Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã trả lời, làm rõ một số nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về chất lượng sách giáo khoa (SGK) và việc cần thiết tổ chức kỳ thi THPT hay không?
Ngày 11.11, Quốc hội có phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu quốc hội Đồng Tháp) đã đặt câu hỏi về việc có cần thiết tổ chức kỳ thi THPT hay không, nhất là kỳ thi vừa qua Bộ đã có tiền lệ đặc cách cho nhiều học sinh không phải thi do ảnh hưởng của dịch? Hoặc khi các trường tuyển sinh cần có cam kết việc làm cho sinh viên để các em yên tâm học tập?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi THPT vừa qua đã được tổ chức làm nhiều đợt và có hơn 2.000 học sinh tại TP.HCM và miền Đông được đặc cách không phải thi.
Bộ trưởng Sơn khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được luật hóa, Bộ thực hiện theo quy định của luật. Kỳ thi cũng có nhiều tác dụng trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Hiện tại đây vẫn là một trong những căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Ông cho biết trong năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT cũng đang lên phương án cho một hình thức thi linh hoạt hơn trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp. Căn cứ vào tình hình của đơn vị, của các tỉnh thành, nhóm tỉnh thành để có một lịch thi linh hoạt hơn kỳ thi năm trước.
“Bộ đang tính xây dựng một bộ đề, ngân hàng đề đủ lớn để có thể tổ hợp và cho phép thi nhiều lần hơn. Thậm chí mỗi tỉnh có thể tổ chức một kế hoạch thi riêng. Nếu như điều kiện cho phép tổ chức một lịch thi sẽ tốt hơn, bất đắc dĩ mới phải tổ chức thi theo phương án linh hoạt. Trước mắt chúng tôi vẫn cho rằng việc tổ chức thi là cần thiết” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Việc yêu cầu các trường ký cam kết để học sinh ra trường có việc làm ngay cũng sẽ khó khả thi. Việc tuyển dụng không nằm trong tay của nhà trường. Ngay cả doanh nghiệp, cũng khó có thể khẳng định là ký hợp tác tuyển dụng bao nhiêu nhân lực. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường mối liên kết giữa nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, nhà trường.
Cũng trả lời về việc những lỗi sạn trong SGK cải cách mới đây, Bộ trưởng khẳng định để có một bộ SGK chất lượng thì cần nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là người biên soạn, quy trình biên soạn, thẩm định và dạy thực nghiệm. "Về lâu dài, Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo SGK có chất lượng ngày càng cao hơn".
Theo Bộ trưởng, SGK mới là sản phẩm trí tuệ của hàng trăm nhà giáo, nhà khoa học. Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá về hiệu quả sách giáo khoa mới. Qua ý kiến tại hội thảo cho thấy, các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy hứng thú hơn, với tính mở các thầy cô chủ động hơn. Như vậy chủ trương từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, kỹ năng của học sinh là hướng đi đúng.
"Để đánh giá cả chương trình phổ thông mà chỉ qua lớp 1 thì chưa nói lên được nhiều điều, nhưng nó là dấu hiệu cho chúng ta quyết tâm với con đường đổi mới chúng ta đã chọn. Không vì một vài viên sỏi, sạn mà nghi ngờ cả một chủ trương rất lớn của Đảng, Quốc hội và ngành giáo dục"- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.