Nhiều người lầm tưởng rằng bẫy chuột đồng là công việc dễ dàng nhưng trên thực tế, nó lại rất kỳ công và phải linh hoạt.
Theo chân "sư phụ" bẫy chuột đồng
Ở P.Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Sơn (64 tuổi) được những người trong xóm tôn là “sư phụ” bẫy chuột đồng. Những dụng cụ bẫy chuột đều do ông tự trang bị, từ bẫy sập đến đèn soi đội đầu (sử dụng pin tự chế) và cần đựng bẫy gập chuột.
“Ông ấy đi thoăn thoắt trên bờ ruộng, có khả năng quan sát và đặt bẫy rất nhanh. Ai đi sau ổng, mai đi thăm bẫy thì chỉ có nước tay không đi về. Bình quân mỗi ngày, ông Sơn bắt được từ 5- 8 kg chuột cơm sống, chỉ để gia đình ăn, không bán vì do tình hình dịch bệnh. Như tui và các anh em khác, cũng không thể bắt được số lượng như vậy”, anh Trí Tâm (42 tuổi, ngụ địa phương) nhận xét.
Với khả năng bẫy chuột rất giỏi, ông Sơn thường được các thanh niên trong xóm gọi là “sư phụ” và xin đi theo để học kinh nghiệm, trong đó có nhóm của anh Trương Chí Hùng (thường gọi “Hùng cà khịa”).
Chiều 5.7, người viết bài đã cùng với nhóm “Hùng cà khịa” đem theo 20 chiếc bẫy từ P.Mỹ Xuyên đến nhà ông Sơn để xin đi theo "thọ giáo" nghề đặt bẫy chuột đồng. Sau đó, nhóm đã cùng "sư phụ bẫy chuột" đi dọc bờ đê các ruộng lúa (chưa quy hoạch đô thị - PV). Khi đi, mọi người chỉ mang theo bộ đồ nghề đơn giản gồm: bẫy, đèn soi và đoạn tre dài.
Theo kinh nghiệm mà “Hùng cà khịa” chia sẻ, bẫy chuột không khó, chủ yếu là siêng năng, mắt phải linh hoạt, tìm vị trí đặt phù hợp là sáng mai có thu hoạch.
“Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, một số anh em đặt bẫy không đúng, không hợp lý nên khi thăm về tay trắng. Bây giờ đặt bẫy chuột mà để mồi cá chiên, phô mai... vừa tốn tiền vừa không thu hoạch được gì cả. Tụi tôi học theo “sư phụ” Sơn, chỉ để lúa, chuối, dưa hấu là sáng mai thu vài ký chuột khỏe re”, “Hùng cà khịa” bộc bạch.
Ngoài đồng, gió chiều thổi mạnh và tiếng côn trùng rả rích. Nhóm “Hùng cà khịa” và ông Sơn di chuyển rất nhanh đến địa điểm là một cánh đồng vừa xong vụ thu hoạch lúa. Đến đây, các thành viên trong nhóm tự chia ra di tản, mỗi người một hướng riêng. Chân không mang dép nên họ di chuyển rất nhẹ nhàng.
Tôi quyết định bám theo ‘sư phụ” Sơn để tận mắt chứng kiến kỹ thuật đặt bẫy chuột. Cầm thanh tre quét nhanh trên bờ đê, ông Sơn liền lấy chiếc bẫy gập trên vai bẻ một góc chuối chín (hoặc 1 bọc nilong nhỏ đựng lúa) nhét vào bẫy rồi thả vào những gốc mạ, bụi rậm. Nhìn ông hoạt động thoăn thoắt chẳng mấy chốc hàng chục chiếc bẫy trên vai ông đã hết.
Nhấp một miếng nước, ông Sơn chia sẻ: “Một trong những cách được tui chọn để bắt chuột chính là dùng bẫy sập. Cách làm bẫy chuột thủ công truyền thống này cũng đơn giản, chỉ sử dụng loại bẫy lò xo, dụ chuột rơi vào bẫy bằng đồ ăn và bị tóm gọn một cách dễ dàng. Ưu điểm của cách làm này là có thể bẫy chuột rất gọn gàng mà không gây mất vệ sinh hay nguy hiểm”.
Cũng theo ông Sơn, muốn dụ chuột thì chỉ cần làm mồi nhử sau đó đặt vào trong lồng. Mồi nhử là các loại thức ăn mà loài chuột thích ăn như bắp, dưa hấu, chuối và lúa. "Đặt lồng bẫy ở các vị trí mà chuột thường xuyên lui tới hay gần với ổ chuột. Khi chuột đi kiếm ăn sẽ bị thức ăn trong lồng thu hút, nếu chúng vào lồng để lấy thức ăn, cửa lồng sẽ sập xuống", ông Sơn hướng dẫn.
Sau khi hoàn tất việc đặt bẫy thì đồng hồ đã chỉ gần 19 giờ cùng ngày, ông Sơn khoát tay ra hiệu cho bọn tôi rút về. Trên đường về, họ nói với nhau về việc đặt bẫy, thách thức xem mai thăm bẫy ai thu hoạch nhiều nhất thì được thưởng một bịch cà phê do người viết "tài trợ".
20 chiếc bẫy thu hoạch 7 ký chuột đồng
Như đã hẹn vào khoảng 6 giờ sáng ngày 6.6, tôi và nhóm “Hùng cà khịa” đã có mặt tại nhà ông Sơn. Cuộc thăm bẫy bắt đầu, cả nhóm và ông Sơn rảo một vòng quanh các bờ đê, khi thấy những chiếc bẫy đã dính chuột, ông Sơn mới dừng lại ngồi nghỉ.
Nhóm của “Hùng cà khịa” bắt đầu đếm số chuột thu hoạch trong 20 chiếc bẫy. Chí Nghĩa, một thành viên trong nhóm của Hùng bỗng hô lên: “Mọi người ơi! Nhìn xem 20 chiếc bẫy của “sư phụ” ông Sơn kìa. Chuột nhiều thế!”. Trong lần thu hoạch này, số chuột ông Sơn bẫy được khoảng 7 ký.
Ông Sơn cho biết, sau khi thu hoạch chuột, ông không đem ra chợ bán mà chỉ để dành cho gia đình và tặng người thân, hàng xóm.
Được biết, hiện tại giá thịt chuột đồng tại chợ Xẻo Trôm, P.Mỹ Phước, TP.Long Xuyên có giá dao động từ 80.000 -100.000 đồng/kg. Ngoài các khu chợ, chuột đồng còn được bán nhiều tại các cửa khẩu biên giới.
Chuột đồng được xem là món ăn dân dã của người miền Tây và những du khách thích trải nghiệm ẩm thực. Tại nhiều quán nhậu, thịt chuột được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu và ngon miệng như nấu mẻ, nướng, chiên, xào...