Côn Đảo thờ ai? đăng trên website Văn Chương Việt ngày 27.01.2008; truy cập ngày 16.7.2022. https://www.vanchuongviet.org/...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
35 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm tài liệu về 'An Sơn miếu ở Côn Đảo thờ ai?'